Tết Đoan ngọ ăn bánh tro, ăn chè

07/06/2019 - 09:01

PNO - Dù không vui như tết Nguyên đán nhưng có vẻ ai cũng ngó chừng ngày “mùng năm tháng Năm”. Phấn khởi, rộn ràng. Mấy anh chị xúng xính áo quần đi chơi còn lũ nhóc chúng tôi ở nhà hong hóng nồi chè và những cây bánh tro.

Lớn lên, tôi mới biết tên gọi tết Đoan ngọ, hay còn gọi tết diệt sâu bọ chứ hồi xưa thì không, nhà tôi quen gọi “mùng năm tháng Năm”.

Tet Doan ngo an banh tro, an che
Tết Đoan ngọ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ tôi

Riêng bánh tro, món bánh truyền thống của ngày này về sau rơi rụng dần, chắc gói món bánh này hơi công phu nên dần dà chỉ một hai nhà gói. Nhà tôi thì năm nào mẹ cũng gói bánh tro. Hỏi vì sao lại gói bánh tro cúng? Mẹ nói không biết, trước sao sau vậy. Hiểu rồi, là sự kế thừa tự nguyện.Vâng, “mùng năm tháng Năm” ở nhà tôi, xóm tôi đơn giản lắm. Làng quê ngày xưa nghèo khó mà. Ngày hôm đó mẹ tôi sẽ nấu nồi chè to và những cây bánh tro, trước cúng tổ tiên, ông bà, sau mời bà con chòm xóm. Chỉ những nhà khá giả bữa cơm ngày hôm đó mới đặc biệt hơn thường lệ, mâm cỗ rượu thịt cao sang, chứ nhà bình dân thì chè thập cẩm, chè đậu xanh, đậu đen hoặc đậu ván, còn cơm nước vẫn như thường lệ.

Để đón “mùng năm tháng Năm”, từ hôm trước, chị Hai đã quét tước đâu đó sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng. Còn mẹ thì lấy nếp ngâm, chuẩn bị tro, măng, lá cau ngày mai gói bánh. Cả hai món, chè và bánh đều được chị em chúng tôi trông chờ. Còn phải hỏi, hồi đó đâu như bây giờ, thèm gì ra ngõ ra chợ mua. Những món xa xỉ như vậy phải đợi giỗ chạp, hiếu hỉ mới có. Bánh tro thì chừng ấy nguyên liệu, năm nào thư thả mẹ gói nhiều, ăn bữa nay còn dành bữa mai. Nhưng chè thì không. Khó khăn thì chè nếp, đậu đen, đậu xanh. Chỉ năm nào dư dả một chút mới có thập cẩm, trôi nước.

Tet Doan ngo an banh tro, an che
Bánh tro, ăn hoài không ngán

Cúng kiếng đơn giản vậy nhưng vui. Hôm đó nhà ai cũng đi chợ từ rất sớm. Còn nằm trong chăn đã nghe: năm nay thịt đắt hay rẻ? Nhà chị nấu chè gì? Mùng năm tháng năm làm lớn không? Và tôi - con sâu hảo ngọt, khi đã tỉnh ngủ, sẽ hỏi lia: hôm nay mẹ nấu chè gì? Nếu câu trả lời chè thập cẩm sẽ nhảy cẫng lên sung sướng. Mà nếu chè nếp (món tôi ghét nhất) cũng chả sao. Tôi sẽ qua nhà thím Ba kế bên, chạy xuống bác Sáu, lên chú Tám, qua nội Hai, cả xóm, đằng nào cũng có một xoong chè thập cẩm. 

Nhà người ta, liên quan gì mình hả? Liên quan sao không, xóm làng chớ ai đâu. Khỏi cần xin, chỉ cần thấy thấp thoáng ngoài ngõ là kêu vô bưng chè cho ăn liền. Mà khỏi cần láng cháng ngoài ngõ, cúng xong nhà ai cũng mời hàng xóm tới ăn cùng. Hôm ấy nhà ai cũng nấu chè nhưng gia đình sẽ cử chủ (phó) hộ đại diện, ăn vận đàng hoàng tới nhà hàng xóm nói dão, ăn chè, lột bánh tro chấm đường, có khi chỉ uống tách trà.                                

Tet Doan ngo an banh tro, an che
Mâm cúng tết Đoan ngọ ba miền Bắc - Trung - Nam  ít nhiều có khác nhau. Vật phẩm quê tôi đơn giản lắm.

Lại tới mùng năm tháng Năm. 

Bạn gọi điện, hỏi có đi du lịch đâu không. Tôi bảo về mẹ ăn chè, bạn cười hì hì… Hỏi đằng ấy cười gì. Bạn bảo quê mùa, thời nào rồi mà “mùng năm tháng năm” còn ăn chè.

Sau câu đùa (nửa thật) đó, tôi có phần hụt hẫng. Cuộc sống hiện đại rơi rớt quá nhiều thứ. Chắc tại bản thân là người cổ hủ, lạc hậu. Hay tôi hoài cổ, thích đi tìm ký ức. Với tôi, những cái tết Đoan ngọ đẹp nhất là những cái tết ấm áp, kiểu như những lần tôi ngồi bóc vỏ đậu ván cho mẹ nấu chè, chập lại hỏi bánh tro ăn được chưa, mẹ hét: “Hỗn hào, để dành cúng!”. 

Nguyễn Thị Bích Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI