Nỗi buồn, niềm vui, sự tức giận đều là những người bạn

31/05/2023 - 06:12

PNO - Na vẫn có lúc buồn, lúc phấn khích và có lúc tức giận… Nhưng cả nhà đều bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn với những cú nổ cảm xúc của con.

 

Những lúc con buồn, dù là một nỗi buồn rất “vô lý” như “con mèo không chịu chơi với con, tôi cũng bình thản trò chuyện với con về nỗi buồn đó.
Những lúc con buồn, dù là một nỗi buồn rất “vô lý” như “con mèo không chịu chơi với con", tôi cũng bình thản trò chuyện với con về nỗi buồn đó. Ảnh minh hoạ

Một lần, đang đi chơi ở khu vui chơi công cộng, bé Na bị bạn giật mất đồ chơi. Con bất ngờ, rồi gào khóc thật to. Dù đã được cậu bé kia xin lỗi và trả lại món đồ chơi, cơn tức giận của Na vẫn không thể ngớt. Con cứ khó chịu, tìm mọi cách gây gổ với ba mẹ. Khi dỗ dành con mãi không được, ba bé Na nói giọng bực bội: “Bạn đã trả đồ chơi rồi, sao con còn khóc hoài vậy?!”.

Chỉ chờ có vậy, bé Na bật khóc thật to như xả ra hết những bất bình, ấm ức vẫn đeo đuổi nãy giờ. Chúng tôi phải quay về nhà vì biết con không thể cân bằng cảm xúc trở lại để tiếp tục vui chơi.

Khi ấy, Na cũng đang độ tuổi lên 3 với nhiều “khủng hoảng”. Sau buổi đi chơi thất bại đó, tôi nhận ra con rất nhạy cảm và giàu cảm xúc. Và chắc chắn, tình huống tương tự sẽ quay trở lại. Nếu không có sự chuẩn bị, vợ chồng tôi cũng lại lúng túng, dễ bị cuốn vào cảm xúc của con. Tôi quyết định thay đổi.

Tôi kể với con một câu chuyện về những người bạn cảm xúc. Ở đó, tất cả những cảm xúc như vui vẻ, tức giận, háo hức, mừng rỡ, buồn bã đều là những người bạn. Ta không thể nhìn thấy các bạn ấy, nhưng có thể cảm nhận các bạn ấy rất rõ. Các bạn ấy có thể đến rất gần bên con, có thể đi vào trong con và cũng có thể đi khỏi con. Bên trong con sẽ luôn có ít nhất 1 người bạn cảm xúc. Nhưng các bạn ấy sẽ không ở hoài trong con, bạn ấy sẽ đi ra, đi vào tùy theo cách con chơi với các bạn ấy.

Bé Na rất thích thú với câu chuyện này, bởi những “nhân vật" trong truyện đều quá quen thuộc với con. Con vừa nghe vừa bổ sung vào câu chuyện những gì con đã trải qua, vừa đặt rất nhiều câu hỏi.

Câu chuyện về những người bạn cảm xúc trở thành “đề tài đàm đạo" của 2 mẹ con. Tôi và Na bàn luận về cảm xúc mỗi ngày, với mọi chi tiết chúng tôi gặp ở nhà, ở quán ăn, hay những mẩu chuyện kể của Na về các bạn trên trường.

Ví dụ, khi vào quán ăn buổi sáng, thấy mọi người chào nhau vui vẻ, tôi liền nói với con: “Cô chủ quán đang có bạn vui vẻ bên trong cô đó. Vì cô chăm chỉ nấu nướng, giúp mọi người có bữa ăn ngon, nên người bạn vui vẻ rất dễ đi vào bên trong cô”. Hay vào một buổi chiều từ trường trở về, Na nói: “Hôm nay cô giáo con có một người bạn tức giận đó mẹ”. Tôi liền hỏi: “Ồ, sao mà bạn tức giận đi vào bên trong cô giáo được?”. “Vì bạn Bo không nghe lời cô đó mẹ, bạn Bo làm đổ sữa lên đồ chơi của tụi con nên cô giáo tức giận” - con 
giải thích.

Câu chuyện về người bạn tức giận của cô giáo bắt đầu từ đó. Tôi nói cho con biết, khi mình là một em bé trong lớp, mình đã có một giao ước là sẽ lắng nghe cô giáo. Nếu các con phá vỡ giao ước đó, người bạn tức giận sẽ rất dễ xuất hiện và đi vào bên trong cô giáo. Cũng giống như khi con không được mẹ lắng nghe, con cũng sẽ rất dễ buồn và tức giận. Nhưng người bạn tức giận ấy cũng sẽ đi rất nhanh nếu các con biết lỗi, biết xin lỗi cô và sửa lỗi sai của mình.

Na luôn tâm đắc với những câu chuyện như thế. Con làm quen, và trở nên gần gũi với mọi cảm xúc, dù đó là cảm xúc của con hay của người khác. Con hiểu "cơ chế" đi vào, đi ra của những buồn, vui, tức, giận. Và, có một thành tựu rất nhỏ nhưng rất quan trọng với một người mẹ như tôi - đó là khi con biết gọi tên từng cảm xúc, biết chia sẻ, đối diện với chúng thay vì ngại ngần, né tránh.

Dù vậy, Na vẫn có những khó khăn trong việc cân bằng cảm xúc. Con vẫn dễ thất vọng, buồn, nổi nóng. Mỗi lần con nổi nóng, tôi lại nói: “Hình như người bạn tức giận đi vào trong con rồi”. Điều đó như một lời nhắc, con sẽ nhớ lại câu chuyện về những người bạn cảm xúc, để phần nào “tách mình" ra khỏi những cảm xúc tiêu cực đang tung hoành bên trong. Tôi lại hỏi: “Bạn tức giận đã xuất hiện từ bao giờ đó? Con có biết vì sao bạn đi vào trong con không?”. Khi đó, Na sẽ kể về nỗi ấm ức nào đó của con. Cơn tức giận lúc này cũng đã dịu xuống vì “chủ nhà” đang tập trung chia sẻ và tìm giải pháp.

Những lúc con buồn, dù là một nỗi buồn rất “vô lý” như “con mèo không chịu chơi với con", tôi cũng bình thản trò chuyện với con về nỗi buồn đó. Mọi cảm xúc dù vô lý, vặt vãnh… đều là những người bạn và đều đáng được tiếp đón, thấu hiểu và tiễn biệt. Tại sao bạn buồn lại đến, con có muốn bạn ấy đi nhanh đi không? Nếu con muốn, tôi sẽ gợi ý cho con một vài giải pháp. Nhưng cũng có khi “con không muốn bạn ấy đi" (vì con còn có chút ấm ức, không muốn thoát khỏi khoản giận dỗi đó), tôi sẽ đồng ý “để con ở lại với nỗi buồn một chút, khi nào cảm thấy không muốn buồn nữa, mình sẽ cùng nghĩ cách”.

Na vẫn có lúc buồn, lúc phấn khích và có lúc tức giận… Nhưng cả nhà đều bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn với những cú nổ cảm xúc của con. Bản thân con cũng ý thức được "vị thế chủ nhà" của mình, để chủ động hơn trong việc tiếp đãi hay tiễn biệt từng người bạn cảm xúc. 

Minh Trâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI