Dạy con tự lập

25/05/2023 - 14:46

PNO - Người trong gia đình tôi rất ngưỡng mộ Hương, sao người mẹ này còn quá trẻ lại có suy nghĩ dạy con theo cách hay như vậy.

Tôi chạy tới đỡ bé Sửu, vỗ về, khi nó nằm bò ra đất, chân giãy đành đạch, tay đập bồm bộm xuống gạch vì đòi cái xe đồ chơi. Cứ tưởng hành động của mình như vậy sẽ được mẹ nó hưởng ứng, ai dè cô ấy nói một câu làm tôi chưng hửng: “Bà làm hư cháu rồi. Bà đừng chiều cháu như vậy, con không dạy được”.

Hương, mới 23 tuổi, gọi tôi bằng cô ruột. Hương lấy chồng ngay trong thời điểm COVID-19 vừa tạm ổn, rồi sinh con. Tôi ở xa, nên chỉ gửi quà và điện thoại hỏi thăm, cập nhật Facebook thường xuyên để nhìn mặt cháu. Thằng Sửu kháu khỉnh, thông minh. Mẹ nó giới thiệu cái nết của nó qua từng giai đoạn lật, lẫy, bò, trườn và đi chập chững.

Đi “siêu thị”, Sửu luôn dành phần đẩy xe cho mẹ
Đi “siêu thị”, Sửu luôn dành phần đẩy xe cho mẹ

Thấy tôi có vẻ tư lự sau câu nói “Bà làm hư cháu” của Hương, cha Hương (em tôi) nói thêm: “Hương dạy con nó vậy đó. Thằng nhỏ đi vấp té, khóc, nó không dỗ. Để thằng nhỏ khóc đã rồi tự nín, tự đứng lên. Thằng nhỏ đòi cái gì hợp lý thì cho, không thì nhất định từ chối, làm ngơ, thằng nhỏ khóc cỡ nào cũng kệ và cũng không cho ai ẵm bồng nựng nịu. Vậy mà cũng hay, bây giờ, tuy mới biết nói, nhưng cu Sửu nghe và hiểu hết. Hễ nó đòi cái gì, mẹ nó nói “cái này con không được lấy”, là nó bỏ lại, đi chỗ khác, ít khóc nhè lắm”.

13 tháng, cu Sửu đi nhà trẻ, ở trường được bảo mẫu đút cho ăn, nhưng về nhà tự xúc cơm ăn. Một chiều, Hương thả cu Sửu ngồi vào chiếc xe, để chén cơm trước mặt, rồi bảo con múc ăn đi. Cu Sửu ham chơi, mắt nhìn trân vào đống đồ chơi trên sàn nhà, ngồi im. Hương múc muỗng cơm đưa vào miệng, thằng Sửu mím môi quay đi.

Tôi để ý xem, thấy cô ấy nói với con: “Nè, không ăn thì ngồi đó luôn, không được xuống, chừng nào ăn xong hết chén cơm đó mới được đi nghe chưa”. Thằng Sửu khóc òa, mặc kệ, mẹ nó cứ đủng đỉnh ra sào lấy quần áo đang phơi vào, ngồi trước mặt nó, vừa xếp, vừa nói: “Nào, có chịu ăn chưa, không ăn thì mẹ bắt ngồi luôn ở đó, nghe không”.

Tôi xót ruột, định bước tới đút cho thằng nhỏ ăn, Hương lại la lên, bà đừng làm hư nó, nó lại làm nư. Xót xa lắm, nhưng tôi đành ngồi im.

Tôi không hiểu được, trong đầu một thằng bé 15 tháng tuổi nghĩ gì, nhưng khi mẹ nó đưa cái quần, bảo mặc vào, nó biết xoay lưng dựa vào tường, giơ cái chân xỏ vào ống quần. Buổi sáng, trước khi đi nhà trẻ, mẹ nó nói: “Sửu cho cá ăn đi”, nó le te ra cái bàn để ngoài hiên, cầm cái hũ thức ăn của cá, rắc vào hồ, cái hồ cá bé xíu để trên bàn uống trà, thấp, tầm vừa tay nó.

Sáng nay, nghe tiếng thằng Sửu khóc thét ngoài phòng khách, tôi vội chạy lên, hỏi mẹ nó, sao khóc vậy, sao không dỗ con? Hương trả lời tỉnh queo, con nít khóc đâu cần lý do, thấy khóc là chiều chuộng, ẵm bồng, năn nỉ, nó được nước làm tới, sinh hư. Tôi cãi, nó nhỏ xíu biết gì chứ, mẹ nó cười ằng ặc: “Bà lầm rồi, nó biết hết, nói gì nó cũng hiểu”, rồi tiếp tục bỏ mặc thằng Sửu la khóc. Trước mặt là chén bánh canh buổi sáng còn nguyên.

Tôi tưởng vậy là xong, ai dè một lúc sau Hương đến bên con, lấy khăn lau mặt, lau nước mắt và thủ thỉ, rầm rì, sao con khóc; mẹ nói cái đó không được là không được, mẹ không cho là không được đòi, nghe chưa. Chừng nào con ăn hết chỗ đó thì được chơi. Lạ, cu Sửu ngước nhìn mẹ, rồi lấy cái muỗng múc bánh canh ăn, không khóc nữa.

Mẹ con cu Sửu
Mẹ con cu Sửu

Tôi hỏi Hương, con đối xử với cu Sửu vậy không xót à? Hương chia sẻ, cũng xót, cũng thương lắm chứ, nhưng mỗi người có một cách dạy riêng của mình. Sửu là con trai, phải tập cho nó tính tự lập từ nhỏ, đừng sống dựa dẫm vào người khác nhiều quá, nhất là mẹ, cái gì cũng mẹ, là mình khổ trước, sau này nó cũng khổ. Nó còn nhỏ, rồi nó sẽ lớn, từng chuyện, mình nói một lần nó chưa hiểu, nhưng nhiều lần lặp lại, cũng hành động đó, cũng lời nói đó, nó sẽ hiểu.

Con trai, phải mạnh mẽ, biết suy xét, biết quyết định đúng lúc, lớn lên mới thành công. Nhưng điều không nên làm, giảm thiểu tối đa, là đánh con mà không chỉ ra điều nó làm sai. Hành động đánh con là sự cùng đường, không nên có, vì sẽ để lại cho con những dấu ấn tuổi thơ không tốt.

Hương rèn con như vậy nên bây giờ, mỗi lần nghe mẹ nói đi du lịch là nó chạy lấy cái ba lô nhỏ xíu của mình, tự bỏ vào đó cái khăn, bàn chải đánh răng, nhất là tự chọn quần áo. 

Người trong gia đình tôi rất ngưỡng mộ Hương, sao người mẹ này còn quá trẻ lại có suy nghĩ dạy con theo cách hay như vậy. 

P.N.Thường Đoan

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI