Mệt mỏi với các group giữa giáo viên và phụ huynh

26/05/2020 - 10:30

PNO - Quá nhiều ồn ào quanh chuyện đứa trẻ bị phơi nắng là từ hành xử kiểu "đối đầu" của những người lớn trong các group giáo viên và phụ huynh.

Sáng 24/5, trên trang Facebook cá nhân, phụ huynh bé M.T.T.T. (lớp 1, trường Tiểu học Quang Trung, Hải Phòng) đã thừa nhận: "Cô giáo chủ nhiệm không đuổi con ra cổng như những lời mọi người đã bình luận. Cô chỉ nghiêm cấm không được vào lớp trước 1 giờ 30 mà thôi…”.
Cùng thời điểm này, trên mạng cũng lan truyền clip từ camera an ninh của nhà đối diện trường tiểu học, clip cho thấy phụ huynh này đã chở con từ trong sân trường ra cổng để chụp ảnh
 
Phụ huynh của học sinh lớp 1 ở Hải Phòng lên tiếng vè sự việc và xin lỗi cộng đồng mạng
Phụ huynh của học sinh lớp 1 ở Hải Phòng lên tiếng về sự việc ồn ào những ngày qua
Như vậy, có thể do bức xúc giáo viên, phụ huynh này đã dàn dựng chụp hình con đứng ngoài cổng dưới nắng.
Như vậy, quá nhiều ồn ào quanh chuyện một đứa trẻ bị phơi nắng vì đi học sớm chung quy cũng từ cách hành xử kiểu "đối đầu" của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Người thì chụp hình các học sinh đi học sớm và làm ồn đưa vào group, mẹ cháu bé thì tung hình ảnh thương tâm của con lên mạng xã hội, gân nên cuộc tranh biện tới tận... hành lang Quốc hội.
Cháu bị cả mẹ dàn dựng để chụp (hình trái), và cô bắt đứng lên bục cùng các bạn để lên hình cho group (hình phải)
Cháu bị cả mẹ dàn dựng để chụp (hình trái), và cô bắt đứng lên bục cùng các bạn để lên hình cho group (hình phải)
Là phụ huynh có 2 con đang học phổ thông, tôi cũng tham gia hơn 10 group có giáo viên và phụ huynh. Cảm giác của tôi là rất căng thẳng, bất an, vì phải "họp phụ huynh 24/24".
Tại sao có 2 con, mà tới hơn chục group, để tôi giải thích nhé. Mỗi lớp sẽ có ít nhất 1 group đầy đủ phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm, tạm gọi là group chính. Nhưng, như các cha mẹ có con đi học biết đấy. Luôn có những thông tin các phụ huynh phải bàn bạc trước khi đem ra nói với giáo viên. Thế là ít nhất mỗi lớp học có 2 group, một có giáo viên và một không.
Chưa hết, phía giáo viên cũng có những thông tin cần bàn cùng nhóm Ban liên lạc cha mẹ học sinh trước khi đưa ra group chính thức, mà tôi làm nghề kế toán nên được giao sổ sách thu chi của lớp, buộc phải trong ban liên lạc cha mẹ đó. Thế là 3 group.
Tiếp đó, thầy cô còn phải chat riêng với từng cha mẹ trong một số vấn đề. Đó là chưa tính hàng loạt các nhóm các phụ huynh cùng hoàn cảnh, cùng trình độ, điều kiện sống... lại lập ra các nhóm chat riêng để bàn thảo những vấn đề học tập và sinh hoạt của con...
Từ nhóm Facebook tới nhóm Zalo, tất cả cứ loạn cả lên, chuyện chát nhầm cũng xảy ra liên tiếp. Ví dụ chị A. muốn "nói xấu" thầy B. đang ép học trò học thêm, đáng lẽ chát ở nhóm không có thầy chủ nhiệm, thì chị lại "lộn chuồng". Thế là bên thì ra sức giải thích, biện minh, bên thì hằn học, giận dỗi...
Hàng ngày đi làm, "sương sương" chúng tôi cũng phải tham gia vài cái group để trao đổi công việc với đồng nghiệp, với sếp trực tiếp, sếp gián tiếp, khách hàng... Nhưng group công việc hay các group gia đình, thậm chí ông bà ở quên nhắn có thể để "trôi" tin, chứ các group phụ huynh giáo viên liên quan tới học hành của con là buộc phải theo triệt để, phải tìm mọi cách lén đọc trong giờ làm việc để tham gia, "chống trôi".
Bận lắm thì trong khoảng thời gian nào đấy cũng phải "lội ngược dòng" mà đọc cho hết các thông tin, kẻo tuột mất những gì liên quan bài tập, lịch học, vi phạm của con...

Nói chung kênh liên lạc giữa nhà trường và gia đình qua các nhóm chat mạng xã hội khiến phụ huynh bám sát nhà trường. Nhưng mặt trái của nó là làm phụ huynh cũng gần như phải đi học cùng con. Trong khi vì hoàn cảnh, rất nhiều phụ huynh không thể kè kè chiếc điện thoại.

Ở lớp con tôi, nhiều phụ huynh là xe ôm, là tiểu thương đã bực bội than: "Tôi không hiểu ý thầy, làm sao biết đấy là thầy giao bài mà thầy bày đặt trách móc...".

Cảm giác của cá nhân tôi là luôn có cuộc đối đầu ngầm giữa phụ huynh và giáo viên. Ai cũng muốn phía bên kia chịu trách nhiệm nhiều hơn về việc học hành (và cả đạo đức) của con trẻ. Phụ huynh hay nghĩ con mình bị chèn ép, con mình bị thầy chê vì không đi học thêm; ngoài ra là tâm lý bảo bọc, thương con quá mức, có xu hướng bao che cho các vi phạm của con...

Không phủ nhận thông tin từ các Group ảnh hưởng tới cảm xúc của phụ huynh với con. Ảnh minh họa
Thông tin từ các group ảnh hưởng rất nhiều tới cảm xúc của phụ huynh với con. Ảnh minh họa

Giáo viên thì thường trách phụ huynh thiếu trách nhiệm, không hợp tác, "thảy" con cho nhà trường là xong. Tên tuổi cùng tội lỗi của các cháu bị liệt kê mỗi ngày, từ ngữ lời lẽ của bên "buộc tội", và bên "gỡ tội" đều căng, khiến tôi chỉ chứng kiến cũng rất mệt mỏi.

Mà mỗi lần tên con hay hình ảnh con xuất hiện trong group, tôi cũng "nhột", khó mà tránh việc trút giận khi đón con về nhà. Rồi thì chuyện so sánh với "con nhà người ta" cũng nảy nở từ các group thế này.

Nhiều phụ huynh và giáo viên tranh thủ bán hàng, giới thiệu dịch vụ bảo hiểm, rồi "tám" trên trời dưới đất các thông tin xã hội. Riêng việc sáng sáng, tối tối chúc sinh nhật nhau rồi cảm ơn qua lại cũng đã đủ nhiễu loạn, đau đầu.

Nếu cho tôi điều ước, thì tôi mong một năm chỉ đi họp phụ huynh 2 lần như trước kia. Việc gì gấp, giáo viên gọi điện thoại trao đổi thẳng với phụ huynh. Làm ơn đừng "hành nhau" bằng các group "ting ting" suốt ngày đêm rồi đem tên con trẻ ra nhắc, đem hình ra "bêu" như vụ bé lớp 1 ở Hải Phòng...

Thảo Nguyên

( Q.7, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Huỳnh My 27-05-2020 08:26:16

    Tại mấy phụ huynh rảnh rỗi nên tham gia tùm lum group và sự quan tâm của họ chỉ xoay quanh đứa con nên mới vậy. Có nhiều phụ huynh trong group rất trời ơi, để con cái quậy group tùm lum. Riêng tôi chỉ tham gia 1 group, tắt thông báo và mỗi ngày chỉ vào xem phần thầy cô nhắn, chấm hết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI