Mẹ không cho tài sản, con gái muốn làm đơn "từ mẹ"

11/09/2020 - 12:07

PNO - "Tài sản của cha mẹ là của ai?". Câu hỏi có vẻ khá ngớ ngẩn vì tất nhiên tài sản của cha mẹ là của cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người con nào cũng chịu hiểu.

Mới đây, trong vụ đánh đập mẹ dã man ở Long An, người con tuổi xế chiều cũng điềm nhiên thừa nhận, vì không được chia tài sản mà phải nuôi mẹ nên bực tức, đánh mẹ. Không được chia tài sản cũng là lý do làm rạn vỡ nhiều gia đình.

Nhiều cha mẹ sợ con dằn hắt nên đành thỏa hiệp, ký cho hết tài sản. Nhưng thử hỏi đứa con mà lấy việc hưởng tài sản như điều kiện của việc chăm sóc đấng sinh thành, thì liệu cha mẹ có nguy cơ ra đường không, sau khi đã chia tài sản cho con? Không chia cũng kẹt mà chia cũng không xong, vì “luật chơi” khi ấy đã thuộc về con.

Lắng nghe câu chuyện những cụ già lang thang cơ nhỡ hay nương thân trong các nhà mở, sẽ thấy cuộc đời các cụ có khi rơi tự do sau một phen “bút sa gà chết”. Họ không phải đã nghèo từ thuở thanh xuân, thậm chí nhiều cụ có của ăn của để.

Tưởng đông con, đứa này không nuôi được thì còn đứa kia nuôi, nhưng có trường hợp đứa con ma lanh lập thế thâu tóm được nhiều tài sản, rồi “quăng cục lơ”, các con còn lại cũng dạt đi vì “tao có ăn được gì đâu mà phải lo?”. Hoặc con cái trách cha mẹ thương không đồng (nói trắng ra là chia tài sản không đều) đâm bất mãn, giảm sút tình thương với cha mẹ, nghi kỵ các anh em. 

Người con quên và cố tình quên cha mẹ đã cho mình hình hài, cho ăn học, vui chơi... mà không hề ghi một tờ giấy nợ. Người con quên và cố tình quên một điều rằng đạo lý và cả pháp luật đã khẳng định con cái phải có bổn phận, trách nhiệm chăm lo phụng dưỡng cha mẹ. Trách nhiệm ấy không hề liên quan đến việc có được chia tài sản hay không. Tài sản của cha mẹ là của cha mẹ. Khi con cái quá khó khăn để lo cho cha mẹ thì nhờ sự giúp sức của họ hàng, cộng đồng.

Một cô gái tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM với lý do động trời “muốn tư vấn thủ tục để... từ mẹ”. Mẹ cô có ý định ly hôn để chia tài sản với cha cô. Theo suy đoán của cô, mẹ sẽ lấy số tiền đó “cúng” hết cho người dưng, vì trước giờ bà vẫn hay đi từ thiện...

Cô nghĩ đáng lẽ mình sẽ là người được hưởng tất cả tài sản của cha mẹ, vì mình là con một. Sau khi làm mọi cách để ngăn mẹ nộp đơn ly hôn, chia tài sản không thành, cô xoay hướng muốn từ mẹ.

Cô nói: “Sau này “bả” bị bá tánh dụ ăn hết tiền, rồi tuổi già bệnh tật, tôi không nuôi thì cũng đừng ai trách tôi bất hiếu. Bả có tiền cho người ngoài ăn, thì tới khi bệnh tật cứ để người ngoài lo chứ đừng về báo con cái”. 

Nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn tính rất “gọn“: thay vì chia tài sản chung ở tòa, thì cùng đem cho con chung là xong. Nhưng lắm lúc “xong” mà chẳng “xuôi” vì đứa con mới vào đời, ham chơi, đua đòi, suy nghĩ chưa chín chắn, chưa hiểu giá trị đồng tiền và sức lao động, lại được toàn quyền với khối tài sản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiền của mất đã đành, có khi cha mẹ còn không giữ được con. Vì vậy, thành quả lao động, tích cóp của cha mẹ là của cha mẹ. Nhiều gia đình đã phải trả giá vì không khắc sâu nguyên tắc này.

Chuẩn bị cho tuổi già có khó không? Thật ra cũng không biết người có tài sản hay không có tài sản thì sẽ chuẩn bị cho tuổi già dễ hơn. Cũng như thế, đối với người không có con, một đứa con hoặc nhiều đứa con, nhiều dòng con, ai sẽ chuẩn bị cho tuổi già dễ hơn. Chia tài sản cho con lúc mình còn đang sống hay để lại di chúc cho các con hưởng lúc mình qua đời? Chia ngay bây giờ thì con đỡ áp lực kinh tế và sẽ “hào hứng” chăm sóc cha mẹ hơn không? Tiền có mua được trách nhiệm và tình thương của con cháu dành cho người già không? Nếu có thì bao nhiêu? 

Xã hội phải thể hiện vai trò rõ nét hơn trong việc nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử của con cháu đối với cha mẹ ông bà, chứ không phó mặc kiểu ông bà này tốt phước có con cháu hiếu thảo, còn ông bà kia vô phần, con cháu toàn tỵ nạnh, vô trách nhiệm, bạo hành, ngược đãi... 

Nhận thức và hành vi tích cực bắt nguồn từ ý thức “tài sản của cha mẹ không liên quan gì đến con cái, quên tài sản của cha mẹ đi”. Bao nhiêu tỷ phú trên thế giới chỉ để lại cho con cái một phần nhỏ trong tài sản kếch sù của mình, phần lớn họ đóng góp cho cộng đồng. Và điều đáng tự hào là con cái họ cũng vui vẻ đón nhận điều đó, bởi tài sản của cha mẹ là của cha mẹ. Cha mẹ có toàn quyền định đoạt và công bố tài sản của mình hay không, không liên quan đến con cái.

Cha mẹ cho con bao nhiêu thì cho, không cho cũng chẳng vấn đề. Lẽ khác, cha mẹ và con cái đều nhận thức rõ nếu sống trên đống vàng, con cái sẽ mất động lực, mà động lực là van mở của hạnh phúc và bản lĩnh sống. 

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI