Đất đai chia cắt tình thâm: Con mượn đất xây nhà, quyết không trả

10/09/2020 - 17:27

PNO - Mảnh đất tiền tỷ khó có cơ đòi lại. Mà làm theo phương án của Đạt là bán cái nhà ông bà đang ở, rồi dọn về sống chung cũng không được. Chẳng nhẽ cuối đời bệnh tật, ông bà phải đi ở nhờ con rể.

Đọc tâm sự của bạn Gia Khánh - cô con dâu hờn giận chồng và cha mẹ chồng ngay cả khi ông bà đã mất, tôi buồn lây. Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh. Trong xóm tôi cũng có nhiều nhà rơi vào bi kịch đất đai chia cắt tình thâm.

Ví như chuyện nhà ông Đặng - bà Thoa cạnh nhà tôi. Ông bà nay đã người 60, người 65 tuổi, lụi cụi chăm sóc nhau. Khi đồng tiết kiệm cuối cùng ra đi mà bệnh ông Đặng ngày một nặng, bà Thoa bỗng nghĩ đến mảnh đất dưới phố.

Ngày còn trẻ khoẻ, ông bà dành dụm được đồng nào là đi mua vàng về cất. Hai phân rồi lên năm phân, năm phân từ từ gom thành một chỉ. Nghe người ta nói người đẻ, chứ đất không đẻ, ông bà thấy phải, bán hết vàng mua đất. Tới tuổi nghỉ ngơi, ngoài căn nhà nhỏ đang ở, ông bà còn có hai mảnh đất trong phố.

Bà bảo ông: "Nhà có mỗi mụn con gái, mai này cho nó một mảnh, mảnh kia dành bán dưỡng già, khỏi phiền con".

Con gái duy nhất của ông bà là chị Xuân. Hồi ấy, chị lấy chồng khi đã cứng tuổi. Anh quê xa, con nhà nghèo. Kết hôn xong, anh chị đều đi làm ở trung tâm, nên phải thuê nhà trọ. Ông bà xót ruột. Ngày ấy, chính bà bàn với ông cho vợ chồng chị Xuân mượn mảnh đất xây nhà. "Chỉ là cho mượn thôi, chứ đất vẫn đứng tên mình, sau này xem chúng nó ăn ở sao rồi tính", ông bà nghĩ vậy.

Ông bị bệnh nặng, hết tiền chữa trị, bà muốn đòi mảnh đất cho con mượn xây nhà. Hình minh họa
Ông bị bệnh nặng, hết tiền chữa trị, bà muốn đòi mảnh đất cho con mượn xây nhà. Hình minh họa

Rồi vợ chồng chị Xuân xây được căn nhà khang trang. Ông bà mừng lắm, mà đâu biết Đạt, con rể ông bà phải đi vay khắp nơi bên nội. Ông bà cũng rút tiết kiệm cho các con hai trăm triệu đồng.

Nhà rộng rãi, anh Đạt đón em gái và hai cô em họ từ quê miền Trung vào ở cùng. Ba đứa đã vào Đại học, chỉ ăn rồi đi tối ngày, chứ không động tay chân bất cứ gì. Chị Xuân đi làm về phải lo cơm nước, còn phải lau dọn nhà cửa vì lý do các em bận học.

Bà Thoa hỏi chị Xuân chuyện chi phí ăn ở, chị lắc đầu. Em gái Đạt thì không nói làm gì, còn hai đứa em họ, chúng nghiễm nhiên ăn ở miễn phí, vì hồi xây nhà, Đạt có mượn của bố mẹ chúng ít tiền, nên giờ mắc ơn, mắc nợ.

"Là phải nuôi ăn chúng nó hết bốn năm đại học hay đến khi nào?", ông bà Thoa ngỡ ngàng. Chị Xuân bảo, là do cha mẹ chúng vô tư, chứ dù có cho mượn tiền thì cũng trả lãi, chứ có mượn không đâu. Lúc này ông bà mới biết, vì muốn có cái nhà "bằng chị bằng em" mà Đạt không ngần ngại vay mượn và hiện còn nợ khá nhiều, không biết khi nào mới trả hết.

Nhìn Xuân gầy rộc đi vì vất vả, bà Thoa cáu, nói chị phải về nói chuyện với chồng đàng hoàng: "Nay hai đứa, sang năm mấy đứa nữa? Chẳng nhẽ Đạt định biến cái nhà thành trung tâm nuôi dưỡng con chủ nợ?".

Chị Xuân oà khóc, trình bày rằng: "Đâu phải con chưa nói, con nói rồi nhưng ảnh nói nhà người ta có một hai chỉ vàng phòng thân mà còn lấy ra đưa mình. Đâu như ai nhà cao cửa rộng đất mấy mảnh tiết kiệm mấy sổ mà “thí” cho hai trăm bạc".

Bà Thoa nghe chuyện con gái kể thì rầu lắm. Vậy nên, khi có bệnh, ông bà giấu không nói với chị. Năm ngoái, ông bà đã bán mảnh đất còn lại để chữa bệnh, nhưng chưa thấm vào đâu, nay chẳng nhẽ bán nốt căn nhà? Bán rồi ở đâu? Ông bà nhìn nhau, bàn đến mảnh đất mặt tiền ngang bảy mét dài hơn ba chục mét, giá thị trường giờ cũng phải hơn 5 tỷ đã cho vợ chồng chị Xuân mượn xây nhà.

Đến lúc này thì bà cũng không giấu vợ chồng chị Xuân về bệnh tình của ông nữa: "Thôi thì bây giờ bố mẹ vừa bán vừa cho, hai đứa đưa bố mẹ hai tỷ đồng để cho bố chữa bệnh".

Nhưng bà hoàn toàn không ngờ, khi bà nói xong, chị Xuân im lặng, còn con rể cất lời: "Đất của bố mẹ thật, nhưng bố mẹ có mình vợ con là con. Sau này bố mẹ mất đi thì cũng để cho vợ con chứ cho ai. Xây cái nhà này con phải mượn Đông mượn Tây, đến giờ còn chưa trả nợ xong, mẹ con phải bán nhà ở quê cho con làm nhà, nên giờ phải vào ở cùng. Không có tiền trả ngay, con phải nuôi con cho người ta để được thư thư nợ. Mẹ thấy con gái mẹ hầu thiên hạ thì xót, nhưng mẹ có hiểu cho đâu. Mẹ đừng nhìn ngôi nhà bề thế này mà tưởng vợ chồng con giàu, chúng con vẫn phải chạy ăn từng bữa đấy.

Bố bị "bệnh nhà giàu", chữa ba năm nay có tiến triển gì đâu trong khi tiền cứ cưỡi gió ra đi. Đổ tiền tạ chứ tiền tấn, thì rồi tiền hết người đi. Người đi thì nhẹ thân, còn người ở lại thì sao?

Con nói luôn là giờ vợ chồng con không có tiền. Hay mẹ bán cái nhà đang ở đi, rồi qua bên này với chúng con. Còn không, thì bố mẹ muốn làm gì cứ làm, kiện ra toà con cũng đành chịu. Ba năm nay bố bệnh tụi con không biết để giúp đỡ, nay thì con xin biếu bố mẹ hai trăm triệu để bố chữa bệnh. Nhiều hơn là con không có!". 

Nhìn con rể hất mặt cho con gái lên lầu lấy tiền biếu bố, bà Thoa có cảm giác nhục nhã như đi xin. Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn Đạt hất mặt ra hiệu cho vợ lên lầu lấy tiền, bà Thoa có cảm giác nhục nhã như đi xin. Bà không biết phải về nói với ông thế nào. Mảnh đất tiền tỷ khó có cơ đòi lại. Mà làm theo phương án của Đạt là bán cái nhà ông bà đang ở, rồi dọn về sống chung cũng không được. Chẳng nhẽ cuối đời bệnh tật ông bà phải đi ở nhờ. Ông bà đã quen yên tĩnh, xuống phố ồn ào làm sao ngủ? Chưa kể nhà Đạt giờ một đống người, bà thông gia cũng đang ở đó...

Biết làm sao, trách ai bây giờ. Trách con gái khuỷu tay hướng ra ngoài hay trách ông bà thương con gái không đúng cách, hay trách ông bà đã nhìn nhầm con rể...

Thụy Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI