Lời ru của mẹ - dịu dàng đời con

24/10/2021 - 15:08

PNO - Khi trẻ ngủ, lời ru của mẹ tựa như dòng sông mát dịu, từng cơn gió thổi vào tai lời rì rầm yêu thương...

Một đứa trẻ nếu được lớn lên giữa tiếng ru dịu ngọt của mẹ, chắc chắn tâm hồn sẽ được tưới tắm những yêu thương. Ngược lại, nếu đứa trẻ lớn lên giữa muôn vàn tiếng chửi thề hay những lời cãi vã, chắc chắn sau này những ám ảnh về mặt âm thanh sẽ không ngừng đè nặng tâm hồn.

Vậy thì cơn cớ gì ta không cho trẻ được lớn lên giữa những âm thanh của sự ngọt ngào và tình yêu thương?

Chị bạn tôi cho rằng mọi đứa trẻ được sinh ra trên đời này đều cần một “công thức” chung để dạy bảo. Có lần, chị bảo chị không thể chịu đựng được tiếng ru của một người phụ nữ ở nhà sát vách. Chị nhức đầu và dị ứng với tiếng ru đó. Mỗi lần nghe người phụ nữ kia ru con, chị lập tức “nổi đóa” và đeo tai “phone” vào.
 

 

Tò mò, tôi đoán lời ru của người phụ nữ kia chắc là ghê lắm hoặc tệ lắm nên chị mới phản ứng như vậy. Nhưng không, tình cờ tôi cũng nghe được lời ru đó, tôi thấy nó ngọt lịm, âu yếm làm sao.

Khi nghe được giọng ru này, tôi cảm nhận khác chị bạn. Tôi nghĩ em bé kia thật hạnh phúc, chắc là bé đang thiu thiu đi vào giấc nồng say, tay đang mân mê bầu vú mẹ hay đang nhoẻn miệng cười. Trong giấc ngủ của bé có tiếng sáo đồng, có cánh diều no gió, có lũy tre xanh, có dáng mẹ nghiêng nghiêng nón lá dưới ráng chiều…

Những lời ầu ơ ví dầu của người mẹ nghe thật dịu ngọt, từng giọt nồng yêu thương cứ thấm dần thấm dần vào làn tóc mây đang phất phơ và từng nhịp thở đều đều của bé.

Đâu phải không có lý do mà ca dao, tục ngữ Việt Nam đi vào lòng người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hát ru cũng là một cách để nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ, để sau này khi lớn lên, trẻ có một tâm hồn thiện lương, một con người sống đầy tình cảm, biết yêu thương, biết nhớ ơn, biết đâu là quê hương là nguồn là cội.

Thử hỏi những đứa trẻ Việt Nam, có đứa nào không biết và không thể đọc lại rành rọt câu hát ru “Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi”.

Những người mẹ trẻ bây giờ, dù nhạc Tây nhạc ta xập xình, dù tiếng Anh, tiếng Mỹ nói như một phản xạ vô điều kiện thì vẫn không thể nào không biết câu ví dầu huyền thoại này. Đó chính là nét văn hóa rất đẹp của người Việt từ bao đời, sao chị lại “dị ứng” nhỉ, tôi cứ thắc mắc mãi như thế.

Tôi nhớ, ngày xưa, lúc tôi sinh con đầu ở Bệnh viện An Nhơn, nằm gần tôi có sản phụ kia còn khá trẻ, tóc nhuộm vàng hoe. Cô thường mở máy điện thoại cho con mình nghe nhạc thính phòng, nhạc Beethoven. Có lẽ, cô bé này đọc đâu đó rằng nếu cho trẻ nghe nhạc thính phòng hay nhạc của Beethoven thì con mình khi lớn lên sẽ thông minh, sáng dạ.

 

Âm nhạc làm thanh lọc tâm hồn và nuôi dưỡng tâm hồn, ngay cả tiếng nhạc phát ra từ chiếc điện thoại vô tri cũng có tác dụng, huống hồ lời hát ru được hát từ người mẹ, từ tình cảm ấp iu của người mẹ?

Nhiều người vẫn cho rằng, khi trẻ ngủ, nếu ru trẻ sẽ tập cho trẻ thói quen xấu vì nếu mẹ không ru nữa, trẻ sẽ quấy khóc, không chịu ngủ. 

Riêng tôi thấy ngược lại, tôi tập ru con từ lúc chưa sinh con. Khi trẻ ngủ, lời ru của mẹ tựa như dòng sông mát dịu, từng cơn gió thổi vào tai lời rì rầm yêu thương, đôi khi tôi xen lồng vào lời ru cả nỗi lòng của mình.

 

Khi lớn lên, trẻ sẽ nhớ hoài lời ru của mẹ, sẽ nhớ về những ngày ấu thơ được ấp iu trong vòng tay yêu thương của mẹ. Đó cũng là nền tảng cho nhân cách trẻ sau này lớn lên, va chạm với cuộc đời.

Đối diện nhà tôi có một chị trạc tuổi tôi, cũng vừa sinh con. Thỉnh thoảng buổi tối đi phơi đồ, tôi được nghe chị ru con. Chồng chị làm xe ôm công nghệ, chị buôn bán nhỏ, nghe đâu quê chị ở miền Trung.

Những ngày giãn cách xã hội, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn. Tối hôm qua, tôi quét sân, cũng nghe chị ru, tiếng được tiếng mất: “Ầu ơ, chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”. Lời ru của chị cất lên vào những ngày này, nghe thật buồn, thật thương… 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI