Cuộc chuyển hóa ngoạn mục của ông chồng bạo hành

19/10/2021 - 09:50

PNO - Trước đây, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (45 tuổi, ở An Giang) có hai chục năm bị chồng bạo hành triền miên. Chị không dám ly hôn và ai cũng nghĩ suốt đời này chị sẽ “sống chung với lũ”. Vậy mà gió đã xoay chiều sau những năm tháng chị Linh nỗ lực thay đổi chồng, cứu vãn hôn nhân.

Dọa giết vợ trong mỗi cơn say 

Tôi không sao quên được cái cảnh cười ra nước mắt này: Mỗi lần nghe tiếng nẹt pô xe trước cổng của anh Đặng Văn Vị (50 tuổi, ngụ ấp An Thị, xã Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), chị Linh bụng mang dạ chửa lại ì ạch trèo lên cây me chua sau nhà trốn chồng. Đó là nơi trú ngụ an toàn của chị trước ông chồng say xỉn, hung hăng, vì anh Vị không biết trèo cây. Anh chỉ biết đứng dưới gốc cây, chửi và dọa giết vợ. 

Sau khi sinh con, chị Linh đổi chỗ ẩn nấp. Nhác thấy bóng chồng là chị bồng con chạy như bay xuống nhà tôi. Hai mẹ con chui tọt vào kẹt tủ bàn thờ trốn. Anh Vị về không thấy vợ, vừa kêu tên ầm ĩ, vừa đá chân vô cửa, vách ván ầm ầm, vừa chửi:  “Mày đâu rồi Linh ơi, mày ra đây. Mày trốn suốt đời luôn đi, chớ tao gặp là tao đánh mày không sống nổi đó”. Mỗi cú đá, tiếng chửi của chồng là mẹ con chị Linh lại co rúm người. Chửi vợ xong, anh Vị chửi qua hàng xóm, nhà tôi cũng bị anh chửi trong những cơn say. 

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

 

Khổ nỗi, một tháng anh Vị say đến 27-28 ngày, ba ngày còn lại là vì bị bệnh nên anh không nhậu được. Hàng xóm không một ai lên tiếng, vì chỉ cần một lời phản ứng, là anh vịn vào đó nổi xung thiên đập phá đồ đạc, rượt đánh người. 

Anh chửi đến khi chán chê thì quay qua ca vọng cổ. Anh thuộc rất nhiều bài, nhiều tuồng cải lương từ Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Tô Ánh Nguyệt đến Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài... Anh hát đến lúc mỏi mệt ngủ quên mới thôi. Khi anh chuyển qua ca vọng cổ với giọng nhựa không tách rời chữ được, chị Linh rón rén bồng con về nhà.

Sáng hôm sau, người đàn ông hay cười, lành như đất thế chỗ một đệ tử lưu linh hung hãn. Nhưng đến chiều, khi nhậu xong, anh lại trở thành nỗi ám ảnh của vợ con và hàng xóm.

Ngày chị Linh về làm vợ anh Vị, cả xóm thắc mắc “sao cô gái mới lớn lại ưng một người đàn ông có con rơi, chơi bời có hạng”. Sau này tôi nghe chị Linh kể, ngay trước ngày rước dâu chị mới hay chuyện, chị và mẹ khóc cạn nước mắt. Chị tính bỏ trốn, nhưng sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên đành lên xe hoa với trái tim tan nát của cô gái vừa tròn 18, chưa một lần yêu.

Nhiều người lại cho rằng, chị ham giàu, chị bỏ ngoài tai hết, chỉ mong có cuộc sống bình yên. Nhưng chưa đầy một năm sau, nhà chồng phá sản vì làm ăn thua lỗ. Từ đó, chồng chị càng chìm đắm trong những cơn say và xới bạc.

Anh Vị trút bao nỗi buồn bực, thất chí lên vợ con bằng những trận chửi bới, cú đấm đá. Chị Linh nhẫn nhịn, cam chịu và chỉ biết chạy trốn khi chồng đi nhậu về. Có người khuyên chị ly hôn. Nhưng, chị lắc đầu: “Con em còn nhỏ quá, với lúc không xỉn, ảnh hiền lắm”. 

Cô cháu gái nhỏ làm ông nội thay đổi

Vậy mà, giờ đây, sáng, chị Linh dậy sớm đi bán xôi, chè. Anh Vị gọi đứa cháu nội sáu tuổi dậy, rồi chải đầu, buộc tóc cho cháu. Sau đó anh lấy chổi quét nhà, quét sân. Đến khi vợ tan chợ về, anh chạy ra đỡ thau, nồi xuống, bưng ra sàn nước để gọn gàng. Từ đó đến chiều anh cũng chỉ quanh quẩn ở nhà.

Lúc dịch bệnh chưa căng ở An Giang, buổi trưa hoặc chiều, anh thỉnh thoảng vẫn tập hợp các “chiến hữu”. Người xách mồi, người xách rượu và bao giờ anh cũng dặn “nhớ làm gọn gàng nghen, bày tùm lum là vợ tao chửi và cấm tụi bây lên nhà luôn đó”. Và nhậu xong, anh vẫn giữ thói quen nằm võng nghêu ngao mấy câu vọng cổ rồi ngủ. 

Sau bao giông bão, hiện giờ gia đình chị Linh đã êm ấm, hạnh phúc
Sau bao giông bão, hiện giờ gia đình chị Linh đã êm ấm, hạnh phúc

Tôi tò mò, hỏi chị Linh: “Chị làm sao thay đổi ổng hay vậy?”. Chị Linh nhún vai “trần ai lắm mới được vậy”. Rồi chị tuôn một tràng: “Sau gần 20 năm bị ổng hành hạ tơi bời, tui nghĩ: một là ly hôn, hai là tiếp tục thì phải thay đổi, không thể để ổng hành hạ, đánh đập suốt ngày”. Chị chọn cái thứ hai.  

Hành động đầu tiên của chị là đi bán xôi chè, để không lệ thuộc vào mấy công ruộng của nhà chồng, để chồng không còn chửi: “Không có gia đình tao là mày chết đói”. Rồi chị đi bán thêm đồ chiên buổi tối. Đi buôn bán thêm, chị có đồng ra đồng vào, bữa cơm gia đình ngon hơn, nhà cửa đỡ thiếu trước hụt sau. Lựa lúc chồng tỉnh táo, chị thỏa thuận: “Giờ tui đi bán rồi, ông nhậu bớt lại được không? Chiều ông xuống coi quán thay tui 30 phút, để tui về nấu cơm cho ông ăn được không?”. Anh Vị sau mấy phút ngần ngừ rồi gật đầu. 

Ngày đầu tiên, anh vẫn đi nhậu nên không đổi ca cho vợ. Chị không về nấu cơm được, tối anh nhậu về không có cơm dằn bụng, tức tối chửi ầm ĩ. Chị Linh nói đúng một câu: “Ông không xuống coi quán, làm sao tui về nấu cơm được?”, và chị co giò chạy trốn. Nhưng lần này anh Vị chỉ chửi chừng 10 phút rồi lặng lẽ đi cắm nồi cơm.  

Vợ chồng con trai vừa có con, chị Linh thỏa thuận tiếp: “Ông không đi coi chừng quán cho tui, thì ở nhà giữ cháu nội, để thằng Phong xuống coi quán, tui về nấu cơm”. Anh Vị đồng ý. Khi anh bồng đứa cháu gái đỏ hỏn giống ông nội như tạc, chị Linh cảm nhận chồng rất cưng cháu nội, và chị biết có thể tựa vào đây để thay đổi ông chồng say xỉn, hung hãn và cũng thay đổi cuộc đời mình. 

Đúng như chị Linh quan sát, anh Vị rất cưng cháu. Trước đây, sáng mở mắt là anh cắp chai rượu vù đi mất. Giờ, sáng anh pha sẵn bình sữa, bồng cháu xuống võng, vừa bồng cháu, vừa cho bú bình như một người cha, người ông mẫu mực. Do “ghiền cháu” nên thời gian đi nhậu của anh Vị trễ hơn và về cũng sớm hơn. Cũng vì nhậu chưa đủ đô nên anh Vị vẫn còn tỉnh táo và về nhà không còn quậy, chửi bới bởi sợ “cháu nội ồn ngủ không được”.

Khi cháu nội được hai tháng, vợ chồng con trai trở lên TP.HCM đi làm. Anh Vị nhất quyết không cho, chị Linh liền gài: “Ông giành lại thì phải ở nhà giữ cháu nội nghen, tui đi bán cả ngày chăm không nổi đâu”. Anh Vị dứt khoát “bà không giữ thì tui giữ”. 

Từ hôm đó, chị Linh gần như khoán hẳn việc chăm cháu nội cho chồng. Anh Vị tỉ mẩn từ pha sữa, cho cháu bú bình, đến cả việc vệ sinh cho cháu. Đêm, anh cũng thức canh, cách 2-3 giờ cho cháu nội bú sữa một lần. Đến khi cháu ăn dặm thì anh chạy theo dỗ dành, đút từng muỗng. Dành nhiều thời gian cho cháu nội nên anh giảm nhậu. Anh ít khi tụ tập với “chiến hữu”.

Những khi thèm rượu quá, trong bữa cơm anh uống vài chung. Bao giờ, anh cũng chừa cho mình sự tỉnh táo để chăm cháu nội. “Khi không say bí tỉ, ổng hiền lắm, nên vợ chồng tui không có gì để cự cãi” - chị Linh nói. 

Đến nay, bé My - cháu nội của anh chị đã sáu tuổi, chuẩn bị vào lớp Một, cũng là  sáu năm chị Linh sống trong cảnh ấm êm, hạnh phúc. Từ khi quyết tâm thay đổi chồng và vận mệnh cuộc đời mình, chị Linh cũng từ bỏ sự nhu nhược, nhẫn nhịn có phần ngốc nghếch của mình - như chị thừa nhận.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Sự thay đổi của anh Vị khiến cả xóm ngỡ ngàng. Mọi người thán phục và mừng cho chị Linh. Không ai tưởng tượng được từ một người đàn ông sáng xỉn chiều say, đánh đập vợ như cơm bữa, bây giờ sáng sáng anh ngồi buộc tóc cho cháu nội rồi nhẫn nại dạy cháu làm quen với những con chữ đầu đời. 

Dạo gần đây chị nghỉ bán buổi chiều, vợ chồng dọn mâm cơm và bên cạnh là chung rượu của anh Vị. Anh uống nửa ly và chuyền cho chị nửa ly. Chị Linh uống cái ực và vợ chồng tiếp tục bữa ăn, nói đủ thứ chuyện. “Ổng thích uống rượu nên tui không cấm, cho ổng uống trong bữa cơm vài ly, thậm chí tui cũng tập uống với ổng... nửa ly để ổng khỏi đi đâu hết” - chị Linh nói. 

Là một người ít học, cũng chẳng được ai tư vấn tâm lý, khuyên bảo cách ứng phó với nạn bạo hành và ông chồng say xỉn nhưng bằng khát khao được sống cuộc đời nhiều niềm vui, hạnh phúc, chị Linh đã tự cứu cuộc hôn nhân của mình và đã thành công ngoạn mục. 

Sau 20 năm bị bạo hành triền miên, chị đã có cuộc sống mà chị chia sẻ: “Trước có ngủ tôi cũng không dám mơ thế này”. 

Thùy Dương
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI