Ký ức buồn về thảm màu trên mặt nước

10/03/2020 - 12:48

PNO - Má - lúc đó bụng đã vượt mặt, tóc mướt đẫm mồ hôi vì buôn bán suốt buổi, vội giật mạnh tô giấy, hất tung xuống vũng nước sau hè. Chị đứng chết trân nhìn thảm giấy màu công lao hàng tháng phủ lềnh phềnh trên mặt nước,

Mấy ngày lưu diễn ở Cần Thơ, cùng ê-kíp ra thăm bến Ninh Kiều, nhìn mặt nước xôn xao, bỗng nhớ bác Năm, nhớ công-phết-ti, nhớ T. da diết…

Công-phết-ti (confetti - hoa giấy) thời nay rất dễ mua, giá rẻ, nhưng cách đây 50 năm thì thật hiếm hoi, đặc biệt với đám trẻ con nghèo. 

Hồi đó, cô bé 11 tuổi là chị theo má và dượng về Cần Thơ sinh sống. Dượng thuê nhà của bác Năm nhân viên khách sạn Tây Hồ ở bến Ninh Kiều.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà bác Năm - ba T. cũng trong khu lao động, nhưng bác có căn nhà lá “mẹ bồng con” cạnh vách để cho thuê, nên T. dẫu sao cũng là con chủ. T. bằng tuổi chị, thích chơi với chị vì chị nhiều sáng kiến, nhưng vẫn thích ra oai kiểu con trai. 

Một lần thấy nhà giàu đầu hẻm đám cưới có tung thứ hoa giấy li ti rực rỡ, chị cứ mơ được sở hữu chúng.

Với bản tính “hay bày đặt”, chị rủ T. làm công-phết-ti - tên gọi mới nghe nói - và phân công như sau: T. ra phố gom giấy, chị ở nhà lui cui cắt. Với tật làm oai bằng cách hay chê, T. nói giấy cắt tay không tròn như giấy cắt máy và không có nhiều màu. Chị chống chế hoa bay thì ai kịp thấy tròn/vuông, màu thì… ráng kiếm.

Để ráng, từ đó ngoài chuyện đi học, đi chợ, đi rước em, chị bắt đầu lân la những nơi công cộng, mắt láo liên tìm giấy rơi rớt có màu, hoặc giấy bạc bên trong bao thuốc lá.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với cây kéo con con, đôi tay kheo khéo và chiếc tô lớn, một tháng sau “công trình hợp tác” của chị với T. cũng đã được kha khá. Màu không sặc sỡ nhưng vui mắt nhờ giấy bạc lấp lánh.

Giống như chuyện hùn hạp làm ăn của người lớn dễ sinh mâu thuẫn, cái tô giấy càng đầy thì những gấu ó giữa hai nhóc càng nhặt, và luôn kết thúc bằng câu dọa “Tao méc ba tao” của T. Một ngày, hai đứa đang cãi vã thì má chị về, đúng ngay boong câu kết thúc của T.

Má - lúc đó bụng đã vượt mặt, tóc mướt đẫm mồ hôi vì buôn bán suốt buổi, vội giật mạnh tô giấy, hất tung xuống vũng nước sau hè. Chị đứng chết trân nhìn thảm giấy màu công lao hàng tháng phủ lềnh phềnh trên mặt nước, không biết sao chị không khóc.

Vậy mà khi má nói: “Nhà mình thiếu tiền bác Năm nhiều lắm, con biết không?”, thì chị khóc không dừng…

Chị hay kể con gái nghe các kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu, trong đó có chuyện công-phết-ti ngập nước. Một lần con gái hỏi má chị nghĩ gì khi đổ tô giấy công lao của mẹ nó, bà ngoại nói vô thức làm thôi, không nghĩ gì.

Sau bữa khóc không dừng được đó, chị biết má sợ bác Năm, sợ viễn cảnh bị đuổi nhà, sợ bầy con đói rét, thấy thương má hơn giận. Theo thời gian, ký ức thảm màu trên mặt nước của đứa bé năm xưa biến thành nhận thức sâu xa của một người lớn về áp lực tâm lý. Người lớn đó thận trọng hơn trước mọi “thảm màu” cuộc sống… 

Hải Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI