Đàn ông vào bếp

09/05/2025 - 06:00

PNO - Khi người đàn ông trong gia đình vào bếp, có thể bữa ăn sẽ không hoàn hảo, nhưng chắc chắn, đó sẽ là bữa ăn đầy ắp yêu thương.

Một tối nọ, tôi mệt, nằm bẹp trên giường. Chồng tôi bỗng nhìn quanh, đứng dậy tuyên bố chắc nịch: “Để đó anh nấu!”.

Cả nhà ngơ ngác. Con gái tròn mắt, tôi thì nghĩ ngay đến phương án dự phòng là gọi đồ ăn ngoài. Nhưng rồi chồng nháy mắt với con gái, quả quyết: “Không sao, thời sinh viên ở trọ ba cũng tự nấu, vẫn béo tốt, giờ nấu cho vợ con thì nhằm nhò gì!”.

30 phút sau, nhà tôi tràn ngập mùi cháy. Canh mặn hơn nước biển, trứng chiên khô quắt như bánh đa nướng. Đến khi dọn hết thức ăn ra mâm mới phát hiện nồi cơm mới chỉ cắm điện vào chứ chưa bật nút nấu.

Con gái tôi ví von rằng, khi ba nấu ăn, gia đình bỗng trở thành khán giả của một “show truyền hình thực tế” - nơi hồi hộp, hài hước và cảm động cùng nhau xuất hiện. Lúc ba nó loay hoay tìm công thức trên YouTube, nó chạy lại trêu. Nó cười như nắc nẻ khi ba nó hỏi mẹ “bột nêm là cái nào”, rồi quyết định nêm muối 3 lần cho chắc ăn.

Bữa ăn ấm áp hơn khi người chồng, người cha vào bếp (Ảnh minh họa)
Bữa ăn ấm áp hơn khi người chồng, người cha vào bếp (ảnh minh họa)

Nhưng điều ngạc nhiên là cả nhà vẫn vui vẻ chờ đợi, trong bữa cơm ai cũng vừa ăn vừa cười . Mấy mẹ con động viên ba: “Ngon mà, hơi mặn nhưng có tình!”. Và đó, kỳ lạ thay, là một trong những bữa cơm đầm ấm nhất mà tôi từng nhớ.

Con cái lớn lên trong những bữa cơm như thế sẽ không chỉ nhớ hương vị, mà nhớ những giây phút khi người cha chảy mồ hôi vì canh trào ra bếp, khi cả nhà nhăn mặt vì món mặn quá tay, và khi mẹ ngồi cười, dịu dàng gắp miếng thịt vào bát cha: “Lần sau nêm ít muối hơn là được rồi”.

Từ khi cưới nhau đến giờ, chồng tôi hiếm khi vào bếp. Giống như rất nhiều gia đình “kiểu cũ” khác, chồng chủ yếu lo toan bên ngoài, là người lo “việc lớn”. Nhưng thời thế đổi thay, vai trò giới cũng dần thay đổi. Những người cha hiện đại không còn ngần ngại vào bếp, không chỉ để giúp vợ mà còn để kết nối tình cảm gia đình.

Có những ông bố lần đầu vào bếp loay hoay với công thức nấu canh trứng mà quên cho nước, kho cá nhầm muối thành đường. Có người đem mì gói nấu với nước mắm rồi gọi đó là sự sáng tạo. Có bữa ăn, cha nấu món thịt rang cháy cạnh đến mức phải cắt bằng kéo. Nhưng điều khiến những bữa cơm ấy trở nên đặc biệt, không phải là mùi vị, mà là sự cố gắng, là tình yêu được thể hiện qua hành động đôi khi rất vụng về, nhưng chân thành.

Con cái lớn lên trong những bữa ăn như thế không chỉ học cách nêm nếm gia vị, mà còn học được bài học yêu thương: rằng đàn ông cũng biết chăm sóc, rằng tình cảm có thể bắt đầu từ những điều tưởng chừng rất nhỏ, như việc cha bước vào bếp, đeo tạp dề, và gấp gáp hỏi mẹ: “Em ơi, củ hành nằm đâu vậy?".

Tôi muốn con hiểu rằng, cha vào bếp không phải vì mẹ yếu đuối, mà vì cha muốn gánh vác. Không phải vì ép buộc, mà vì thương. Đằng sau hình ảnh người đàn ông cầm muôi đảo rau, lau bếp lấm lem dầu mỡ, là cả một quá trình học hỏi, vượt qua mặc cảm và thói quen, để thể hiện tình cảm một cách lặng lẽ mà sâu sắc.

Đối với những đứa trẻ, đó cũng là lúc chúng hiểu rằng tình yêu không nhất thiết phải nói ra thành lời. Nó có thể là một nồi canh trứng, một bữa cơm cháy, một miếng trứng bị mặn, nhưng luôn ấm áp.

Thời đại ngày mỗi khác, những “mặc định” về việc làm thuộc về giới này hay giới kia dần mờ nhạt. Gia đình là để sẻ chia. Cha vào bếp không chỉ để thay thế mẹ. Cha vào bếp để khẳng định rằng tình yêu thương không có giới hạn, không bị ràng buộc bởi “chuẩn mực nam tính”.

Một người đàn ông biết nấu ăn không phải là yếu đuối, mà là can đảm, đủ thấu hiểu và sẵn sàng bước vào những vùng đất mềm mại nhất của cuộc sống: chăm sóc, nuôi dưỡng, và sẻ chia.

Cha cũng đang âm thầm dạy con một bài học sâu sắc: đôi khi, đàn ông chỉ cần biết đứng bên cạnh người thân trong căn bếp nhỏ, cũng đủ vững chãi rồi.

Vũ Hoài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI