Hết dịch mẹ sẽ về với con

05/04/2020 - 10:40

PNO - "Con cố gắng, hết dịch mẹ về với con”, chị Vũ Thị Hạnh, điều dưỡng BV Đa Khoa Bắc Giang nhắn con và bước tiếp vào cuộc chiến.

Nếu một ngày mẹ phải bị cách ly. Mẹ chỉ thương con trai một mình không có ai chăm sóc. Căn nhà nhỏ một mình con nheo nhóc. Chờ mẹ về mà chẳng thấy mẹ đâu…”, những dòng thơ của cử nhân điều dưỡng Vũ Thị Hạnh - Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã chạm tới trái tim của rất nhiều người.

Bài thơ được viết ngày 20/3. Ngày 21/3 chị đưa con về gửi ngoại, 2 ngày sau chị Hạnh vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội, sau đó chị tự cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định, vì có liên quan đến bệnh viện Bạch Mai.

Bài thơ lên sóng truyền hình toàn quốc và bất ngờ nổi tiếng
Bài thơ lên sóng truyền hình toàn quốc và bất ngờ nổi tiếng

Viết xong bài thơ trên trang Facebook cá nhân, chị không dám đọc lại vì không kìm nén được cảm xúc. Sau khi được cộng đồng mạng chia sẻ, bạn bè động viên, chị mới đọc lại và vẫn thổn thức nỗi thương con.

Hơn 2 tuần mẹ con không gặp nhau, cũng là chừng ấy ngày chị nhớ con quay quắt. Đây là lần đầu tiên mẹ con chị xa nhau lâu đến thế. Chị Hạnh nghẹn ngào động viên con: “Mẹ đi chiến đấu, dịch căng lắm, bỏ chiến trường mọi người sẽ cười chê”. Nghe mẹ nói vậy, cùng với ông bà ngoại thuyết phục, Tu Ti đã vui vẻ về quê, nhưng tối đến lại nhớ và đòi gặp mẹ.

Ở nhà  con đã biết nấu cơm phụ mẹ (Ảnh NVCC)
Ở nhà con đã biết nấu cơm phụ mẹ (Ảnh NVCC)

Là mẹ đơn thân nhưng căn nhà nhỏ của chị Hạnh chưa bao giờ ngớt tiếng cười nói trêu đùa. Tu Ti xưng hô với mẹ là “chị” và “em” vì theo cậu “gọimvậy cho thân thiết”. 9 tuổi đã tự giác ở nhà học bài, nấu cơm, xếp dọn chăn màn áo quần, đêm nào mẹ đi trực thì Tu Ti ôm sách vở qua bác hàng xóm tốt bụng học rồi ngủ luôn ở đó. Sáng ra, có hôm bác dẫn đến trường, cũng có khi nhớ mẹ quá, anh chàng gọi Zalo hình ảnh để nhìn mẹ một lát rồi vội đi học.

Ngày thường, Tu Ti  biết cách pha trà hoa nhài cho mẹ uống (Ảnh NVCC)
Ngày thường, Tu Ti biết cách pha trà hoa nhài cho mẹ uống (Ảnh NVCC)

Thương mẹ Hạnh vất vả, Tu Ti tiết kiệm lắm. Có lần đi nhổ răng hết 200 nghìn, cu cậu tiếc, thế là từ đó hễ có răng nào lung lay là Tu Ti tự nhổ lấy để “con cất tiền cho mẹ bỏ heo”. Nhìn con răng sún, chị vừa buồn cười vừa thương.

Biết mẹ đã 2 lần làm xét nghiệm với kết quả âm tính, Tu Ti mừng lắm, cu cậu nghĩ rằng ngày mai sẽ được về nhà gặp mẹ nên bảo “ để con tạm biệt mọi người ở quê....”.

Mỗi lần nghĩ đến con, chị Hạnh lại có thêm động lực sống và làm việc. Ngoài việc ở cơ quan, hễ có thời gian rảnh chị lại tranh thủ làm thêm. Nhiều đêm thấy mẹ còn gói hàng cho khách, Tu Ti đến gần nhõng nhẽo “con chỉ xin mẹ nằm nhắm mắt ngủ cùng con một hôm”, nghe con nói mà nước mắt chị chảy dài.

Bao giờ hết dịch, mẹ lại được ôm con ngủ (Ảnh NVCC)
Bao giờ hết dịch, mẹ lại được ôm con ngủ (Ảnh NVCC)
Chị Hạnh được an ủi khi được những người xung quanh không kỳ thị mà còn gửi rau củ quả tới cho(Ảnh NVCC)
Chị Hạnh được an ủi khi được những người xung quanh không kỳ thị mà còn gửi rau củ quả tới cho (Ảnh NVCC)
Quà được xóm làng đặt trước cửa rồi điện thoại chị Hạnh ra lấy(Ảnh NVCC)
Quà được xóm làng đặt trước cửa rồi điện thoại chị Hạnh ra lấy(Ảnh NVCC)

Nhưng mẹ hết cách ly chứ đâu phải hết nhiệm vụ, một lần nữa chị và gia đình phải làm công tác tư tưởng “dịch căng, con không ra ngoài được. Con cố gắng, hết dịch mẹ về với con”, Tu Ti buồn thiu, nhưng một lát cũng nguôi .

Ngày mai, chị Hạnh lại tiếp tục quay về bệnh viện, nhiệm vụ của tổ trưởng kíp trực khoa cấp cứu khiến chị không thể làm ngơ trước những bệnh nhân đang giành giật mạng sống với tử thần. Mỗi ca cấp cứu thành công, chị thấy lòng mình thanh thản.

Ngày mai, mẹ trở lại cuộc chiến mới (Ảnh NVCC)
Ngày mai, mẹ trở lại cuộc chiến mới (Ảnh NVCC)

Cuộc chiến với COVID - 19 vẫn chưa có hồi kết, nhưng trên tinh thần vì bệnh nhân và lời hứa chắc chắn với con trai “mẹ nhất định khỏe mạnh trở về ông bà ngoại đón con” sẽ giúp chị có thêm ý chí. Chỉ cần Tu Ti  ngoan, khỏe mạnh thì chẳng có khó khăn nào mẹ Hạnh không thể vượt qua. Đợi mẹ về con nhé!

                                                         Lâm Hoàng

Từ khóa bài thơ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI