Hành trình ly hôn - Bài 1: Mòn mỏi tìm... người

08/05/2013 - 17:00

PNO - PN - Ly hôn là lựa chọn của không ít người khi hôn nhân bế tắc, không đạt mục đích. Thống kê cho thấy, các tòa án quận huyện mỗi năm thụ lý từ 500 đến hơn 1.000 vụ ly hôn. Một số thẩm phán còn cho biết, chỉ một năm, họ đã...

Hanh trinh ly hon - Bai 1: Mon moi tim... nguoi

Anh… ở đâu?

Suốt 5 năm qua, chị N.T.P. phải lặn lội khắp nơi tìm chồng để… ly hôn. Năm 2002, chị và anh N.S.Đ. ngụ ở Tân An Hội, Củ Chi kết hôn, sinh được một bé gái. Do mâu thuẫn với gia đình chồng, chị P. bồng con về nhà mẹ ruột. Thời gian đầu, anh Đ. có qua lại thăm con nhưng sau đó, anh… biến mất. Năm 2005, chị P. nghe tin anh Đ. bị kết án tù giam vì tội cướp giật tài sản, nghĩ tình chồng vợ, chị lặn lội thăm nuôi. Khoảng hơn hai năm sau, chị nghe anh được trả tự do sớm và đi đâu không biết. Chị tìm đến gia đình anh, được người nhà anh khuyên hãy quên anh đi, vì anh đã có vợ con khác rồi.

Cảm thấy mình bị phản bội, chị P. nộp đơn xin ly hôn, nhưng TAND Q.Gò Vấp không thụ lý đơn vì anh Đ. không cư trú hoặc tạm trú ở Gò Vấp. Quay về Củ Chi, tòa cũng không nhận đơn của chị. Loay hoay suốt mấy năm, chị không biết làm cách nào để được “tự do”. Cuối năm 2012, TAND huyện Củ Chi đồng ý thụ lý đơn của chị P., nhưng là để tuyên bố sự mất tích của anh Đ., sau đó mới tính đến chuyện ly hôn… Chị P. lại mất sáu tháng làm các thủ tục công bố anh Đ. mất tích như xác nhận ở nơi cư trú cũ, đăng thông báo trên các phương tiện truyền thông…, vẫn chưa ly hôn được. Chị mệt mỏi: “Biết là phải “đi” từng bước theo luật, nhưng giá cán bộ thụ lý ở hai tòa án Gò Vấp và Củ Chi hướng dẫn cho tôi kỹ hơn, chắc tôi đã được ly hôn từ lâu rồi!”.

Chồng của chị N.H.A. ở Q.12 thì “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Từ năm 2009, anh theo người phụ nữ khác, bỏ mặc chị một mình nuôi hai con nhỏ. Chồng bỏ đi hơn một năm, rồi căn nhà đang ở bị giải tỏa, chị A. phải ôm hai con tìm nơi thuê nhà sinh sống. Sau đó, chị gặp một người đàn ông tốt bụng, đã cưu mang ba mẹ con chị. Thương chị, anh đặt vấn đề kết hôn. Chị bắt đầu đi tìm chồng cũ để ly hôn nhưng anh H.B. - chồng chị, đã chuyển hộ khẩu về Lâm Đồng từ lâu, chính quyền địa phương cũng không rõ nơi chuyển đến của anh. Chị A. đăng báo gọi anh về ly hôn, thì anh gọi điện bảo chị đợi khi nào anh ta… chết rồi ly hôn một thể! Chị A. khóc: “Anh ta làm khó kiểu đó đã khiến người mới hiểu lầm, vì thấy tôi cứ vướng mắc, dù chỉ là giấy tờ với người cũ”.

Hanh trinh ly hon - Bai 1: Mon moi tim... nguoi

Mòn mỏi

Anh N.C.N. và chị T.T.T. từng có bốn năm chung sống hạnh phúc. Cuộc sống của anh chị có lẽ sẽ rất yên bình nếu như chị T. đừng tin lời thầy bói: “Anh N. số đào hoa, nếu không canh giữ, sẽ nhiều vợ”. Nghe thầy bói, chị yểm bùa khắp nhà và… theo sát canh chừng chồng. Anh N. nổi quạu: “Nghe lời thầy bói, cô ấy ghen tuông bậy bạ làm tôi bẽ mặt. Bốn năm dài, tôi chịu hết xiết, phải nộp đơn ly hôn. Biết tôi nộp đơn cho tòa, cô ấy biến mất khỏi nơi cư trú. Tôi tìm mãi mới biết được nơi ở mới của cô ấy tận Vũng Tàu nhưng cô lại không ra trình diện tòa khi được triệu tập. Hai năm ròng, dù trốn tránh tòa nhưng cô ấy vẫn đeo bám tôi như đỉa. Cuối cùng, nhờ một luật sư mách nước, tôi ghi âm, ghi hình và lập chứng cứ nơi cư trú của cô ấy nộp cho tòa. Tòa đã quyết định cho tôi ly hôn, dù ngày tòa tuyên phán quyết, cô ấy vẫn cố tình trốn tránh. Sau ba năm mòn mỏi tôi mới thoát được cuộc hôn nhân oái oăm đó”.

Không may mắn như anh N., 12 năm qua, anh K.V.H., ở Q.5, vẫn phải “đeo” tấm giấy ghi chú kết hôn với người vợ mang quốc tịch Mỹ, dù chẳng còn biết chị ta đang ở đâu. Tìm đến Báo Phụ Nữ cầu cứu, anh H. kể: “Năm 2001, vì muốn “đổi đời”, tôi vay mượn để làm thủ tục kết hôn giả với một kiều bào. Nào ngờ, làm thủ tục kết hôn xong, cô ấy về Mỹ rồi mất tăm luôn. Khi ra tòa hỏi thủ tục ly hôn, tòa bảo tôi phải tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp, dịch thuật đơn từ…”. Không có tiền, nên anh H. đành bấm bụng chờ đợi người vợ ấy “từ tâm” quay về suốt 12 năm qua! Anh nói: “Người tôi yêu chờ đợi tôi đã quá lâu mà tôi vẫn không ly hôn được. Giờ tôi không biết phải làm sao”.

Mỗi năm, TP.HCM tồn đọng trên 1.000 vụ án hôn nhân. Trong đó, án hôn nhân có yếu tố nước ngoài có tỷ lệ giải quyết luôn thấp hơn án trong nước (năm 2011, chỉ có 736 vụ được giải quyết trên tổng số 1.121 vụ; năm 2012 là 496/928 vụ).

Theo ông Bùi Văn Trí - Phó chánh Tòa dân sự TAND TP.HCM: “Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý đến ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với vụ án phức tạp, thời hạn chuẩn bị xét xử được kéo dài thêm hai tháng. Đối với vụ án ly hôn có một bên đương sự ở nước ngoài thì tòa án phải ủy thác tư pháp cho Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài hoặc tòa án có thẩm quyền của nước ngoài để thông báo việc thụ lý vụ án và ngày giờ xét xử cho đương sự ở nước ngoài biết. Sau khi có kết quả ủy thác tư pháp, tòa án mới quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn ủy thác cho đương sự ở nước ngoài tối thiểu là sáu tháng, tối đa 18 tháng; đối với vụ án phức tạp thời hạn trên có thể kéo dài hơn”. Tuy nhiên, vì rất nhiều nguyên do, không ít án dân sự về ly hôn kéo dài năm, sáu năm trời. Có trường hợp, con chung của hai đương sự khi nộp đơn ra tòa vẫn còn là một đứa trẻ, cần được cấp dưỡng, nhưng khi tòa đưa ra xét xử, đứa bé đã trưởng thành!

 Nghi Anh

Kỳ tới: “Ly mà không thoát” 

Các thủ tục để xin ly hôn có yếu tố nước ngoài

- Đơn xin ly hôn (theo mẫu). Nếu hai người thuận tình ly hôn thì đơn ly hôn phải do cả hai cùng ký và cùng nộp đơn. Trường hợp đơn ly hôn do vợ, chồng cùng ký (thuận tình ly hôn) nhưng một bên vắng mặt khi nộp đơn thì phải có xác nhận chữ ký của bên vắng mặt của chính quyền địa phương hoặc sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.

- Bản sao giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu (có sao y bản chính).

- Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có). Trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.

- Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con).

- Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

- Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã xóa tên trong hộ khẩu.

- Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.

Thời hạn xét xử: Từ ba đến sáu tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

(Theo quy định được niêm yết tại Tòa án nhân dân TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI