Gửi yêu thương về Sài Gòn

22/07/2021 - 05:59

PNO - Thấy người nào đi xe máy, chở rau củ, gạo muối sau lưng, mọi người đều hỏi như một lời chào: “Gửi cho Sài Gòn hả ?”.

Mới sáng sớm, tiếng loa phát thanh của thôn đã vang lên: “Ban mặt trận thôn xin thông báo, tổng hợp số tiền và hiện vật ủng hộ các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19 trong tuần qua như sau…”.

Trong danh sách dài dằng dặc, mỗi gia đình đều được đọc tên với số tiền và vật phẩm hỗ trợ.

Nhà nào nhiều thì mấy trăm nghìn, chục ký gạo, nhà nào ít thì vài chục nghìn đồng, có nhà ba quả bí đỏ, một nải chuối, nhà thì góp sả thịt làm muối, chục trứng gà, mớ rau khoai, cá khô...

Những ngày này đi chợ, lại nghe bà con chộn rộn hỏi nhau xem đã đóng góp gì chưa. Có chị bảo chỉ ủng hộ được hai quả bí đao với năm mụt măng, nhưng nghỉ làm hai ngày để đi rang muối sả gửi tiếp tế cho "trong đó". Bà cụ bán trứng gà kể: “Mệ không có tiền, mệ ủng hộ ba chục trứng gà”.

Bà con làng Linh Chiểu, Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị gói bánh để tiếp tế
Bà con làng Linh Chiểu, Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị gói bánh để gửi miền Nam chống dịch.

Gần hai tuần nay, những con đường nhỏ ở quê tôi trở nên nhộn nhịp. Lệnh giãn cách ở thành phố cách xa hơn 1.000 km khiến ngôi làng nhỏ xôn xao. Mọi người tất bật thu gom rau củ, thực phẩm đóng thùng để gửi vào TPHCM.

Thấy ai đi xe máy, chở rau củ, gạo muối sau lưng, mọi người đều hỏi như một lời chào: “Gửi cho Sài Gòn hả?”. Tất cả hàng hóa ủng hộ được tập hợp ở sân hợp tác xã, ở đó có người phân loại đóng gói cẩn thận để chờ xe về chở đi.   

Người làng tôi phần lớn chưa đi Sài Gòn - TPHCM bao giờ, họ chỉ nghe qua tivi, báo chí, qua câu chuyện kể của những đứa con đứa cháu làm ăn trong đó. Nhưng đối với họ, hai tiếng “Sài Gòn” trở nên thân thương một cách kì lạ.

Đó luôn là một nơi tử tế, bao dung và mang lại nhiều hy vọng. Nhà nào có người bị bệnh nặng cũng chờ mong vào Sài Gòn để chữa cho lành. Để động viên con cái học hành, ba mẹ nào cũng hứa “học cho giỏi, mai mốt cho vô Sài Gòn học đại học”.

Người nào khó khăn ở quê cũng tìm cách vào Sài Gòn làm ăn để đổi đời. Họ còn biết đến người Sài Gòn qua những gói quà cứu trợ được tiếp ứng kịp thời mỗi khi mùa bão lụt tràn về. Mới tháng 10 năm ngoái thôi, những chuyến hàng cứu trợ liên tục từ Sài Gòn và những nơi khác đã dìu họ qua những ngày khó khăn sau đợt bão lụt lịch sử.

Các cô giáo trường TH Nguyễn Tất Thành, Đông Hà, Quảng trị làm muối sả gửi tặng vùng dịch.
Các cô giáo trường Nguyễn Tất Thành, Đông Hà, Quảng Trị làm muối sả gửi tặng vùng dịch.

Ở làng tôi, hầu hết nhà nào cũng có người thân đi làm, đi học rồi lập nghiệp ở Sài Gòn. Nghe tin thành phố thực phẩm khan hiếm khó mua, ngoài những cuộc điện thoại hỏi thăm, mọi người lập tức mua đồ tiếp ứng. Có những nhà không có ai thân thích ở đó, thế nhưng cũng tất bật đi hái rau, mua thịt, cá để gửi vào vùng dịch.

Đơn giản chỉ xuất phát từ suy nghĩ, khi quê mình bị lũ lụt, mọi người cứu trợ khắp nơi cứu trợ, giờ phải làm gì đó để giúp đỡ. Giống như khi bị lụt, nhận được thùng mì tôm và mấy cân gạo cứu trợ thấy quý lắm thì người vùng dịch nhận được rau củ, thực phẩm tiếp tế từ nơi khác chắc cũng thấy ấm lòng.

Quê nghèo không có tiền nhiều để ủng hộ, chỉ có nông sản gieo trồng trên mảnh đất đầy bão lũ thiên tai. Dẫu biết rằng, những thứ ấy quá nhỏ bé trước Sài Gòn rộng lớn.

Nhưng như ai đó đã từng nói “hạt muối bỏ bể vẫn mang vị mặn”, những chuyến hàng tiếp tế từ miền Trung không mang nhiều giá trị vật chất mà chan chứa yêu thương. Người gửi gói ghém tình thương với hy vọng có thể tiếp thêm động lực tinh thần để Sài Gòn mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hà An (Quảng Trị)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI