Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Chặng cuối còn bao xa mà tính toán?

07/10/2020 - 09:30

PNO - Theo dõi những chia sẻ của chị Huỳnh Thị Sang trong chương trình "Đối mặt cảm xúc" (phát sóng ngày 11/9 trên kênh HTV7) về những xung đột với mẹ chị, tôi rất đồng cảm.

Tôi cũng giống chị, luôn bất hòa với má từ lúc tôi còn nhỏ. Trong mắt má, tôi là đứa con hậu đậu, hoang phí, không nghe lời… Mỗi lần tôi làm sai, má đều cay đắng kết luận rằng “y hệt cha bây”. Cha tôi và má hục hặc nhau cho tới ngày cha nằm xuống. Và tôi là người phải gánh luôn phần của cha về những lời oán thán, trách giận của má.

Cho đến khi tôi sinh cu Bo, thằng nhỏ luôn nghịch ngợm, chống đối lại tôi. Tôi bắt con ngủ đúng giờ thì con đòi thức chơi. Tôi cấm con tắm mưa trong khi má tôi cho phép thằng nhỏ tắm thả cửa. Chiếc xe điều khiển người thân ở nước ngoài gửi về tặng, vào tay Bo một phút ba mươi giây đã thành đống phế thải vì “con muốn xem có cái gì ở trỏng”… Trong khi tôi nổi điên thì má rất hãnh diện “thằng nhỏ khôn động trời”. Cu Bo được sự dung túng của bà ngoại, lập tức về cùng phe và xem tôi như đối thủ.

Tôi mệt mỏi với má, giờ càng mệt hơn vì má luôn can thiệp vào cách tôi dạy dỗ cu Bo. Nhiều lúc tôi quẫn trí, bức bách đến độ muốn bỏ đi thật xa để mặc hai bà cháu tự tung tự tác với nhau. Cho đến một ngày, bị mẹ phạt, cu Bo gào lên: “Mẹ độc ác, mẹ không thương con”. Tôi sững sờ chết lặng. Lẽ nào bi kịch xung khắc giữa tôi và má lặp lại lần nữa với tôi và con trai tôi? Lẽ nào quan hệ giữa mẹ và con luôn là sự bất hòa giữa một bên là một người lớn không hiểu chuyện, và bên kia là đứa con không thể dạy bảo?...

Cu Bo khiến tôi hiểu má nhiều hơn.

Tôi tham dự nhiều khóa thiền và hiểu người cần sửa đổi, cần soi chiếu chính là bản thân mình. Mình không có quyền buộc người khác phải thay đổi. Yêu thương một người là phải để người đó được sống theo ý người ta thích, chứ không phải sống theo ý mình. Tôi học cách hiểu má và con trai, học cách dung hòa với những ý muốn “khác thường” của hai bà cháu.

Má có caa1c. Ảnh minh họa.
Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Ảnh minh họa.

Lần má mời một phụ nữ cơ nhỡ vào nhà ăn cơm và cho ngủ lại vì trời đã tối, tôi biết không thể cản má nên thuyết phục má để bà ấy ngủ trước hiên nhà với đủ chiếu chăn ấm áp. Chồng tôi có nhiệm vụ ngủ ngay cạnh cửa để canh chừng. Sáng, sau khi tiễn bà ấy đi với ít tiền, tôi bóng gió rằng em chồng tôi là công an, nếu bà ấy khó khăn gì, tôi sẽ nhờ nó giúp. Theo dõi suốt mấy ngày thấy mọi chuyện yên ắng, tôi biết câu răn đe đã có tác dụng. 

Với má, “ti vi toàn nói chuyện hay ho, con nít xem nhiều chỉ có thông minh”. Tôi không cãi má nhưng giới hạn thời gian để Bo còn học bài. “Má có muốn cu Bo học dốt không?”. Nếu cháu mình học dở, dĩ nhiên má không chịu. Tôi thường nhờ chị họ, là cháu ruột của má, thuyết phục má những chuyện mà tôi biết đích thân tôi khuyên má sẽ không nghe. Chị giỏi giang, hiểu chuyện, được má rất nể. Căn bệnh “người nhà nói không nghe, người ngoài nói nghe răm rắp”, được tôi tương kế tựu kế rất hiệu quả.

Suy cho cùng, mẹ con chị Sang chỉ vì thương nhau, muốn làm điều tốt đẹp cho nhau mà vô tình làm khổ nhau. Chị Sang hãy đặt mình vào tâm thế của mẹ chị, hình dung chính chị vài chục năm sau… chị sẽ cảm thông với mẹ. Truyền thống của người Việt là ông bà cha mẹ con cái quây quần bên nhau dưới một mái nhà. Nếu cha mẹ có nguyện vọng ở riêng, nên chiều họ.

Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Ở riêng một thời gian, cha mẹ ngấm đủ nỗi cô đơn tuổi già, sẽ học cách sống gần con cháu. Con cháu nhìn cảnh cha mẹ già lủi thủi, cũng sẽ mềm lòng, đủ sức bao dung những trái khoáy của tuổi già ẩm ương. Cuộc đoàn tụ sau đó sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Người cùng một nhà, cùng ruột rà máu thịt với nhau, tôi tin mọi người sẽ tìm ra cách giải quyết những xung đột một cách ít tổn thương nhất. Cho dù văn minh hay hiện đại cách mấy cũng phải ưu tiên để cha mẹ được sống vui, bởi cha mẹ đã cực khổ nhiều rồi. Chặng cuối còn bao xa nữa mà phải tính toán chi cho nhiều, phải không? 

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI