Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Đừng lý lẽ với cha mẹ

05/10/2020 - 08:40

PNO - Nói “văn minh = bất hiếu” thì hơi quá; thế nhưng cách đối thoại nặng về lý hơn tình của những đứa con thiếu kiên nhẫn với mẹ cha, tôi tin chắc mười phần hết chín sẽ dẫn tới nguy cơ “hư chuyện”.

Trong gia đình tôi là con út; có thời gian lâu sống chung với mẹ trước khi mẹ lìa đời. Hành trình “cộng sinh” đương nhiên cũng lắm chuyện vui buồn, thậm chí có cả những pha dở khóc dở cười diễn ra do xung đột về cách nghĩ cách nhìn, thậm chí đôi khi chỉ là sự khác nhau về thói quen sinh hoạt. 

Mẹ tôi thuộc típ người khó tính, thích sống tĩnh lặng khép kín, không ưa các mối quan hệ giao tiếp ngoài phạm vi gia đình; đặc biệt nếu nó gây ồn ào hoặc dính tới… ăn nhậu (cụ rất ghét rượu!). Tôi thì ngược lại. Không phải ham hố chuyện ăn chơi do bản chất, mà là do… tuổi trẻ ham vui và cả nể bạn bè.

Thời bao cấp thu nhập thấp, tiền đâu dắt đi quán xá, bèn về nhà “gầy độ”. Rượu vào lời ra, đã chuyện trò to tiếng lại còn thêm đàn ca khiến mẹ mất ngủ. Chắc bực tức cộng dồn, nhiều hôm bà ra bàn nhậu… đuổi thẳng khách. Xấu hổ vì mất thể diện trước mặt bạn bè, nhiều phen tôi cự lại mẹ. Tôi cho rằng mẹ khó tính, độc đoán, không biết thương con. Giận lắm, nhưng lúc “hạ hỏa” thì lại nghĩ: ôi, người già sinh tật, nhưng dù gì cũng là mẹ mình, đành cố chịu thôi... Nghĩ vậy tự nhiên bật cười, hết giận.

Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ sống xa mẹ. Ảnh minh họa
Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ sống xa mẹ. Ảnh minh họa

Chưa bao giờ tôi nghĩ tới chuyện ra riêng - bởi trong tâm khảm từ bé đến lớn đã luôn mặc định một điều: nghĩa vụ làm con là phải sống cận kề phụng dưỡng, chăm sóc mẹ cha đến cuối đời. Không riêng tôi, có vẻ như mẹ cũng ngầm hiểu “bé cậy cha già cậy con” là lẽ đương nhiên; có xung đột, bất đồng gì rồi cũng phải dàn xếp cho ổn để tiếp tục cuộc sống chung. Cái tâm lý mặc định mang tính truyền thống thuộc nhiều thế hệ ấy có cái lợi là không đẩy người ta tới cách giải quyết cực đoan, mà luôn cố gắng nỗ lực xử trí theo hướng hóa giải những bất đồng…

Giờ tới chuyện (đối thoại hoặc không đối thoại) để hóa giải bất đồng, theo tôi, để biến chuyện to thành bé chuyện bé thành không - không phải là lý lẽ, mà chính là tình yêu thương. Cái tình máu mủ ruột rà giữa cha mẹ và con cái - nếu biết vận dụng đúng cách - sẽ bắc chiếc cầu để những thành viên không cùng thế hệ trong gia đình dễ thông cảm, khoan dung, hiểu biết nhau hơn. Từ đó, có cơ may tìm được tiếng nói chung (hay chí ít cũng là một thỏa thuận chung) đối với những vấn đề gây bất đồng. 

Ngày nay, trong một xã hội trên đà phát triển với nhịp sống ngày càng tất bật, quay cuồng, có vẻ như những đứa con cũng không đủ nhẫn nại, mềm mỏng để “đả thông” cho những bậc mẹ cha ở tuổi đã ít nhiều lạc hậu, lẩm cẩm, và còn… cố chấp.

Nói “văn minh = bất hiếu” thì hơi quá; thế nhưng cách đối thoại nặng về lý hơn tình của những đứa con thiếu kiên nhẫn với mẹ cha, tôi tin chắc mười phần hết chín sẽ dẫn tới nguy cơ “hư chuyện”. Lý không sai; nhưng xét về tình thì con sai, bởi gây cho cha mẹ cảm giác mình bị phán xét, bị chỉ đạo; thậm chí bị… khiển trách, coi thường.

“Hiệu ứng tủi thân” (hoặc tệ hơn, chống đối) là chuyện đương nhiên. Và như vậy thì cuộc “cộng sinh” xem như đã hỏng. Muốn thử cứu vãn nó, theo tôi, chỉ còn cách hành xử như MC Quyền Linh: “xuống thang” xin lỗi để cha mẹ nguôi ngoai trước khi khéo léo dùng các giải pháp “mềm” để thuyết phục hoặc truyền đạt điều ta muốn nói. Hành xử với cha mẹ, không thể lúc nào cũng đem cái lý đúng - sai ra để nói chuyện. Lý đúng, nhưng khi ta cứ cố chứng minh rằng nó đúng mà không thèm lưu tâm tới cảm xúc của cha mẹ, tức là ta đã sai bét ra rồi… 

Y Nguyên
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lieutien 05-10-2020 18:32:17

    Suy nghĩ về chữ HIẾU , trong đạo làm người.
    Ông bà thường nói:”con không cha như nhà không nóc. Con mồ côi mẹ liếm lá đầu đường “. Để nói lên điều hạnh phúc nhất của con người là có cha, có mẹ. Ta phải biết trân quý , kính trọng. Cũng như tạo hoá sinh ra con người có 2 chân, mất một thì sao?. 2 mắt mất một thì không hoàn hảo vv và ...vv.
    Có người tưởng rằng HIẾU là làm ra tiền, bất chấp mọi thủ đoạn, lo cho cha mẹ ăn sung , mặc sướng là có HIẾU. Đó cũng là sai lầm.Cha mẹ không ai muốn con mình bất nhân, bất nghĩa để lo cho mình đâu.
    Tấm lòng cha, mẹ là bao là như biển, như núi cao vòi vọi. Cha mẹ nuôi con không biết và không bao giờ tính toán. Ngược lại, con nuôi cha mẹ thì khác!.
    Lại có người tưởng rằng cha mẹ nói thì ta phải nghe, nhắm mắt làm theo những gì cha mẹ bảo đó là HIẾU.Nhưng có những người làm cha mẹ do mê tín, dị đoan ,do cá nhân thỏa mãn cái riêng làm những điều phi đạo lý. Con nghe làm theo cũng không phải là HIẾU. Vì bất nhân, bất nghĩa, chữ Hiếu không phải là đúng đâu.
    Bởi vậy Hiếu đạo nó còn tuỳ thuộc vào cái Nhân, cái Nghĩa nữa.
    Về tâm lý và tình cảm. Cha mẹ không bao giờ muốn con mình thua người khác. . Hiếu đạo là đừng bao giờ tạo ra những uẩn khúc làm cho cha mẹ phải suy nghĩ và khuyến răn nhiều về mình ( vì đời sống về tinh thần của người lớn tuổi là quan trọng lắm).Có những điều mình thích, mình muốn. Nhưng cha mẹ thấy những điều đó ảnh hưởng đến cộng đồng, đến gia đình mình, thậm chí ảnh hưởng đến mình, nên khuyên răn đừng làm. Ta bất chấp làm theo ý mình, đó chính là đại bất Hiếu . Tục ngữ có câu “cá không.......con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Những người dám nói thẳng với mình chỉ có cha mẹ mình mà thôi. Lời nói có khi là khó nghe, là muối xát. Nhưng đó là lòng thương vô bờ bến. Đến một lúc nào , theo qui luật của trời, đất sẽ không bao giờ mình tìm lại được những lời nói đó nữa đâu
    . Phật tại tâm. Cha , mẹ là tượng trưng cho Trời,Phật. Kính trọng, vâng lời cha, mẹ tức là ta kính Trời, Phật đó mà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI