"Cợt nhả" duyên dáng và văn minh thì ai trách!

13/05/2025 - 17:30

PNO - Cợt nhả như thế đúng là vui, nhưng chỉ người nói thấy vui chứ nạn nhân và những người còn lại không cười nổi. Nếu vì sợ giao tiếp nhạt mà bỏ muối cho mặn chát thì người nghe... “tăng huyết áp”.

Ngoài hành lang trước buổi họp công ty, một nữ nhân viên Gen Z (Gen Z là thế hệ những người sinh từ 1997 đến 2012) nói to: “Ui, chị H. dễ thương vậy mà lại có anh bồ hói đưa đón".

Câu nói bất thình lình chia “khán thính giả” ra thành 2 trường phái hẳn hoi: phái cười ha hả, phái nhăn mặt. Tất nhiên chị H. "khổ chủ" thì sượng sùng.

Một em trai Gen Y (thế hệ những người sinh từ năm 1981 đến 1996) vội chữa cháy: “Chỉ tại bồ chị H. là siêu mẫu, ảnh cao quá nên tóc mọc không tới đỉnh thôi!”. Không khí vui vẻ trở lại, mọi người lục tục bước vào cuộc họp.

Được cứu một bàn thua trông thấy, em gái Gen Z cảm ơn nam đồng nghiệp và phân trần: “Do... trơn miệng nên em lỡ nói câu vô tri, chứ thật tình em đâu cố ý dìm hàng chị H.”...

Chuyện Gen Z "siêu lầy", "siêu nhảm" ở các gia đình và cả môi trường công sở bây giờ không hiếm. Nhiều lần thấy đồng nghiệp trẻ ăn nói không suy nghĩ, phát biểu "đâm ngang" trong cuộc họp nghiêm túc, các đồng nghiệp lớn tuổi đã phải gắt: “Sáng giờ có ai khen em… vô duyên chưa?”.

Gen Z ngày nay tự hào về khả năng "châm biếm hóa", "cợt nhả hóa" mọi vấn đề, họ cho phép mình xuất xưởng khá nhiều sản phẩm lầy lội, khó nghe với các thế hệ khác. Một lời nhắc nhẹ, đúng lúc đúng chỗ, giúp xóa tan không khí nặng nề, ngại ngùng như trường hợp trên có thể giúp bạn trẻ rút kinh nghiệm, để nói dễ nghe hơn, đùa duyên hơn.

Tôi không đồng tình với câu chốt của bài viết Cợt nhả tí thôi, làm gì căng! rằng: “Hãy nhìn những gì Gen Z làm, đừng nghe những gì Gen Z nói!”. Gen Z nói chuyện nghe cũng “cưng” lắm chứ. Đôi khi các em muốn nổi bật và góp cho không khí rộn rã hơn, sống động hơn nhưng cái não “nhảy số” chưa kịp. Đừng vội “ném đá” mà hãy kiên nhẫn, bao dung và “ném mình” vào thực tế cuộc sống ngày nay để hiểu giới trẻ hơn.

Mỗi thế hệ mang trong mình những đặc trưng riêng biệt, định hình nên bức tranh đa sắc màu của xã hội. Nếu không vội nhìn nhận “cợt nhả” ở khía cạnh tiêu cực, ta thử đặt mình là Gen Z, hình dung mình lớn lên trong bối cảnh xã hội bây giờ, chắc chắn sẽ mở lòng hơn, ít nhất là bớt... dị ứng.

Tuy vậy, có những ranh giới mà Gen Z cần để ý, nhằm mang lại những giá trị tích cực, sao cho lời đùa duyên hơn, phong cách hơn và nhất là gắn kết nhau hơn.

Cợt nhả là xấu khi thể hiện sự thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm người khác: công kích cá nhân, chế giễu ngoại hình, hoàn cảnh, hoặc những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, sắc tộc... gây tổn thương người nghe. Ví dụ, việc bình luận ác ý về cân nặng của một người, dù được ngụy biện là "đùa thôi", vẫn là hành vi thiếu văn hóa.

Cợt nhả như thế đúng là vui, nhưng chỉ người nói thấy vui thôi, chứ nạn nhân và những người còn lại không ai cười nổi. Sợ nói nhạt mà bỏ muối nhiều, người nghe sẽ... “tăng huyết áp”.

Cợt nhả chẳng những "nhuộm xám" chủ nhân của những lời cợt nhả, mà còn "nhuộm đen" luôn các mối quan hệ, có thể gây hiểu lầm và mâu thuẫn khôn lường. Vô tình ghép đôi ai đó trong lời nói, trong bình luận trên mạng xã hội biết đâu làm bùng cơn ghen, gây “cháy nhà”.

Cợt nhả thể hiện sự nông cạn, hời hợt, thiếu trách nhiệm, nhất là trước vấn đề hệ trọng; có thể làm bạn tự tách mình ra khỏi nơi bạn đang thuộc về, đó là gia đình, nơi làm việc, nơi học hành, rộng hơn là cộng đồng, là đất nước...

Nói đùa cho vui mà sao đi làm ở đâu cũng bị ghét - Ảnh: Thế hệ cợt nhả đi làm
"Chỉ nói đùa cho vui mà sao đi làm ở đâu cũng bị ghét" - Nguồn ảnh: Page Facebook Thế hệ cợt nhả đi làm

Cợt nhả gây cười và không phản cảm khi lời nói nói, cử chỉ ấy tạo không khí vui vẻ, giảm căng thẳng, giúp mọi người thoải mái, ấm áp, xích gần nhau hơn; thể hiện sự thông minh, sáng tạo, nhân văn; dám phản ánh và phê phán người khác một cách nhẹ nhàng, khiến họ tâm phục khẩu phục.

Ngày nay, các video “nhạy như điện chạy” có thể bật chế độ ghi hình bất cứ nơi đâu, mỗi lời nói không đúng lúc đúng chỗ có thể bùng lên sự cố truyền thông. Trước khi chờ sự “dễ tính” của người nghe, Gen Z cần tự chỉnh mình. Thử đặt mình vào vị trí người khác rồi xuất xưởng những câu từ "xanh - sạch - đẹp" là cách đơn giản, dễ thực hiện nhất!

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI