Cợt nhả tí thôi, làm gì căng!

09/05/2025 - 11:26

PNO - Mạng xã hội với những trào lưu chóng vánh, những clip viral triệu view có phần “vô tri” của Gen Z đã vô tình tạo nên cái nhìn méo mó về "thế hệ cợt nhả". Thực tế thì sao?

Theo từ điển của giáo sư Hoàng Phê, cợt nhả có Theo Từ điển tiếng Việt (Từ điển Hoàng Phê) thì cợt nhả được giải nghĩa là đùa trêu quá sỗ sàng, không đứng đắn. Người có thái độ cợt nhả là chỉ những người hay đùa cợt, thường thể hiện sự vui vẻ, bông đùa trước những tình huống khác nhau, đôi khi có phần trào phúng hoặc châm biếm nhẹ nhàng.
Theo từ điển của giáo sư Hoàng Phê, "cợt nhả" được giải nghĩa là "đùa trêu quá sỗ sàng, không đứng đắn"

Nhiều người cho rằng thế hệ Gen Z là một thế hệ sống ích kỉ, hời hợt; rằng sự bông đùa, những câu nói “vô tri’’ mà giới trẻ hay thốt ra là minh chứng cho một lối sống nông cạn như chính các cháu tự nhận mình là "thế hệ cợt nhả". Thế nhưng, là mẹ của một sinh viên đại học và 2 con đang học cấp II - cấp III, tôi nghĩ khác.

Tùy theo ngữ cảnh mà "cợt nhả" có thể được hiểu theo nghĩa tiêu cực hay tích cực. "Cợt nhả" theo nghĩa gốc ban đầu của từ điển tiếng Việt rõ ràng mang tính tiêu cực, đó là thái độ thiếu nghiêm túc, đùa quá trớn, có thể khiến đối tượng giao tiếp cảm thấy thiếu tôn trọng, đúng như trong bài viết Gen Z tự bạch gì về "thế hệ cợt nhả”? mà tác giả Cát Quân đã chỉ ra.

Tuy nhiên tôi thấy, nếu được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, "cợt nhả" ở mức bông đùa vui vẻ có thể giúp giảm căng thẳng, tạo sự thoải mái trong giao tiếp. Câu nói "thế hệ cợt nhả" được nhắc đi nhắc lại trên mạng xã hội thường theo nghĩa này, tức không hề theo nghĩa "sỗ sàng" ban đầu.

Những trend "chốt đơn" hay "chồng ơi", "rụng trứng" vừa rồi ồn ào mạng xã hội, theo tôi chỉ là cách các bạn trẻ " đu trend", hùa theo đám đông vui vẻ, chứ thực tế đâu dễ... động vào các cháu! Gen Z được nuôi dưỡng trong môi trường đề cao sự độc lập, ý thức cá nhân rất cao, không hề yêu đương và kết hôn dễ dãi như lời đồn. Theo tôi, có chăng chỉ 1 bộ phận nhỏ giới trẻ "quá khích" trong lời nói và hành xử, nhưng thời nào mà không có trẻ hư - trẻ ngoan? Thời thanh niên của chúng ta cũng không thiếu những nhóm bạn quậy phá, dùng tới những cách gây chú ý tiêu cực, khiến thầy cô bạn bè... hoảng hồn đấy thôi!

Một cách cợt nhả dễ thương của Gen Z, không hề sỗ sàng như nghĩa ban đầu
Một kiểu "cợt nhả" được cho là của Gen Z, không hề "sỗ sàng" như nghĩa gốc trong từ điển

Cách cợt nhả được cho là của Gen Z trong môi truòng học tập
Một cách "cợt nhả" được cho là của Gen Z trong môi trường học tập

Trong nhà mình, tôi không xa lạ gì với hình ảnh các con “dán mắt” vào điện thoại, lạc trong thế giới ảo. Những cuộc trò chuyện giữa chúng với bạn bè khiến tôi phải ngã ngửa vì... độ lầy lội, nhảm nhí.

Có lần, cậu con trai út buồn vì bài kiểm tra bị điểm thấp, anh Hai liền an ủi: “Có sao đâu em, điểm chỉ là con số, quan trọng là thần thái”. Tôi mắng sao dạy em kì vậy, thì con bồi tiếp: “Thuốc đắng dã tật, nhạc giật lên luôn”.

Rồi con bé giữa kể chuyện một người bạn thân bị bóc phốt trên mạng xã hội, ngay lập tức, đứa út phán: “Gần mực thì đen, gần đèn phải... nhậu”.

Vài lần lọt vào những buổi tụ tập của nhóm bạn con trai lớn, tôi đã “sốc văn hóa”. Những câu chuyện phiếm vô thưởng vô phạt, chúng sử dụng “trend” mà tôi chẳng hiểu nổi, thậm chí nghe thôi đã chói tai. Như khi cả đám xem một clip đang hot trên mạng xã hội của một cô gái, cả đám nhao nhao chê: “Ôi dồi ôi, visual này quá ô dề nha!”.

Hay gần đây, khi tôi cự nự chồng về việc anh đi nhậu về trễ thì con gái tôi bình luận: “Me vừa có một pha xử lý quá cồng kểnh và đi vào lòng đất”. Tôi la con thì con chỉ cười: “Con chẳng những đẹp, mà còn có duyên”.

Thế nhưng, ẩn sau vẻ ngoài có vẻ “cợt nhả” ấy, tôi lại thấy những hành động ấm áp và đầy trách nhiệm. Chính cậu con trai lớn hay có câu cửa miệng “ở hiền gặp phiền”, đã từng dừng lại để dẫn một bà cụ bán vé số qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc.

Và cũng chính đám bạn “visual ô dề” kia, đã nhiệt tình làm tình nguyện viên trong đại lễ Phật đản Vesak, hướng dẫn và hỗ trợ mọi người xếp hàng chiêm bái xá lợi. Và những chàng trai “tưng tửng” đó đã quyên góp sách vở, gom quần áo cũ cho trẻ em vùng cao, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường....

Còn con gái tôi, mỗi tháng một lần, rủ vài bạn thân theo mẹ đến một ngôi chùa ở Bình Chánh (TPHCM) để chơi đùa, kể chuyện và cắt móng tay cho trẻ mồ côi.

D9a82ng sau vẻ ngoài cợt nhả của thế Gen Z là những trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm với cộng đồng. Ảnh Shutterstock
Đằng sau vẻ ngoài "cợt nhả" của thế Gen Z là những trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm với cộng đồng (ảnh minh họa: Shutterstock)

Tôi nghĩ, sự “cợt nhả” đôi khi chỉ là một cách để các con giảm bớt áp lực, tạo không khí vui vẻ trong những cuộc trò chuyện với bạn bè. Còn khi xã hội cần, những mảnh đời bất hạnh cần sự giúp đỡ, các con sẵn sàng sẻ chia và thể hiện một diện mạo hoàn toàn khác: một trái tim đầy yêu thương và trách nhiệm.

Tôi luôn tin, đằng sau những câu nói “vô tri” kia là những tâm hồn đẹp, sẵn sàng đóng góp cho xã hội. Hãy nhìn những gì Gen Z làm, đừng nghe những gì Gen Z nói!

Thùy Dung (Bình Tân, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI