Con trai thường... cẩu thả?

20/09/2015 - 08:05

PNO - Muốn tập cho trẻ bất kỳ thói quen, kỹ năng nào, cha mẹ cũng rất cần kiên nhẫn vừa nhắc nhở, vừa thực hành trong một thời gian dài.

Trong học tập, con tôi rất hay gạch, xóa, viết ẩu, viết sai không thèm xem lại. Năm rồi, cháu học lớp Một, tôi đã phải cho đi luyện viết chữ đẹp bốn tháng. Cháu có thay đổi nhưng nghỉ hè, trở lại năm học mới thì đâu lại vào đấy.

Cháu thông minh, tính toán rành rọt kể cả những bài khó nhưng hay cẩu thả dẫn đến sai sót rất “oan uổng”. Nếu học ở nhà có bố ngồi bên giám sát, thì cháu cho ra đáp án chính xác và rất nhanh, nhưng ở lớp, cháu thường làm sai, gạch xóa, kết quả sai.

Tôi cũng đã chỉ bày, nhắc nhở cháu việc bảo quản sách vở, đồ dùng học tập gọn gàng, sạch đẹp nhưng hiệu quả không cao. Với con gái lớn, tôi chẳng mấy khó khăn để dạy cháu tính cẩn thận, tỉ mỉ, ý thức tự bảo vệ tài sản cá nhân... còn với cậu trai này sao khó quá!

Chẳng lẽ con trai thường cẩu thả thế? Tôi thực sự lo ngại. Tôi phải làm gì để giáo dục, uốn nắn cháu?

Thuận Thái (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Con trai thuong... cau tha?
Ảnh: Shutterstock

Anh Thuận Thái thân mến,

Rèn tính cẩn thận cho con trai là vấn đề của nhiều gia đình, có người còn nói vui “con trai đứa nào chả thế”. Nhưng quả thật, có con trai cẩu thả mới thấu hiểu sự “bực bội, ngứa mắt, mất kiên nhẫn” của cha mẹ.

Anh là người cha coi trọng sự ngăn nắp, nề nếp và biết rõ hậu quả nếu cháu cẩu thả sẽ khó học tốt, khó làm việc tốt sau này. Xin gợi ý cùng anh và các bậc cha mẹ vài cách uốn nắn rèn thói quen cẩn thận cho con như sau:

Cha mẹ cần hiểu con vẫn đang là một đứa trẻ, đừng đòi hỏi cháu quá nhiều theo tiêu chuẩn của người lớn. Trẻ con có quyền sai, có quyền làm mọi việc nếu điều đó vô hại. Trẻ được tự do trải nghiệm sự thất bại, sai lầm và sẽ trưởng thành mạnh mẽ, tự tin, sáng tạo hơn.

Muốn tập cho trẻ bất kỳ thói quen, kỹ năng nào, cha mẹ cũng rất cần kiên nhẫn vừa nhắc nhở, vừa thực hành trong một thời gian dài. Xác định được tâm thế này, cha mẹ sẽ bớt nổi nóng, la mắng con, tránh việc làm trẻ sợ hãi, bị ám ảnh hành vi sai và vô tình mắc lại lỗi đó nhiều hơn.

Cần thường xuyên phân tích cho cháu hiểu lợi ích của tính ngăn nắp, cẩn thận. Mỗi khi cháu mắc lỗi cẩu thả, thay vì la mắng bắt con phải làm như thế này thế kia, cha mẹ giải thích cho cháu hiểu nếu cẩn thận thì con sẽ có lợi gì trong tình huống đó.

“Mưa dầm thấm sâu”, cháu sẽ dần hiểu những điều lợi nếu mình cẩn thận khi viết bài, làm toán, sắp xếp đồ đạc, giữ gìn tài sản cá nhân... Cháu sẽ có hứng thú tự giác cẩn thận hơn để được lợi.

Người lớn nên thường xuyên khen trẻ mỗi khi con làm việc tốt, đặc biệt khi trẻ có tiến bộ. Lời khen có giá trị rất lớn khiến trẻ thêm tự tin và muốn làm tốt hơn nữa để được khen tiếp. Nếu có thể, thỉnh thoảng cha mẹ có những phần thưởng nho nhỏ cho cháu để động viên khích lệ.

Cha mẹ nên cùng con thảo luận những quy định về thưởng và phạt liên quan đến việc rèn luyện tính cẩn thận. Nếu trẻ phạm lỗi, cha mẹ cần thực hiện nghiêm những quy định đã được cháu đồng thuận trước đó. Hình phạt nên là sự giới hạn những quyền lợi của cháu chứ không nên đánh hay la mắng.

Ví dụ nếu để tập bẩn, rách, nhăn góc... con sẽ mất cơ hội mua đồ chơi mình thích. Cha mẹ cũng cần giúp trẻ bằng cách mua tập vở có bìa chống nhăn hay bút chì có tẩy để cháu dễ dàng hơn trong việc giữ gìn hay tự sửa lỗi.

Hãy đối xử với trẻ như người lớn. Cha mẹ cần tập cho con tự suy nghĩ việc của mình để trẻ tự chọn cách làm phù hợp, tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Càng bắt con làm theo ý mình, càng canh chừng giám sát, trẻ càng khó tập tính tự giác, khó thay đổi thói quen cẩu thả.

Chúc anh thành công trong cách hướng dẫn cháu học cách ngăn nắp, cẩn thận.

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI