Con gái kiện cha mẹ ruột vì chia sẻ hơn 500 ảnh của mình lên mạng mà không xin phép

23/09/2016 - 10:30

PNO - Mới đây, một cô gái 18 tuổi (sống ở khu Carinthia, Áo) khởi kiện bố mẹ ruột vì chia sẻ hơn 500 ảnh cá nhân từ nhỏ của cô lên mạng cho 700 người bạn trên facebook mà không xin phép con gái.

“Sáng nay, facebook nhắc lại bức ảnh tôi chụp con sáu năm trước. Con bé khi ấy mới một tuổi, ôm búp bê, cả hai mặc bộ váy giống nhau mà tôi đặt may riêng. Bức ảnh đáng yêu khiến tôi bật cười, nhưng con gái tôi không vui: “Sao mẹ cho con và búp bê mặc cùng kiểu váy? Thật ngớ ngẩn”. Tôi giật mình, hiểu rằng từ nay mình phải tỉnh táo hơn khi đăng bất cứ hình ảnh nào của con”.

Mới đây, một cô gái 18 tuổi (sống ở khu Carinthia, Áo) khởi kiện bố mẹ ruột vì chia sẻ hơn 500 ảnh cá nhân từ nhỏ của cô lên mạng cho 700 người bạn trên facebook mà không xin phép con gái. Việc đăng tải diễn ra từ năm 2009 đến nay.

Con gai kien cha me ruot vi chia se hon 500 anh cua minh len mang ma khong xin phep
Hãy tỉnh táo hơn khi chia sẻ hình ảnh, thông tin của con cái trên mạng xã hội - Ảnh: NY Times

Nguyên đơn cho rằng: “Họ không biết đâu là giới hạn cần thiết. Kể cả những tấm hình cũ khi tôi đang được thay tã, đang đi vệ sinh, họ cũng đăng lên mạng. Tôi chán ngán việc thiếu tôn trọng đó”. Trước khi kiện bố mẹ, cô từng yêu cầu họ gỡ những bức ảnh trên, nhưng họ từ chối, với lý do đây là ảnh họ chụp và họ có quyền đăng tải bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Tại Áo, luật pháp chưa quy định chặt chẽ về quyền riêng tư trên mạng xã hội nên khả năng thắng kiện phụ thuộc vào việc nguyên đơn có chứng minh được tổn hại về tinh thần khi hình ảnh nhạy cảm bị “phát tán” hay không.

Tại Pháp, bố mẹ đăng hình ảnh riêng tư của con nếu bị kiện, bị buộc tội có thể chịu án tù một năm, phạt đến 80.000 USD, ngoài ra còn bồi thường cho con khoản tiền theo phán quyết của tòa án. Đạo luật được thông qua vài tháng trước là lời răn đe cứng rắn với những phụ huynh đăng tải ảnh con vô tội vạ. Pháp là quốc gia duy nhất đến thời điểm này có quy định trên.

Đạo luật khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa phụ huynh và con cái trong “kỷ nguyên facebook”, khi thao tác chia sẻ hình ảnh quá phổ biến. Quy định trên được dư luận hưởng ứng vì nó phản ánh nhu cầu của thời đại. Trong khi phụ huynh luôn “kêu trời” về thái độ ứng xử với mạng xã hội của con thì chính họ chưa thực sự chuẩn mực.

Trước khi có đạo luật, cảnh sát Pháp từng nhiều lần khuyến cáo người lớn cẩn thận với những kẻ ấu dâm bệnh hoạn luôn chực chờ những phụ huynh sơ hở, đăng hình con lên mạng.

Chính quyền Australia từng nhiều lần cảnh báo phụ huynh thận trọng khi đăng tải hình ảnh và thông tin của con. Năm 2014, ủy viên Megan Mitchell thuộc Hiệp hội Bảo vệ trẻ em quốc gia Australia kêu gọi các ông bố bà mẹ nên cân nhắc đăng hình ảnh đáng yêu của con kèm theo thông tin được cho là “tuyệt mật” trên mạng xã hội như chỗ ở, trường học.

Theo bà Megan Mitchell, thông tin ấy được công khai cũng là nguy cơ tiềm năng khiến trẻ dễ bị tấn công. Thực tế, hơn 50% phụ huynh không để tâm đến chi tiết này. Một khảo sát gần đây chỉ ra, trung bình phụ huynh đăng tải gần 1.000 ảnh cá nhân của con lên mạng xã hội trước khi con họ năm tuổi.

Trong đó, hơn 50% phụ huynh cho biết chẳng bao giờ họ cài đặt quyền được xem hình của con. Bất cứ ai, thậm chí không phải bạn bè trên mạng xã hội cũng có thể nhìn thấy hình ảnh riêng tư của đứa bé. Cuối cùng, điều quan trọng hơn hết chính là khiến con cái chúng ta bối rối khi nhìn thấy hình ảnh không mong đợi của mình.

Đầu năm nay, các chuyên gia xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện khảo sát về quan điểm của các thành viên trong gia đình về việc đặt ra những nguyên tắc đối với “văn hóa” công nghệ.

250 gia đình ở 40 bang được chọn ngẫu nhiên. Ngoài nguyên tắc không điện thoại, không nhắn tin trong giờ sinh hoạt chung của gia đình, một nguyên tắc khiến các chuyên gia bất ngờ là: trẻ con yêu cầu bố mẹ không đăng thông tin, hình ảnh nếu chưa hỏi ý mình.

Cô Sarita Schoenebeck, đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết, phụ huynh không hề nghĩ việc mình làm lại ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của con. Có những phụ huynh tạo tài khoản facebook, Youtube riêng cho con rồi đăng tải hoạt động của con, bao gồm cả hình ảnh nhạy cảm hoặc đôi khi là đoạn clip quay cảnh con trò chuyện trong gia đình.

Những tài khoản ấy một khi bị bạn bè con phát hiện, con của họ vô tình trở thành đề tài bàn tán của bạn học, càng khiến đứa trẻ trở nên khó xử.

Cô Sarita Schoenebeck nhắc đến việc bất cứ ai cũng có phản xạ điều chỉnh lời nói, hành vi một khi bước ra đám đông. Mạng xã hội chính là đám đông ấy và thật bất công nếu đứa trẻ không được chuẩn bị, không được hỏi ý kiến trước khi nhìn thấy hình ảnh đời thường của mình bị trưng ra cho bàn dân thiên hạ… bình luận.

Jay Parikh, Phó chủ tịch facebook cho biết, mạng xã hội này không thể can thiệp vào quyền tự do đăng tải nội dung hợp pháp của người dùng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro cũng như tổn thương tiềm năng gây ra cho trẻ, facebook cân nhắc việc thiết lập hệ thống cảnh báo phụ huynh.

Cụ thể, trước khi đăng ảnh con, người dùng sẽ được facebook nhắc: “Hãy khoan, đây là ảnh của một đứa trẻ. Bạn có chắc mình muốn chia sẻ trên mạng với những đối tượng cụ thể?”. Theo ông Jay Parikh, đây là những gì mà facebook có thể làm, nhưng quyết định cuối cùng là quyền của phụ huynh.

Khi mạng xã hội phát triển, đời sống số không còn là đời sống ảo vì nó tràn đầy chất liệu từ cuộc sống thật. Nó khiến mối quan hệ giữa con người trở nên cởi mở và lan tỏa sâu rộng hơn. Bên cạnh đó là nguy cơ làm thay đổi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình khi người lạ gần hơn mà người thân dường như xa hơn. Mối lo quan hệ gia đình rạn nứt vì “kỷ nguyên facebook” là có thật.

Thiên Như 

(Theo Local Austria, NY Times, Telegraph, Essential Kids)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI