Con đi trồng rừng

07/11/2020 - 10:34

PNO - Thay vì cắm mặt vào điện thoại, bạn nhỏ nên tận dụng cơ hội làm việc có ích cho cộng đồng, môi trường. Như gieo trồng hay chăm sóc một cái cây.

“Khi trồng cây, các em có nói gì với cây không?”, được hỏi bất ngờ, Trần Tuấn Ngọc Bảo (trường THCS Phú Hữu, Q.9, TP.HCM) dí dỏm đáp: “Ráng lớn nhanh lên nha em! Mai mốt anh sẽ xuống đây thăm em!”. Cả đám trẻ phì cười. Rồi cũng chính Bảo thú thật rằng, những lời ấy chỉ thoáng qua trong suy nghĩ chứ em chưa kịp thủ thỉ với cây, bởi khi đó cậu đang bị nỗi sợ… bùn ám ảnh.

Trải nghiệm lấm lem

Nhờ chương trình “Vì Việt Nam xanh, sạch và an toàn cho trẻ em” do Hội đồng Đội TP.HCM phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại TP.HCM tổ chức đầu tháng 11/2020, những “công tử”, “tiểu thư” con nhà phố chưa từng quen lấm lem đã có một hoạt động trải nghiệm độc đáo: lội bùn băng rừng trồng cây xanh tại rừng ngập mặn Cần Giờ. 

Cột tóc gọn gàng, bỏ lại đôi giày, chiếc điện thoại, cặp mắt kính... chỉ vài bước chân qua sân sau của Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại Thanh thiếu niên TP.HCM (H.Cần Giờ), các em nhỏ đã bước vào một không gian khác. Trước mặt chúng toàn bùn với sình, trên đầu là “đám lá tối trời” không một tia nắng xuyên lọt. 

Đây là lần đầu tiên các em tiếp xúc trực tiếp với bùn. Em nào cũng nhăn mặt vì bùn sình đen đúa, nhầy nhụa, lại có mùi chả khác gì… nước cống, nhưng không ai chịu bỏ cuộc. Khu rừng trở nên náo nhiệt với những khúc đồng ca sôi nổi, những cánh tay nhỏ bé cố níu cành đước tiến về phía trước.

Bất kể quen lạ, các em chuyền tay nhau chai nước, bắc thân đước khô thành chiếc cầu giả giúp bạn băng qua bãi lầy, hay giải cứu bạn nữ bị vướng bím tóc vào nhánh cây. Càng vào sâu trong rừng, các bạn càng không khỏi bỡ ngỡ trước những gì đang hiện ra: những chú chim lạ mắt, những con còng sặc sỡ, những chú thòi lòi lướt trên mặt bùn mà có bạn hốt hoảng hét nhầm tên... thằn lằn. 

Em Kiều Khánh Băng cắm cây đước con theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn
Em Kiều Khánh Băng cắm cây đước con theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn

Thêm cây, thêm tình yêu rừng

Mất khoảng nửa tiếng đồng hồ lội bùn, các em mới đến được khu vực cần trồng thêm cây. Ghim cây đước sao cho thẳng, ngập xuống bùn một phần ba thân cây mà không được nhầm phần ngọn với phần gốc, canh làm sao để khoảng cách cây này với cây kia chừng 40cm cũng là một áp lực, vì có em chưa trồng cây bao giờ.

Vắt vẻo trên cành cây nghỉ mệt sau một hồi lao động cật lực, các em bồi hồi nhìn những cây đã cao lớn, mướt xanh, những cây nhỏ ai đó trồng nay đã bén rễ bên cạnh cây mình vừa cắm xuống. Sự sống tưởng bất diệt vậy mà trong chiến tranh, quân Mỹ đã rải chất độc khai hoang khu rừng này, biến nó thành vùng đất chết để bộ đội ta không còn nơi che chắn.

Trang sử đã được học và bây giờ, các em được thầy cô, ban quản lý rừng nhắc lại. Khoảng năm 1978, rừng được khôi phục bằng cây giống lấy từ Cà Mau. Hơn 40 năm trôi qua, tuổi của những cây đước đợt đầu khôi phục cũng trạc tuổi ba mẹ các em bây giờ.

Có em chưa từng biết yêu cây là gì, giá trị của cây với bọn trẻ chỉ là một bóng râm, nhưng qua những trải nghiệm trồng rừng, các em đã hiểu thêm về vai trò của cây xanh, của rừng đối với môi sinh và cuộc sống con người. Anh Khoa (lớp Bảy, trường THCS Lương Thế Vinh, Q.3, TP.HCM) cảm thấy khá áy náy vì khi nãy, cu cậu lỡ làm gãy một nhánh cây trong lúc nghịch ngợm vin cành đánh đu. Khoa mong những cây mình mới trồng sẽ lớn thật nhanh để bù lại.

Những đứa trẻ học được thật nhiều về hệ sinh thái rừng ngập mặn - Ảnh minh họa
Những đứa trẻ học được thật nhiều về hệ sinh thái rừng ngập mặn - Ảnh minh họa

Ở nhà, ông ngoại Khoa trồng rất nhiều cây trên sân thượng, nhưng gần đây ông đau chân nên ít leo lên chăm sóc. Sắp tới, nhất định Khoa sẽ tích cực giúp ông vun phân tưới nước cho cây, những việc mà trước đây cậu rất ít khi đụng tới. 

Tuổi còn nhỏ nhưng Kiều Khánh Băng (lớp Tám, trường THCS Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM) luôn tin mình có thể làm việc hữu ích cho cộng đồng nhất là vận động các bạn nhỏ, rồi các bạn vận động gia đình mình bảo vệ môi trường, trồng cây xanh. Ở nhà Băng phụ ba trồng cây kiểng, trồng rau cải trong thùng xốp.

Tháng qua, theo dõi tin tức bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung, biết một trong những nguyên nhân khiến người dân bị thiệt hại nặng nề là do nạn chặt phá cây rừng, Băng mong muốn có cơ hội được ra miền Trung trồng rừng, hoặc trồng cây ở bất cứ nơi nào có thể.

Khánh Băng nói: “Thay vì cắm mặt vào điện thoại, các bạn nhỏ nên tận dụng cơ hội làm việc có ích cho cộng đồng, môi trường. Việc có ích thì việc lớn hay nhỏ đều đáng quý. Và đó cũng là trải nghiệm giúp mình trưởng thành”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI