Cần món gì, trau dồi món đó!

07/05/2014 - 07:05

PNO - PNO - Nghe mọi người bàn cãi nhau về giá trị của “Công – Dung - Ngôn - Hạnh”, tôi bỗng muốn hỏi mọi người rằng, giá trị của một người phụ nữ thể hiện ở những “hạng mục” nào?

edf40wrjww2tblPage:Content

Bất cứ người nào cũng muốn chứng tỏ bản thân qua những gì mình sở hữu, cả vừa “trời cho” lẫn rèn luyện mà có, chứ không riêng gì phụ nữ. Như vậy, nên hiểu “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” chỉ là cái “chuẩn” mà một người phụ nữ nhìn vào đó để phấn đấu, hoàn thiện, chứ không phải là cơ sở để người ta đánh giá, cân đo đong đếm. Phụ nữ hoàn toàn có quyền quyết định mình nên hay cần “đầu tư” ở điểm nào, theo cái kiểu tếu táo rằng, thiếu gì thì “bù đắp”đấy, chẳng phải hay sao?

Can mon gi, trau doi mon do!
 

Có ai không muốn bề ngoài mình đẹp đẽ, dễ coi? Ai thích xấu, tự làm cho mình xấu đi? Chắc chỉ có người điên, không bình thường. Phụ nữ mà không biết sửa soạn làm đẹp, thì… miễn bàn! Ai muốn mình vụng về, hậu đậu, chẳng gặt hái thành công trong công việc? Như vậy, không phấn đấu, trau dồi là dại, là ngớ ngẩn, là thua thiệt. “Công” của thời bây giờ nên hiểu theo công ăn việc làm, năng động, giỏi giang, kiếm được tiền, biết vun vén mọi thứ, chứ không thể xét theo nghĩa biết lăn xả vào bếp nấu món này món nọ. Sở trường thì phát triển, đừng mang sở đoản ra mà thi thố này nọ. Tôi thấy nhiều người vẫn giữ cái ý, công của đàn bà là… nội trợ. Xin thưa, cái tư tưởng ấy đã chẳng còn giống ai, lệch lạc lắm rồi! Nên nhiều người thắc mắc, sao chị nọ cô kia biết làm bánh nấu cơm khéo léo, biết cắm hoa may vá mà vẫn bị chồng coi rẻ, ruồng rẫy? Xin hỏi, người phụ nữ đó biết làm ra tiền không, những việc giỏi giang nọ chỉ để phục vụ cuộc sống quanh quẩn trong nhà, hay mang lại thu nhập và ấm no cho gia đình? Khác hẳn đó nhé!

Tôi cho rằng, “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” không phải cần bỏ đi, bài bác, mà là cần hiểu cho phù hợp hơn. Lúc nào cũng nín nhịn, nhỏ nhẹ, cam chịu, để nhận được tiếng khen về chữ ngôn, chữ hạnh ư? Cứ việc, nếu như muốn người khác đè đầu cưỡi cổ, xem thường, cười thầm trong bụng. Phụ nữ không thể nói lên chính kiến của mình, không biết phản kháng, chẳng có gì đáng để tự hào đâu!

Và “Công - Dung - Ngôn - Hạnh”, hay những “đức tính” theo quan điểm tôi vừa kể trên, nhằm mục đích gì, phục vụ ai? Chẳng phải để người phụ nữ tự lo cho bản thân, tự tạo nên cuộc sống và hạnh phúc cho chính mình đó sao? Yêu mình là trên hết. Lo cho mình là điều quan trọng nhất. Rồi hãy nói tới con cái, gia đình, cha mẹ, anh em này nọ. Bạn hãy kiếm được công ăn việc làm, bạn hãy tự tin, vui sống, đừng than van làm phiền người khác, đừng thiếu thốn phải vay mượn, đừng lu loa vì chồng thế này thế nọ, đừng tự ti khi đến chốn đông người, đừng nhăm nhăm cái gì cũng chờ người khác phải lo toan bảo bọc. Vậy là tốt rồi. Tiến lên một bước nữa, bạn có thể đóng góp cho xã hội, làm tươi mát đẹp đẽ nơi bạn xuất hiện, làm dịu lại không khí nhờ cái chất giọng lẫn nội dung lời nói, làm người ta kính nể coi trọng bởi sự hiểu biết, kiến thức của mình. Đó mới là cái cần thiết, cái đòi hỏi đương nhiên của một người phụ nữ hiện nay.

Chứ “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” để phục vụ chồng, để nai lưng hầu hạ, để cho đẹp mặt người khác, để nhún nhường thua thiệt, để người ta coi là… thú cưng, để suốt đời chẳng biết thế nào là thú vui giường chiếu, thì xin can. Sống kiểu ấy, chẳng ai khen ngợi đâu, xưa lắm rồi!
 

LƯU LY

Ông bà ta xưa kia đã đề ra tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ, đó là “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Người phụ nữ phải chu toàn những nghĩa vụ với gia đình, lời nói phải như hoa như gấm, đức hạnh vẹn toàn, còn phải biết giữ gìn vẻ đẹp của riêng mình cho đẹp mặt chồng con… Bốn tiêu chuẩn đó đã là những “định mức” quá khó khăn dưới một thời đại phong kiến, khi người phụ nữ chỉ biết việc nhà và sống cho gia đình.

Ngày nay, khi vai trò của người phụ nữ đã vượt ra khỏi giới hạn gia đình, tham gia những hoạt động xã hội, đóng góp cho kinh tế gia đình… thì “Công Dung, Ngôn, Hạnh” có còn là điều để người phụ nữ Việt phấn đấu và đạt được hay không?

Liệu điều đó có tạo thêm những áp lực nặng nề cho phụ nữ khi họ đã phải bình đẳng với đàn ông trong xã hội về mặt sự nghiệp, tài chính, lại vừa phải là người phụ nữ theo kiểu mẫu xa xưa?

Hay “Công, dung, ngôn, hạnh” vẫn cần và vẫn là nét đẹp không thể thiếu đối với người phụ nữ?

Rất mong các bạn chia sẻ suy nghĩ của mình về chủ đề này.

Mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang
-Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
-Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI