Bình đẳng trong nhà: Không còn “con trai”, “con gái”, chỉ là “con” mà thôi”!

07/03/2022 - 05:33

PNO - Chúng tôi thể hiện sự công bằng và bình đẳng với nhau khi chia sẻ những việc tưởng chừng đơn giản.

Một lần, lúc vợ chồng đang tranh luận về chủ đề bình đẳng, cô bé lớn mếu máo chạy vào, nói: “Chắc mẹ thương con trai hơn nên em không nghe lời con”. Câu nói mang tính dỗi hờn nhõng nhẽo ấy khiến họ suy nghĩ: “Có lẽ mình nên thay đổi cách nói chuyện với các con; tránh dùng từ “con trai”, “con gái”, chỉ là “con” mà thôi”. 

Gia đình chị Trần Ngọc Châu Tuyền, anh Lê Thanh Tâm
Gia đình chị Trần Ngọc Châu Tuyền, anh Lê Thanh Tâm

 

Chị Trần Ngọc Châu Tuyền: Không hề có sự phân biệt nào trong nhà tôi

Đôi khi tôi hơi thiên vị con trai, có thể một phần do con là em, phần khác vì muốn… có sự cân bằng vì chồng tôi có vẻ cưng chiều con gái hơn. Tôi có khuynh hướng đứng về “phe mình” trong nhiều trường hợp nên có phần khắt khe trong việc dạy con gái. Từ khi tôi thay đổi, trong các cuộc nói chuyện với con, tôi không còn bắt đầu bằng cụm “là con gái con nên…”, con gái dường như mạnh dạn hơn, thậm chí bướng hơn. Đôi khi tôi cũng lung lay vì sợ rằng mình đang cho con quyền tự thể hiện bản thân nhiều quá. Dù vậy, tôi vẫn kể con nghe những câu chuyện về người này người kia để con nhớ rằng mình là con gái, không suy nghĩ hay hành xử lệch lạc. 

Với con trai, chúng tôi giao việc cho con nhiều hơn, bắt đầu từ việc “thuê” con làm và có trả công. Lần nào làm xong con cũng nói kiếm được tiền không dễ. Hôm trước rửa chén, nhặt rau xong, con bỗng nói: “Ít bữa chắc con giỏi việc nhà lắm đó mẹ, sẽ không lo đói nếu ở một mình”. Chúng tôi dần giúp con ý thức được việc mình làm, rằng con trai cũng có thể rửa chén, dọn nhà rất giỏi và có quyền hãnh diện khi việc đó có ích. Ngược lại, con gái cũng làm được việc nặng: rửa cửa, khiêng vác đồ nặng hợp sức mình… Những điều nho nhỏ hằng ngày cũng giúp chúng tôi uốn nắn mình, cẩn trọng hơn trong từng câu nói, chỉn chu hơn trong việc nhà. Nhìn vào ba mẹ, các con sẽ thấy ai cũng làm việc cật lực, ai cũng có công trong việc đóng góp xây dựng gia đình, không hề có sự phân biệt nào trong nhà. 

Anh Lê Thanh Tâm: Vợ bận thì chồng chẳng nề hà việc gì

Có lẽ người cha nào cũng thích có một cô con gái thùy mị, dịu dàng. Thế nhưng, qua lời con nói, tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục theo hướng đó, chúng tôi sẽ vô tình biến con thành người yếu đuối, luôn cảm thấy yếu thế trước con trai và có sự phân biệt rạch ròi không cần thiết trong quá trình trưởng thành của các con mình.

Từ khi quyết định thay đổi, vợ chồng tôi thường giải thích với các con về ý nghĩa của công việc nhà, rằng đó là một phần quan trọng trong mối quan hệ gia đình, giúp chúng ta yêu thương và gắn kết với nhau. Muốn gia đình hạnh phúc, chúng ta cần san sẻ với nhau từ những việc cơ bản nhất như việc nhà. Chưa kể, làm việc nhà giúp các con có thêm những kỹ năng sống cơ bản để không lúng túng khi tự lập. Bắt đầu với suy nghĩ như vậy, chúng tôi cùng dạy con và làm cùng con mà không đắn đo phân chia việc nào dành cho con gái, việc nào dành cho con trai. Với bài học này, mai sau, con trai có đi du học cũng sẽ biết tự chuẩn bị bữa ăn cho mình; con gái đi lấy chồng có thể làm được những việc vừa sức, không cần thiết cậy nhờ chồng, nhờ vậy có được sự độc lập.

Điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương cho con. Chúng tôi thể hiện sự công bằng và bình đẳng với nhau khi chia sẻ những việc tưởng chừng đơn giản như việc nhà. Vợ bận thì chồng chẳng nề hà, việc gì có thể làm được thì vợ chẳng cần chờ chồng. Nhờ đó, các con tôi dễ dàng tiếp thu những điều hay học được từ ba mẹ. 

Khánh Tâm (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI