30 phút chất lượng cho con: Góp nhặt từng giây từng phút ở cạnh con mình

10/01/2023 - 06:20

PNO - Tôi biết mình may mắn khi luôn có thể co kéo để dành 90 phút mỗi ngày cho con. Vậy nhưng nếu quỹ thời gian eo hẹp, chúng ta có thể giảm xuống còn 60 hoặc 30 phút.

Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian biểu của mình theo thời gian biểu của con và “chen” vào quỹ thời gian của con càng nhiều càng tốt vì tôi biết chẳng mấy chốc, mình sẽ chẳng còn cơ hội để ở bên con nhiều như mong muốn.

Tôi hay tự gọi mình là “bà mẹ bỉm sữa” dù năm nay con đã 13 tuổi. “Bà mẹ bỉm sữa” ý là chỉ biết có bỉm và sữa, nghĩa là cả một ngày dài chỉ gắn với con.

Con tôi đã 13 tuổi, hiển nhiên tôi không hoàn toàn là một “bà mẹ bỉm sữa” như nghĩa thường gặp nhưng mọi sự của tôi vẫn cố gắng xoay quanh con nhiều nhất có thể.

Mỗi ngày, hai mẹ con tác giả thường dành khoảng 90 phút trò chuyện cùng nhau
Mỗi ngày, hai mẹ con tác giả thường dành khoảng 90 phút trò chuyện cùng nhau

Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc dậy sớm, nấu bữa sáng cho con và chở con đi học. Chiều tan làm, tôi đón con về. Trong lúc con tắm rửa, soạn bài, tôi nấu cơm rồi mẹ con cùng nhau ăn. Sau bữa tối, tôi cùng con học bài đến khoảng 21g30 là đi ngủ. Vào những ngày con có giờ học thêm, tôi tranh thủ đưa con đến lớp rồi đi cà phê cùng bạn bè hoặc xem phim, đọc sách… Nhìn chung, ngoài việc ở công sở 8 tiếng không thể thay đổi, khoảng thời gian còn lại, tôi luôn ưu tiên dành cho con.

Mỗi ngày, chúng tôi thường chỉ có tầm 90 phút trò chuyện với nhau: khi tôi lui cui dọn dẹp trong bếp và con dùng bữa sáng ở bàn ăn hoặc khi quây quần xới cơm cho bữa tối… Con thường kể tôi nghe chuyện bạn bè và chuyện học hành trên đường đến trường hoặc giữa dòng xe cộ ken đặc vào giờ tan tầm.

Có khi mẹ con tôi bất đồng ý kiến hoặc giận nhau và im lặng suốt quãng đường dài. Có khi con buồn chuyện gì đó ở trường nhưng chưa sẵn lòng chia sẻ mà chỉ ngồi sau lưng mẹ lặng lẽ. 

Con tôi đang vào tuổi dậy thì nên trừ những lúc sinh hoạt chung cùng mẹ, con chỉ thích ở trong phòng. Khi cùng con về ngoại, tôi lại chủ yếu dành thời gian cho ông bà, còn con sẽ tự học bài hoặc giải trí trên điện thoại. Khi cùng nhau xem phim, dạo công viên… xung quanh có rất nhiều hoạt động khác dễ làm chúng tôi phân tán. Khoảng thời gian có thể ngồi lại và nói chuyện một cách sâu sắc nhất không đâu ngoài những lúc tôi đưa đón con đi học và ngồi cùng con bên bàn ăn.

Với tôi, 90 phút mỗi ngày không nhiều nhưng cũng không ít. Nó vừa đủ để tôi biết hôm nay, ở trường, con giơ tay phát biểu được cô cho điểm cộng; hôm qua con ghi vở chưa cẩn thận và bị cô phê bình; hôm trước nữa thì phân vân chơi với bạn K.N. hay H.C. vì hai bạn bây giờ đang giận nhau; tuần trước nữa thì con đã crush (tạm dịch: thích) một bạn nam ở lớp patin và giờ vẫn đang mơ mộng… 

Với người lớn, những câu chuyện trên có thể thật trẻ con nhưng lại là cả một bầu trời lo lắng, phấn khích và hồi hộp của những đứa trẻ tuổi dậy thì, mà chúng cần biết bao một ai đó có thể lắng nghe, chia sẻ và nói cho chúng biết chúng nên làm gì. Có thể chúng nghe theo, cũng có thể chúng phớt lờ nhưng chỉ cần chúng chịu kể là chứng tỏ chúng rất tin tưởng và thoải mái khi ở cạnh mẹ.

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi mình vẫn đang làm tốt việc kết nối và lắng nghe con mỗi ngày, để con có thể tự hào khi bạn bè bảo rằng: “Tao thật ganh tị vì mày có bà mẹ gen Z” (thế hệ Z - thuật ngữ chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012).

Tôi biết mình may mắn khi luôn có thể co kéo để dành 90 phút mỗi ngày cho con. Vậy nhưng nếu quỹ thời gian eo hẹp, chúng ta có thể giảm xuống còn 60 hoặc 30 phút, vẫn đủ nếu đó là khoảng thời gian thực sự chất lượng và dành cho con tuyệt đối. Thời gian trôi nhanh, con rồi sẽ lớn, những bà mẹ suy cho cùng cũng như những con kiến cần mẫn góp nhặt từng giây từng phút ở cạnh con mình trong niềm hạnh phúc vô biên, có phải không? 

Cao Bảo Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI