“Mụ phù thủy”

19/09/2013 - 11:41

PNO - PN - Trời mưa gió, tôi vừa về đến, lao vội vào nhà, chưa kịp cởi áo mưa, vợ cầm cây lau nhà, đầu bù tóc rối, ào ra mắng tôi té tát vì tội đi nhậu bỏ cơm nhà. Như thường lệ, tôi cười cầu hòa cho vợ hạ hỏa, hỏi han con trai...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau khi đọc cho con nghe câu chuyện cổ tích rồi chúc con ngủ ngon, con trai năm tuổi bất ngờ quay sang hỏi: “Ba ơi, sao mẹ dữ quá? Mẹ như mụ phù thủy vậy”. Tôi… ngớ người, không biết phải trả lời thế nào. Chợt nhớ hình ảnh vợ “đón” tôi, đúng là có “phần hình” giống mụ phù thủy trong truyện: dữ dằn, to tiếng, tóc rối... “Sao con lại nói vậy?” - tôi hỏi. “Con thấy mẹ hay la mắng, giống mụ phù thủy trong truyện đó”. Tôi đã mất ngủ cả đêm với câu hỏi của con.

“Mu phu thuy”

Vợ tôi bốc hỏa nhanh, hễ gặp chuyện gì không vừa lòng, câu trước câu sau là gào ầm lên. Biết vợ bị huyết áp cao, tôi thường nhường nhịn, cố tếu táo để xoa dịu. Tôi biết, chẳng qua vợ phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, nên mới “biến hình xấu xí”, chứ những lúc vui vẻ, trông cũng dễ thương lắm. Từ lâu, tôi để ý, không phải riêng vợ tôi mà nhiều bà vợ khác, phút trước còn hiền từ, phút sau đã “biến hình” khác hẳn. Người chồng hiểu tính vợ, sẽ dễ dàng thông cảm, bỏ qua nhưng con trẻ sẽ bị “sụp đổ thần tượng” khi thấy người mẹ hiền bỗng chốc thành “mẹ hổ”.

Đa phần, người vợ chủ quan nghĩ rằng “trẻ con thì biết gì” và cứ thoải mái bột phát cơn tức giận: thoải mái mắng chồng nặng lời, thoải mái mở âm lượng... Tuy đứa trẻ hiểu biết chưa nhiều nhưng vẫn cần được tôn trọng. Nếu người vợ sợ chồng tổn thương một phần, thì cũng nên sợ con trẻ tổn thương nhiều phần hơn. Người lớn buồn, có thể tự giải buồn bằng nhiều cách, nhưng một đứa trẻ buồn, sẽ bị ám ảnh kéo dài.

Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ như con trai tôi bây giờ, tôi cũng đã rất buồn với cảm nhận: “Sao mẹ của mình dữ dằn đến như vậy?”. Có lần, ba tôi rủ một số người trong xóm về đánh cờ. Có thể mẹ bực vì chuyện vui chơi đó ảnh hưởng đến công việc, nên đã lớn tiếng đuổi bạn của ba về, còn to tiếng với ba thêm một hồi. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã cảm nhận được việc mẹ làm là quá đáng, mất mặt ba trước bạn bè. Kể cả sau này, bàn bạc chuyện nhà, lỡ như ai khiến mẹ không vừa ý, bà cũng rất dễ nặng lời. Đáp lại, ba chỉ im lặng, rồi dần dần ông bặt tiếng luôn cả trong những cuộc vui. “Sao mẹ dữ quá vậy?”, tôi bị ám ảnh bởi suy nghĩ đó và dần “thích chơi với ba, không muốn chơi với mẹ”. Liệu bây giờ, con trai tôi có nghĩ như vậy?

Có người cho rằng, phụ nữ có nhu cầu gào lên thật to, vì không to tiếng thì không giải quyết được vấn đề khúc mắc, không “làm dữ” thì không quản được chồng con. Thực tế, việc “đóng vai ác” cho thấy người phụ nữ đó đang bất lực và đã chọn giải quyết vấn đề một cách tiêu cực. Trong những lần thấy mẹ “xù lông nhím” ấy, đứa con bé bỏng sẽ ngơ ngác, sợ hãi, lánh xa, không hiểu được thực sự đang diễn ra điều gì. Đứa trẻ chỉ thấy mẹ đang “rất đáng sợ”.

 Trần Văn

Từ khóa Mụ phù thủy
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI