Bảo vệ con trước bẫy lừa đảo công nghệ dịp hè

09/07/2025 - 19:00

PNO - Kỳ nghỉ hè vốn được xem là khoảng thời gian tự do cho trẻ vui chơi, khám phá. Tuy nhiên, khi “khối công sở” vẫn miệt mài trong guồng quay công việc, sự giám sát lỏng lẻo vô tình mở rộng cửa để trẻ em đắm mình vào thế giới số. Đây chính là miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo công nghệ.

Những kẻ lừa đảo công nghệ thường nhắm vào sự ngây thơ và non kinh nghiệm của học sinh, sinh viên để thực hiện các hành vi lừa đảo. Đáng lo ngại hơn, hậu quả của những chiêu trò này không chỉ dừng lại ở mất mát tài sản mà còn để lại dư chấn tâm lý, làm tổn thương trẻ về lâu dài.

Vô vàn chiêu trò lừa đảo nhắm vào con trẻ

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - sáng lập dự án Chống lừa đảo - cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại: trẻ em ngày nay tiếp cận thiết bị điện tử từ rất sớm, điều này càng tăng cao trong dịp hè. Trẻ em thường dùng thiết bị điện tử để xem video, tham gia mạng xã hội, đặc biệt là “bắt trend” trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, chính sự thiếu hụt kỹ năng khi sử dụng công nghệ AI vô tình biến trẻ thành con mồi béo bở.

Một buổi tuyên truyền kỹ năng chống lừa đảo cho trẻ dưới 16 tuổi - ẢNH: NHÃ CHÂN
Một buổi tuyên truyền kỹ năng chống lừa đảo cho trẻ dưới 16 tuổi - Ảnh: Nhã Chân

Kẻ xấu lợi dụng sự non nớt để đánh cắp thông tin nhạy cảm của trẻ, biến những hình ảnh vô tư thành video hoặc hình ảnh 18+ nhằm mục đích tống tiền và bôi nhọ nhân phẩm. Tệ hơn, nhiều đối tượng còn tìm cách kết bạn với trẻ qua mạng xã hội, sau đó hứa hẹn về tiền bạc hay quà cáp để dụ dỗ trẻ quay video nhạy cảm.

Ông Ngô Minh Hiếu cảnh báo thêm: “Các bậc cha mẹ cần hết sức cẩn trọng khi đăng tải hình ảnh hoặc bằng khen, thông tin cá nhân của con lên mạng xã hội vì đây có thể trở thành dữ liệu cho kẻ xấu. Chúng dựa vào đó để lừa đảo tinh vi, thậm chí biến tấu thành hình ảnh để trục lợi”.

Theo đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM), gần đây các đối tượng xấu thường dùng chiêu thức “bắt cóc online” nhắm vào các nạn nhân trẻ, ít kinh nghiệm sống như học sinh, sinh viên.

Cụ thể, mới đây Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM nhận được tin báo khẩn từ một gia đình tại quận 3 (cũ), TPHCM về việc một nam sinh sinh năm 2006 mất liên lạc sau khi nhận được cuộc gọi từ nhóm đối tượng lạ. Các đối tượng đã giả danh công an, gọi điện đe dọa rằng nạn nhân liên quan đến vụ án mua bán ma túy, buộc phải chuyển khoản 600 triệu đồng để “giải quyết vụ việc” đồng thời yêu cầu nạn nhân tự bắt xe công nghệ đến khách sạn để cách ly và không liên lạc với ai.

“Khi nam sinh nghe theo lời dẫn dụ của nhóm lừa đảo, chúng liền gọi cho phụ huynh, nói rằng đã bắt cóc con họ và đe dọa nếu không chuyển tiền chuộc sẽ bán nạn nhân ra nước ngoài. Gia đình chuyển tiền xong mới “hoàn hồn” báo công an. Khi ấy, chúng tôi chỉ có thể tìm được nạn nhân đang ở một khách sạn gần đó chứ không thể giúp lấy lại số tiền bị mất” - đại úy Tấn Thịnh thông tin thêm.

Một sinh viên khác đã mất hơn 180 triệu đồng cũng với chiêu giả danh công an của nhóm lừa đảo. Đối tượng cũng đe dọa rằng nạn nhân liên quan đến một vụ án. Ban đầu, nạn nhân còn hoài nghi nhưng khi gọi video thấy kẻ lừa đảo mặc cảnh phục và phía sau có rất nhiều người cũng mặc cảnh phục, có vẻ như đang làm việc thì em tin tưởng và chuyển tiền. Đại úy Tấn Thịnh kể: “Em sinh viên ấy gọi điện cho tôi với giọng hoảng loạn, nói rằng không hiểu vì sao lại vội chuyển tiền, cứ như bị bỏ bùa. Tôi trấn an và khuyên em làm theo trình tự: lên công an phường báo án, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra”.

Thay vì cấm đoán, hãy hướng dẫn con làm chủ công nghệ

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, trẻ rất dễ trở thành con mồi công nghệ. Tuy nhiên, cách phòng ngừa vô cùng đơn giản, chỉ cần trẻ nhớ 3 nguyên tắc cốt lõi: chậm lại, kiểm chứng và báo cáo.

Ông Ngô Minh Hiếu lý giải: “Thứ nhất, chậm lại là khi sử dụng mạng xã hội, tuyệt đối không nên kết bạn hoặc trò chuyện với người lạ. Hãy đặt danh sách bạn bè ở chế độ ẩn danh và không vội nhấp vào bất kỳ đường link hay ứng dụng lạ nào mà chưa kiểm chứng. Trước khi đăng tải thông tin hay hình ảnh lên mạng xã hội, các em phải xem xét kỹ lưỡng để tránh làm lộ thông tin cá nhân.

Thứ hai, để đảm bảo an toàn, các em có thể truy cập trang web Chống lừa đảo (chongluadao.vn) nhằm kiểm tra thông tin hoặc tốt nhất là hỏi ý kiến người lớn đáng tin cậy.

Thứ ba, việc báo cáo các sự việc đáng ngờ không chỉ giúp bảo vệ bản thân các em mà còn góp phần bảo vệ người thân, bạn bè và cộng đồng khỏi những mối đe dọa trực tuyến”.

Trẻ em lắng nghe về kỹ năng  phòng chống  lừa đảo và bắt nạt,  xâm hại qua mạng  trong chiến dịch tình nguyện  Kỳ nghỉ hồng 2025  do Chi đoàn  cơ sở Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức  - ẢNH: THÀNH LÂM
Trẻ em lắng nghe về kỹ năng phòng chống lừa đảo và bắt nạt, xâm hại qua mạng trong chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng 2025 do Chi đoàn cơ sở Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức - Ảnh: Thành Lâm

Đại úy Tấn Thịnh còn chỉ ra một thực tế quan trọng: cha mẹ không thể cấm cản hoàn toàn việc con sử dụng điện thoại và thiết bị công nghệ. Đặc biệt với trẻ ở tuổi dậy thì, sự cấm đoán có thể phản tác dụng, khiến trẻ càng tò mò và tìm cách tiếp cận lén lút. Đã có trường hợp trẻ tự để dành tiền mua điện thoại và lén sử dụng, điều này còn nguy hiểm hơn.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, trẻ em khó tránh khỏi việc phải sử dụng thiết bị công nghệ cho mục đích học tập. Nếu bị cấm đoán quá mức, trẻ sẽ không có cơ hội trang bị kỹ năng sử dụng an toàn, từ đó dễ trở thành nạn nhân của những lời dụ dỗ, lừa đảo.

Thế nên, thay vì cấm đoán, cha mẹ cần chủ động giám sát việc con sử dụng thiết bị điện tử và mạng xã hội. Điều quan trọng là phải dạy con cách phân biệt mặt lợi, mặt hại của công nghệ và nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn để con chủ động phòng ngừa và tự bảo vệ mình trong thế giới số.

Quy tắc “3 không, 3 có”

Theo đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, mỗi người cần nằm lòng quy tắc “3 không, 3 có”: không vội tin, không vội làm, không tiết lộ; có kiểm tra, có cảnh giác, có bảo mật.

Cơ quan chức năng không bao giờ điều tra qua điện thoại, Zalo hay yêu cầu cách ly. Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về việc giả danh công an, hãy bình tĩnh cúp máy và gọi báo ngay cho cơ quan công an qua số 113. Việc thường xuyên phổ biến những thông tin này đến con em, người thân và bạn bè để cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm mạng là vô cùng cần thiết

Đặc điểm chung của các chiêu trò lừa đảo trực tuyến

Theo thống kê từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tại Việt Nam, năm 2024, tổng thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến lên tới 18.900 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2023. Đặc biệt, tội phạm mạng hoạt động xuyên quốc gia, sử dụng kịch bản tinh vi và chuẩn bị kỹ lưỡng từng bước để “bủa vây” con mồi.

Nhóm lừa đảo qua mạng thường nhắm vào những người ít kinh nghiệm sống như học sinh, sinh viên, người trẻ. Chúng sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập để tăng độ tin cậy; tận dụng tâm lý sợ hãi, lo sợ bị pháp luật xử lý để điều khiển hành vi; khống chế hoàn toàn thông tin liên lạc, khiến nạn nhân không thể phản kháng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI