Với mong muốn khỏa lấp sự cô đơn, chứng tỏ bản thân hay đơn giản là tò mò, không ít đàn ông lên mạng tìm sugar baby (“bé đường” - một hình thức trao đổi tình - tiền kín đáo) để rồi chịu khủng hoảng tâm lý, thậm chí bị trầm cảm… khi người tình online còn chưa thấy mặt mà tiền đã vụt bay…
Hoạt động công khai rầm rộ trên mạng
Thấy bạn bè khoe vừa thay bồ mới, chuyển từ nhân viên văn phòng qua “em gái sinh viên”, anh Viết Cương (TPHCM) khá tò mò. Sau khi được “chiến hữu” chỉ giáo, anh lên mạng xã hội gõ từ khóa “sugar baby”, kết quả cho ra hàng loạt nhóm: từ “sugar baby TPHCM” đến sugar baby các tỉnh thành, từ “sugar baby sinh viên” đến “sugar baby đáng thương”, rồi “sugar baby and daddy Sài Gòn”… Hàng loạt cái tên mỹ miều được đặt cho những hội nhóm trao đổi tình - tiền.
 |
Trong vai một người đàn ông độc thân 50 tuổi tìm người tâm sự trên nhóm sugar baby, phóng viên nhận được yêu cầu chu cấp cho “bé đường” 10 triệu đồng/tháng - Đồ họa: Hoàng Kim |
Vừa thấy một nick đăng lên nhóm “Sugar baby and daddy Sài Gòn” kèm thông tin bày tỏ nhu cầu hợp tác vô cùng cụ thể, anh Cương sử dụng nick ảo nhắn tin làm quen. Cô gái giấu mặt nói thẳng cần chu cấp 10 triệu đồng/tháng nhưng khi “đàng trai” hỏi sẽ được quyền lợi gì, “đàng gái” khá vòng vo và tỏ ra nghi ngờ, cảnh giác.
Ít ngày sau, anh Cương nhận được tin nhắn từ một số lạ trên Zalo, hỏi “Anh đã gửi đồ cho em chưa?”. Còn đang ngạc nhiên, anh tiếp tục nhận được tin nhắn xin lỗi vì gửi nhầm, rồi khen ảnh đại diện của anh đẹp trai mà cương nghị. 2 bên nói chuyện qua lại rồi thành bạn chat hằng ngày. Cách 1-2 ngày, cô gái lại nhắn bâng quơ “thèm trà sữa”, “thèm đồ ăn”; hôm thì “mệt không đi nổi”. Anh Cương liền chuyển tiền cho người đẹp bồi dưỡng.
Chẳng lâu sau đã thấy cô gái đăng tấm ảnh ly trà sữa kèm dòng chú thích: “Thắng đời 1-0 vì có người mua cho uống. Cảm ơn người giấu mặt”.
Anh Cương cảm thấy cô gái này thật thú vị. Những cuộc trò chuyện lúc nhặt lúc khoan, lúc xa lúc gần cứ thế tiếp diễn. Thi thoảng, cô gái lại gửi cho anh tấm hình chụp lưng trần hoặc hình tập yoga khoe cơ thể nuột nà từ phía sau… “Đối tác” nửa kín nửa hở, khi xa khi gần, còn anh Cương vẫn chưa nhìn thấy mặt “người trong mộng”.
2 tuần trôi qua, không muốn phải chờ thêm, anh Cương ra điều kiện: chuyển khoản 20 triệu đồng làm tin, hẹn gặp trực tiếp để tiến xa hơn. Cô gái đồng ý. Tuy nhiên, sau tin nhắn trừ tiền trong tài khoản anh Cương, “bạn gái online” của anh cũng đăng xuất khỏi mạng xã hội. Nick Zalo không còn, gọi điện thì khóa máy…, rốt cuộc, cuộc tình online vỏn vẹn 2 tuần tiêu tốn của anh Cương tròm trèm 30 triệu đồng.
 |
Không ít nạn nhân rơi vào bẫy của "bé đường" và mất tiền trước khi thấy mặt (ảnh minh họa) |
Đình Lộc - chàng trai 9X đang sống tại TPHCM - ném chiếc sim điện thoại vào bồn cầu, xả nước, đồng thời dùng bút màu đánh dấu note lên danh sách “con mồi” dán trên tường.
Lộc là nhân viên chăm sóc khách hàng từ xa cho một sàn bất động sản, vừa tham gia các hội nhóm cosplay (hóa thân, nhập vai) tại TPHCM. Sau nhiều lần đăng tải hình ảnh nhập vai các nhân vật công chúa, nữ hoàng được khen ngợi, Lộc càng đam mê giả gái. Đặc biệt, cậu còn nhận được nhiều tin nhắn từ cánh đàn ông khen đẹp, rồi thẳng thắn hoặc kín đáo đề nghị được “qua đêm” hoặc “bao nuôi”. Ban đầu, Lộc không để ý. Vậy nhưng, mức giá họ đưa ra khá béo bở nên cậu dần xiêu lòng.
Trong vai một cô gái trẻ, Lộc nhận lời gọi video mỗi ngày với một người đàn ông ngoài 60 tuổi và nhận tiền thù lao đều đặn hằng tháng. Trừ chi phí sắm phụ kiện, quần áo, son phấn… để hóa thân, Lộc vẫn ăn xài dư dả. Một ngày, sợ hãi vì bị vợ con “người tình online” phát hiện, dọa đánh, Lộc vứt sim điện thoại, khóa mọi tài khoản mạng xã hội. Sau một thời gian, Lộc lại giả gái, đăng hồ sơ lên các ứng dụng hẹn hò hoặc nghiên cứu hồ sơ khách hàng của các sàn bất động sản để chọn “con mồi” tiềm năng rồi tìm cách tiếp cận.
Lộc nghiên cứu, tạo mọi tình huống, kịch bản như thể vô tình tiếp xúc rồi dần dụ “con mồi” sa bẫy tình với những lời ngon ngọt kèm những tấm hình lấp ló gây tò mò. Lộc có nguyên tắc kiểm tra độ chịu chi của đối phương, từ việc xin tiền mua trà sữa đến đẩy kịch tính lên cao trào khi gửi những tấm hình khêu gợi… để đối phương cho thêm tiền. Cú chốt hạ là yêu cầu “con mồi” chuyển khoản đặt cọc thì mới hẹn gặp trực tiếp. Khi tiền về tài khoản cũng là lúc Lộc biến mất khỏi cuộc đời “con mồi”, bắt đầu hành trình “săn mồi” mới.
Muôn kiểu lừa đảo từ sugar baby
Dưới vẻ chân phương của những dòng trạng thái kiểu như: “Em cần người chăm sóc, bao nuôi nhẹ nhàng, không ràng buộc”, ít ai ngờ đằng sau đó là những cái bẫy được thiết kế tinh vi, nhắm thẳng vào ví tiền và cảm xúc nạn nhân.
Theo ghi nhận từ một số nhóm hỗ trợ người bị lừa trên mạng, khoảng 90% các tài khoản tự nhận là sugar baby thực chất là giả mạo, mục tiêu duy nhất là lừa đảo tài chính.
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất là giả gái - giả yêu để trục lợi. Không ít đàn ông độc thân, ly hôn hoặc đơn giản là đang cảm thấy trống trải bị thu hút bởi những lời thì thầm ngọt ngào từ phía “các em baby ngoan ngoãn” chủ động nhắn tin làm quen, gọi video, gửi ảnh cá nhân hoặc bịa đặt hoàn cảnh đáng thương (cha mẹ mất sớm, không có người thân, cần tiền đóng học phí, cần tiền đóng viện phí cho em...).
 |
Cảnh báo lừa đảo từ những “nạn nhân” trên các hội nhóm sugar baby - Đồ họa: Hoàng Kim |
Sau khi tạo dựng được lòng tin, đối tượng bắt đầu đưa ra đề nghị giúp đỡ: ban đầu là vài trăm ngàn đồng mua sim, mua đồ ăn… rồi tăng dần lên vài triệu đồng để “gặp nhau”, “chứng minh tình cảm”, thậm chí đầu tư chung. Có trường hợp nạn nhân bị dụ chuyển tiền liên tục để “mở khóa app hẹn hò”, “nâng cấp tài khoản”, “đặt cọc giữ lịch hẹn” mà chưa một lần gặp mặt thực tế.
Tệ hại hơn, nhiều sugar baby ảo thực chất là gái mại dâm trá hình, đóng vai sinh viên hiền lành cần người bao nuôi học phí rồi gạ khách “qua đêm” với mức giá cao. Sau đó, họ chặn liên lạc, sử dụng các chiêu trò như ghi hình trái phép, tống tiền bằng video hoặc hình ảnh riêng tư.
Một biến tướng nguy hiểm khác là những sugar baby vốn không hoạt động mại dâm nhưng là nhân viên các nhà hàng, quán karaoke, quán bar cao cấp. Họ đóng vai trò mồi nhử, làm quen online với các “anh đại”, “trai ngoan” rồi chủ động hẹn hò. Địa điểm gặp gỡ luôn là quán bar sang trọng, nhà hàng cao cấp…
Nạn nhân trong cảm xúc háo hức, đôi khi cả trong men rượu và sự bối rối, không ngần ngại gọi món theo gợi ý của “baby”. Kết quả, sau 2 tiếng đồng hồ, hóa đơn lên tới vài chục triệu đồng cho buổi hẹn đầu, sau đó người đẹp... biến mất, chặn số điện thoại, biến nạn nhân thành “gà mờ trả tiền ngu”.
Không chỉ dừng lại ở tình - tiền, một số đối tượng sugar baby ảo còn lôi kéo nạn nhân chơi cá cược online, đầu tư tiền ảo, mượn danh tình cảm để tạo cảm giác tin tưởng tuyệt đối. Họ giới thiệu những “kèo thơm”, sàn giao dịch “uy tín”, thậm chí “cho thử” để thắng một vài lần đầu, khiến nạn nhân tin tưởng và rót tiền thật. Khi số tiền đủ lớn, toàn bộ app, tài khoản liên lạc đều biến mất.
Trong tất cả vụ việc, điểm chung là nạn nhân bị thao túng cảm xúc, đánh trúng vào những mong muốn sâu thẳm: được yêu thương, được tôn vinh, được quan tâm, được chia sẻ, nhưng đổi lại chỉ là cảm giác cay đắng, mất tiền mà không dám kêu ai.
Châu Minh
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi để bảo vệ bí mật đời tư nhân vật.
Tưởng mình là thợ săn, ai ngờ thành con mồi Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi tiếp cận anh C. - một người đàn ông độc thân gần 50 tuổi từng mất niềm tin vào tình yêu đến mức không nghĩ đến chuyện kết hôn. Vì nhu cầu sinh lý, anh vẫn lên mạng kiếm sugar baby và nhắm tới các sinh viên. “Cho đến khi đọc báo, thấy công an tóm gọn một ổ mại dâm online trá hình được điều hành bởi các tú ông, rồi các “bé đường” sinh viên thực ra là người chuyển giới; cảm giác vừa ghê sợ, vừa hoang mang, vừa thất vọng với bản thân… khiến tôi gần như trầm cảm. Tôi phải xin nghỉ phép 3 tháng, đi tới một nơi xa, tránh gặp người quen mới dần cân bằng được cảm xúc. Bây giờ, tôi vẫn chưa đủ tự tin để bắt đầu một mối quan hệ ngoài đời thực” - anh C. tâm sự.  | Các sugar baby thường nhắm và giăng bẫy các anh độc thân (Ảnh minh họa) |
Dấu hiệu nhận biết sugar baby ảo Sugar baby ảo thường tiếp cận bằng những lời chào duyên dáng, gây thiện cảm và sẵn sàng... “mở lòng” chỉ sau vài tin nhắn. Họ không ngần ngại gọi video (có thể dùng filter, deepfake, AI face), gửi ảnh riêng tư (sưu tầm hoặc chụp từ xa), chia sẻ hoàn cảnh thương tâm (gia đình khó khăn, mẹ bệnh, con nhỏ, chưa đóng học phí…) nhằm tạo lòng tin, khiến đối phương cảm thấy mình đặc biệt và... sắp được “yêu”. Ban đầu chỉ là “nhờ mua thẻ điện thoại”, “ứng trước tiền cà phê hẹn hò” hoặc “giữ chỗ phòng khách sạn”…, sau đó tăng dần thành mua điện thoại, quà sinh nhật, chuyển khoản để chứng minh sự nghiêm túc. Một số chiêu bài nâng cấp còn yêu cầu đăng ký ứng dụng để “hẹn hò an toàn” nhưng thực chất đó là các app lừa đảo lấy cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Một đặc điểm thường thấy của sugar baby ảo là ảnh đại diện đẹp không tì vết, nhan sắc thanh thuần cỡ diễn viên, người mẫu nhưng để ý sẽ thấy không có ảnh đời thường gắn với bạn bè, gia đình, sự kiện thực. Họ thường tránh né gọi video rõ mặt hoặc nếu có thì luôn chụp ở góc mờ, không tương tác âm thanh nhiều, tắt/mở nhanh chóng. Họ chỉ nói chuyện trong khung giờ cố định, thường từ 9g tối đến 12g đêm, không tương tác trong giờ hành chính. Sau khi làm quen, họ nhanh chóng đề cập vấn đề tiền bạc, gợi ý quà cáp, viện cớ khó khăn cá nhân và tạo áp lực cảm xúc kiểu dỗi hờn “Anh không thương em à?”. Họ không bao giờ hẹn ở địa điểm công cộng miễn phí, công khai mà luôn gợi ý gặp ở khách sạn, bar, nhà hàng cao cấp. Họ sử dụng app/chat riêng để tiếp tục trò chuyện nhằm né tránh việc bị báo cáo hoặc truy vết (Telegram, Signal...) |
Ý kiến:
Tình cảm mua bằng vật chất rất mong manh và gây tổn thương nặng nề
Trong suốt quá trình hoạt động tư vấn tâm lý, tôi gặp không ít trường hợp nam giới rơi vào bẫy tình - tiền với các đối tượng tự xưng là sugar baby. Đa phần họ đến với tâm lý bất ổn xen lẫn xấu hổ, tức giận và tự trách. Họ làm ở nhiều ngành nghề, có người ở vị trí cao trong xã hội, có điều kiện kinh tế. Có người mất vài triệu đồng, cũng có người mất cả trăm triệu đồng, nhưng điều đau đớn hơn là cảm giác tổn thương giá trị bản thân. Những người bị sugar baby ảo lừa tiền thường rơi vào 3 nhóm phổ biến:
- Người ly hôn, độc thân lâu năm, sống đơn độc, thiếu sự sẻ chia tình cảm.
- Người thành đạt, có địa vị nhưng không có thời gian hoặc không biết cách tiếp cận các mối quan hệ thực.
- Người tò mò, muốn thử cảm giác “được yêu - được chiều” nhưng thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Họ thường bị đánh trúng vào điểm yếu là cảm xúc cô đơn và niềm tin rằng mình vẫn còn hấp dẫn, vẫn xứng đáng được quan tâm. Đó là lý do họ có thể dễ dàng trả tiền để mua cảm giác đó nhằm khỏa lấp sự trống vắng dù chưa gặp sugar baby ngoài đời thực.
Tâm lý nam giới khi tìm đến nhà trị liệu thường không phải vì tiếc tiền mà vì không dám chia sẻ với ai, phải sống trong mặc cảm, hoang mang. Có người giấu cả gia đình, người thân, chỉ dám tìm đến chuyên gia như một kênh trút bỏ an toàn.
 |
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Hoàng Long - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tôi từng gặp một người đàn ông ngoài 40 tuổi, làm giám đốc. Anh ấy bị một sugar baby giả danh sinh viên dụ dỗ chuyển gần 100 triệu đồng qua nhiều đợt. Sau cùng, người kia chặn toàn bộ liên lạc. Ngoài mất tiền, anh còn hoang mang, mất niềm tin vào bản thân - không nghĩ người từng trải như mình lại bị dẫn dụ dễ dàng đến vậy.
Tôi cũng từng tiếp nhận một số bạn nữ từng hoạt động như sugar baby tìm đến trị liệu vì rơi vào trạng thái khủng hoảng sau một thời gian “sống 2 mặt”, sợ bị phát hiện, sợ bị sugar daddy tống tiền bằng ảnh nóng. Rất nhiều bạn trẻ tìm đến sugar daddy vì tiền nhưng không hình dung được hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự bình yên nội tâm.
Do vậy, tôi hy vọng những câu chuyện trên sẽ là lời cảnh tỉnh gửi đến những ai có ý định dấn thân vào mối quan hệ kiểu sugar baby - sugar daddy. Mối quan hệ kiểu này thường không bắt đầu từ tình cảm chân thành. Khi tình cảm gắn chặt với lợi ích vật chất, mọi thứ trở nên mong manh, dễ vỡ và gây tổn thương nặng nề cho tất cả. Thứ bạn đánh đổi, ngoài tiền tài, còn có cả lòng tự trọng, sự tự do, sự an toàn. Cần tỉnh táo để nhìn thấy những hậu quả mình sẽ phải gánh chịu.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Hoàng Long
(Trung tâm Tâm lý và Phát triển con người NHC Việt Nam)
Nguy cơ phạm tội hình sự
Theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nếu một người sử dụng thủ đoạn gian dối (giả danh nữ giới, giả làm sugar baby, hứa hẹn mối quan hệ tình cảm đổi lấy trợ cấp tài chính…) để người khác chuyển tiền cho mình, hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức xử phạt tùy theo giá trị tài sản bị chiếm đoạt:
- Dưới 2 triệu đồng: bị xử lý hình sự nếu có tình tiết tăng nặng (tái phạm, dùng thủ đoạn chuyên nghiệp...).
- Từ 2 triệu đồng trở lên: có thể bị truy cứu hình sự với mức phạt từ 6 tháng đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân, tùy mức độ.
 |
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Bá Tùng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Xử lý hành chính hành vi vi phạm “giả mạo thông tin cá nhân - hành vi vi phạm pháp luật công nghệ thông tin”: Nếu hành vi giả danh được thực hiện qua mạng xã hội, dùng ảnh người khác để giả làm sugar baby có thể còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng cho hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân khác trên mạng (quy định tại điều 99, điều 100 của nghị định).
Sau khi phát hiện mình bị lừa gạt, người chuyển tiền có quyền:
- Tố cáo hành vi đến công an nơi người nhận tiền cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi lừa đảo.
- Yêu cầu bồi thường dân sự trong vụ án hình sự hoặc khởi kiện tại tòa dân sự.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển tiền không có giấy tờ, biên nhận hoặc chuyển với mục đích “hỗ trợ tình cảm” thường khiến việc chứng minh gian dối rất khó nên khả năng đòi lại tiền là rất thấp, nếu không có đủ chứng cứ rõ ràng.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Bá Tùng
(Hội Luật gia TPHCM)
Châu Mỹ (ghi)