Chọn trường, chọn nghề trong bối cảnh sắp xếp bộ máy và AI lên ngôi

09/07/2025 - 07:00

PNO - Từ ngày 16/7, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học năm 2025. Chọn trường, chọn ngành nghề như thế nào trong bối cảnh sắp xếp lại địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy công quyền, cùng với sự tác động sâu sắc của trí tuệ nhân tạo (AI) vào mọi mặt của đời sống?

Nhu cầu nhân lực đang thay đổi

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM - nhận định: “Dưới tác động của AI và việc sắp xếp địa giới hành chính, những ngành nghề có tính thủ công, những công việc có tính lặp đi lặp lại cao sẽ giảm nhu cầu về nhân lực”.

Theo ông, những công việc thủ công trong lĩnh vực nông nghiệp như thu hoạch nông sản, kiểm tra sâu bệnh, làm kế toán giản đơn trong hợp tác xã… sẽ dần biến mất, nên nhu cầu tuyển dụng sẽ giảm đáng kể. Những việc này sẽ được số hóa, hiện đại hóa bằng AI và các thiết bị thông minh. Đồng thời, việc sáp nhập các địa phương, tinh gọn bộ máy cũng làm giảm số công chức, viên chức cần tuyển mới. Ngược lại, những ngành nghề tích hợp công nghệ, quản trị hiện đại, hướng đến sự phát triển xanh, bền vững sẽ có nhu cầu tuyển cao, như ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm thông minh, kinh tế số trong nông nghiệp, quản lý đất đai, quản lý môi trường, phân tích dữ liệu nông nghiệp…

Sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM thực hành với hệ thống điều khiển dây chuyền phân loại sản phẩm - ẢNH: T.T.
Sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM thực hành với hệ thống điều khiển dây chuyền phân loại sản phẩm - Ảnh: T.T.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường đại học Công Thương TPHCM - đánh giá, các ngành nghề thiên về lao động chân tay sẽ do AI đảm nhận nên nhu cầu tuyển nhân sự sẽ giảm, như công nhân may, lắp ráp linh kiện, kế toán giản đơn, quản lý kho bãi, thu ngân, tiếp tân… bởi robot, phần mềm, AI sẽ tối ưu hóa quy trình, năng suất thay cho con người.

Ông dự đoán, ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là quản lý dự án công nghệ thông tin. Các chuyên gia quản lý dự án sẽ tổ chức, giám sát các dự án triển khai hệ thống AI, cơ sở dữ liệu chuỗi khối (blockchain) hay dự án tự động hóa trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rất cần chiến lược sáng tạo để tiếp cận khách hàng trong thời đại số, nên sẽ cần tuyển nhiều chuyên gia marketing. AI sẽ hỗ trợ họ phân tích dữ liệu, nhưng họ vẫn cần phải đưa ra những quyết định chiến lược, sáng tạo để thu hút khách hàng.

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường đại học Công nghiệp  TPHCM học tập trong mô hình nhà máy sản xuất thông minh E-Factory 4.0 - ẢNH: T.T.
Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường đại học Công nghiệp TPHCM học tập trong mô hình nhà máy sản xuất thông minh E-Factory 4.0 - Ảnh: T.T.

Theo ông, trong tương lai gần, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các ngành công nghệ cũng là vị trí có nhu cầu tuyển cao. Các doanh nghiệp sẽ không ngừng tìm cách đổi mới và phát triển sản phẩm nên sẽ cần tuyển đông lập trình viên, kỹ sư bảo mật mạng, kỹ sư phát triển sản phẩm trong các lĩnh vực như AI, tự động hóa, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), công nghệ sinh học. Đặc biệt, ngành y tế - cụ thể là dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng công nghệ cao - sẽ phát triển. Các chuyên gia trong lĩnh vực y học chính xác sẽ sử dụng AI để phân tích dữ liệu di truyền và tạo ra các phương pháp điều trị được cá nhân hóa; sẽ xuất hiện nhiều công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa với sự trợ giúp của AI và công nghệ di động.

Chọn ngành nghề dựa vào 3 yếu tố

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, rất khó để khuyên thí sinh nên chọn học ngành này, không học ngành kia bởi điều gì cũng có 2 mặt. Nhưng thí sinh cần nắm nguyên tắc “cái gì lặp đi lặp lại, không đòi hỏi nhiều về sự sáng tạo sẽ có khả năng bị thay thế”.

Theo ông, hiện nay, các trường đại học biết AI làm được những gì và đào tạo cho sinh viên cách để thích nghi. Một trong những điều quan trọng nhất đối với sinh viên là có việc làm sau khi ra trường. Nhu cầu tuyển dụng luôn thay đổi, nên cách đào tạo tốt nhất là giúp sinh viên có nền tảng tốt nhất và bắt kịp sự thay đổi. Cái khó nhất là các bạn phải biết mình thích điều gì và có sự đầu tư rõ ràng. Riêng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn đang xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng nhân văn số, giúp sinh viên học ngành xã hội ứng dụng tốt về công nghệ.

Ông Phạm Tấn Hạ nhận định, việc sáp nhập tỉnh, thành và sắp xếp lại bộ máy hành chính sẽ làm thay đổi nhu cầu tuyển dụng, ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề đào tạo. Do đó, nhà trường sẽ đào tạo kiến thức không chỉ về một lĩnh vực mà mở rộng ra, tức là kiến thức phải xuyên ngành, thích nghi được với sự thay đổi. “Với các ngành đào tạo để ra làm cho cơ quan công quyền, sau khi sáp nhập tỉnh, nhu cầu tuyển dụng có thể giảm gần một nửa nhưng nếu sinh viên biết cách thích nghi, biết tự học thì vẫn sẽ thành công. Chẳng hạn, sinh viên học báo chí có thể làm truyền thông doanh nghiệp” - ông nói.

Theo ông Trần Đình Lý, để chọn được ngành nghề phù hợp, bảo đảm 4 năm sau ra trường vẫn có việc làm, các thí sinh nên căn cứ vào 3 yếu tố: chọn ngành phù hợp với tố chất và sở thích; đọc kỹ báo cáo nhân lực, cập nhật xu hướng mới để nắm xu hướng của thị trường lao động, tránh chọn ngành theo trào lưu nhất thời; chọn ngành có nền tảng rộng, có thể học lên hoặc chuyển đổi linh hoạt sau này dựa vào khả năng thích nghi và tự học suốt đời. Đặc biệt, thí sinh nên tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, sự kết nối nhà trường với doanh nghiệp, cơ hội thực hành trong quá trình học.

Ông khuyên, để không bị AI hoặc các công cụ số thay thế, trong quá trình học tập, sinh viên cần rèn luyện và phát triển tư duy phản biện, sáng tạo; rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề một cách liên ngành, như kết nối kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, môi trường; trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị bản thân; học ngoại ngữ và công nghệ thông tin cơ bản để không bị tụt hậu trong môi trường học tập và làm việc toàn cầu. Sinh viên cần có thái độ cầu thị, có khả năng tự học và học tập suốt đời để luôn thích nghi trong môi trường luôn biến động. “Chọn ngành học chỉ là điểm bắt đầu. Cách học và thái độ của bạn mới quyết định bạn có thành công hay không” - ông khẳng định.

Trang Thư - Quế Minh

Những ngành công nghệ then chốt sẽ cần nhiều nhân lực

Các ngành nghề liên quan đến xây dựng sẽ có khả năng phát triển bởi cả nước đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (nhất là đường cao tốc, đường sắt đô thị), công trình công cộng, nhà ở xã hội… Tuy nhiên, làm trong lĩnh vực này khá vất vả nên chưa được nhiều sinh viên lựa chọn.

Với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong giai đoạn tới, những ngành công nghệ kỹ thuật then chốt như công nghệ thông tin, cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ sinh học, hóa học… sẽ được ưu tiên phát triển và có nhu cầu lớn về nguồn lao động. Đặc biệt, với yêu cầu chuyển đổi số, hành chính điện tử, sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin hoặc giỏi về công nghệ thông tin có thể tham gia làm việc ở cơ quan công quyền. Với sự phát triển của AI, lĩnh vực nào cũng bị tác động. Do đó, người học phải vận dụng nó để phục vụ cho ngành nghề của mình.

Chọn ngành phù hợp là việc không dễ dàng. Hiện nay, học sinh có xu hướng học môn xã hội nhiều hơn. Một số em ở bậc THCS học đều các môn nhưng vào lớp Mười thì chọn học các môn xã hội do thấy các môn tự nhiên quá “nặng”. Khi đã không học thì các em xác định là bản thân không phù hợp với những khối ngành liên quan. Do đó, ngành GD-ĐT nên có chính sách khuyến khích học sinh chọn học khối ngành khoa học, công nghệ.
Trong sự thành công, phần năng khiếu, thiên bẩm chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, phần còn lại là do đào tạo và rèn luyện. Bậc THPT là nền tảng, còn bậc đại học rèn luyện sâu, chỉ cần quyết tâm học, không ngại cực thì sẽ thành công. Việt Nam là nước đang phát triển nên cần nguồn lao động có chất lượng, mà muốn có chất lượng thì phải khổ luyện.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Công nghiệp TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI