TPHCM: Thất nghiệp giảm mạnh, người lao động chủ động học nghề

10/07/2025 - 16:46

PNO - Trong 6 tháng đầu năm 2025, TPHCM ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn 20%, người lao động ngày càng quan tâm học nghề, chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm.

Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 10/7, bà Nguyễn Ngọc Hằng – Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM – cho biết, thị trường lao động TPHCM đang cho thấy nhiều chuyển biến tích cực, ổn định hơn sau sáp nhập và tái cơ cấu hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường lao động tại TP.HCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, người lao động chủ động học nghề, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh - Ảnh: Thanh Tâm
Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường lao động tại TPHCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, người lao động chủ động học nghề, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh - Ảnh: Thanh Tâm

Trong nửa đầu năm 2025, TPHCM có 96.795 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 20,65% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương giảm hơn 25.000 người). Đáng chú ý, lao động nữ chiếm 53,3% tổng số người hưởng trợ cấp.

Bên cạnh đó, có 3.523 người được hỗ trợ đào tạo nghề tăng 5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy người lao động ngày càng có xu hướng chủ động nâng cao kỹ năng, thích ứng với nhu cầu tuyển dụng và nâng cao giá trị nghề nghiệp bản thân.

Việc giảm số lượng hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và tăng lượng người đăng ký học nghề phản ánh rõ nét định hướng chuyển từ hỗ trợ ngắn hạn sang tạo cơ hội phát triển dài hạn cho người lao động.

Tại 3 khu vực TPHCM (cũ), Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu tuyển dụng trong 6 tháng qua tập trung ở các ngành như: bán hàng, marketing, may mặc, giày da, gỗ, cơ khí, lắp ráp điện tử.

Theo các Trung tâm Dịch vụ việc làm, quý III/2025, thị trường dự kiến cần khoảng 85.000 – 90.000 lao động. Trong đó, khoảng 58% là lao động phổ thông, chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, lắp ráp đơn giản. Dù nguồn lao động dồi dào hơn sau sáp nhập, nhưng việc thay đổi địa lý hành chính cũng tạo ra những thách thức về lệch pha kỹ năng – nhu cầu doanh nghiệp, cũng như tạm thời gây mất cân đối cung cầu ở một số ngành nghề.

Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, tập trung tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và cụm phường, xã, đặc khu – đặc biệt dành cho sinh viên mới ra trường, lao động bị ảnh hưởng sau sắp xếp bộ máy. Thành phố cũng mở rộng liên kết với doanh nghiệp FDI, các địa phương và chương trình đưa lao động ra nước ngoài để tăng cơ hội việc làm.

Riêng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, TPHCM đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ về nhà ở xã hội. Theo đó, thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách thiết thực như hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, tạo điều kiện học nghề mới; kết nối giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn để khởi nghiệp hoặc ổn định việc làm; đồng thời xem xét hỗ trợ mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, góp phần ổn định đời sống cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI