Cảm ơn mẹ đã rạch ròi

07/07/2025 - 06:00

PNO - Loan từng buồn mẹ, từng trăn trở không hiểu vì sao mẹ lại quá lạnh lùng, rạch ròi với con gái ruột trong những lúc cô cần mẹ nhất.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Người ta thường nói “cháu bà nội, tội bà ngoại” hàm ý khi đứa trẻ được sinh ra, bà ngoại là người vất vả hơn cả. Bà sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để chăm sóc từ con gái mới sinh đến đứa cháu nhỏ vừa chào đời, thậm chí cho tới khi cháu trưởng thành. Nhưng bà Nga - mẹ Loan - lại khác. Vì bà có 2 cô con gái, hàng xóm hay chọc bà mai kia tha hồ chăm cháu ngoại. Bà chỉ cười mà không trả lời.

Ngày chị em Loan lấy chồng, bà Nga tuyên bố: “Nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng, bây giờ xem như ba mẹ đã làm tròn trách nhiệm. Sau này, con đứa nào, đứa ấy nuôi; đừng trông chờ, ỷ lại vào mẹ”.

Nghe câu nói xanh rờn của mẹ, Loan hơi hoang mang nhưng nghĩ: Chắc mẹ nói cứng vậy thôi, có bà ngoại nào lại không thương cháu.

Mới cấn bầu, ăn uống khó khăn, thức ăn ở nhà chồng không hợp nên Loan ỉ ôi với chồng, xin về nhà mẹ đẻ. Má chồng có vẻ không vui nhưng cũng bằng lòng. Loan soạn một vali quần áo to, lên taxi về nhà. Mẹ đón con gái, nấu cho bữa cơm ngon, chúc mừng vợ chồng con có tin vui. Nghe Loan thông báo dọn về nhà ở, mẹ nghiêm mặt: “Con là con chung, sao con lại lấy mất quyền được chăm sóc của chồng và nhà chồng từ lúc đứa nhỏ còn trong bụng mẹ? Vợ chồng đỡ đần cho nhau lúc này, tình cảm mới thêm gắn bó. Nghe mẹ, về bên ấy với chồng, thèm món gì mẹ nấu gửi qua”.

Lần đó, Loan trở về nhà chồng mà buồn mẹ vô cùng, thầm trách sao mẹ không thương con, thương cháu.

9 tháng mang bầu không có mẹ ruột ở bên nhưng Loan có mẹ chồng, em chồng và chồng hết lòng chăm sóc, đỡ đần từ việc lớn đến việc nhỏ. Biết con dâu chưa hợp khẩu vị nhà mình, mẹ chồng bật đèn xanh cho cô em chồng lên app đặt món ngon cho chị dâu. Chồng Loan thì nhận nhiệm vụ mỗi tối, hễ vợ bỗng nhiên thèm món gì thì phải tìm mua bằng được. Hôm nào Loan khỏe, vợ chồng chở nhau đi ăn, hôm nào mệt thì chỉ cần nằm nhà xem phim, chồng mua mang về tận giường. Cô cảm thấy mình trở nên gắn bó với nhà chồng hơn.

Ngày Loan sinh con, bà Nga vào bệnh viện từ rất sớm nhưng ý tứ để cho mẹ chồng Loan là người đầu tiên bế cháu, đặt tên cho cháu. Từ việc nấu ăn, tắm rửa cho cháu, bà cũng để nhà nội chủ động, chỉ tiếp sức hỗ trợ những gì nhà chồng chưa làm. Quan hệ giữa 2 bà sui rất vui vẻ, tôn trọng nhau và cùng lo cho con, cháu.

Những khó khăn ngày đầu làm mẹ - tập cho con ti mẹ, con sốt khi mọc răng, con nôn trớ khi bú quá no, con khóc đêm, con không chịu hợp tác với bình sữa… - khiến Loan bối rối.

Bạn Loan hiến kế: “Sao không rước bà ngoại qua, tất cả xong trong 1 nốt nhạc”. Vậy nhưng Loan hiểu mẹ sẵn sàng bày hết kinh nghiệm cho cô nhưng sẽ không làm thay cô. “Con làm mẹ, con phải có trách nhiệm với con mình, gia đình mình. Mẹ không thể làm thay con tất cả. Nếu mẹ làm thay, khi không còn mẹ, con sẽ rất lúng túng” - bà Nga nói.

Nhờ có người mẹ “lạnh lùng”, Loan nhanh chóng học được cách làm một người mẹ tốt. Đến khi sinh đứa thứ hai, cô có thể tự xoay xở hầu hết mọi việc nhờ kinh nghiệm tích lũy từ đứa đầu. Tính tháo vát, vén khéo cũng giúp Loan rất nhiều khi vợ chồng cô ra riêng. Lòng cô thầm cảm ơn sự rạch ròi và nghiêm khắc của mẹ đã giúp cô sớm trưởng thành.

Thanh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI