Tuyển sinh đại học 2025: Cách đặt nguyện vọng dễ đậu

09/07/2025 - 06:02

PNO - Theo kế hoạch, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được công bố vào ngày 16/7. Từ ngày này đến ngày 28/7, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Số lượng nguyện vọng và số lần điều chỉnh là không giới hạn, nhưng nếu chủ quan, thí sinh có thể đánh mất cơ hội học ngành yêu thích.

Đặt nguyện vọng theo 3 tầng

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM - nhận định, học sinh sẽ có 2 khuynh hướng lựa chọn: chọn trường yêu thích trước rồi mới lựa chọn ngành của trường đó, hoặc chọn ngành yêu thích trước, sau đó chọn trường xét tuyển sau. Dù theo khuynh hướng nào, thí sinh nên chia thành 3 nhóm khác nhau.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TPHCM - ẢNH: TRANG THƯ
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TPHCM - ẢNH: TRANG THƯ

Nhóm đầu hơi “phiêu lưu”, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm thi nhưng là những ngành, trường các em yêu thích nhất. “Nếu không đậu thì hệ thống tự động chuyển qua những nguyện vọng kế tiếp, các em có thêm cơ hội mà không mất gì. Rất nhiều thí sinh vì đắn đo, lo ngại nên không dám đặt vào ngành tốp trên. Khi công bố điểm chuẩn mới tiếc vì mình đủ điểm. Cũng có trường hợp điểm chuẩn giảm đến 2-3 điểm. Do đó, các em cứ mạnh dạn đăng ký và đưa lên đầu tiên” - ông nói.

Nhóm thứ hai “hơi chắc tay”. Tức những ngành có khả năng đậu so với điểm chuẩn năm trước, hoặc khoảng cách điểm chuẩn năm trước cao hoặc thấp hơn 1-2 điểm so với điểm của mình. Lưu ý, các em vẫn đặt ngành mình yêu thích lên đầu.

Nhóm thứ ba “chắc đậu”. Những năm trước, các trường được xét tuyển sớm thì thí sinh lấy ngành đã trúng tuyển làm nhóm nguyện vọng này. Năm nay, các trường không còn xét tuyển sớm nên thí sinh phải lựa chọn cẩn trọng hơn để “chắc đậu”. Bằng cách so điểm của mình với điểm chuẩn năm trước, dư ra 2-3 điểm và thêm một “tầng” nguyện vọng bên dưới dư trên 4 điểm.

“Các em có thể viết các nguyện vọng của mình theo 3 tầng, sau đó suy đi tính lại nhiều lần, xem mình thật sự yêu thích ngành gì, nhu cầu việc làm ra sao, có nên chọn ngành khác, trường khác phù hợp hơn. Chỉ chọn đăng ký những ngành mà mình có thể theo học, không chọn đại vì nếu đậu mà không thích sẽ là gánh nặng rất lớn cho 4 năm sắp tới” - ông Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú - Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM - nhận định: thí sinh chỉ nên đăng ký từ 5-10 nguyện vọng có chọn lọc. Theo đó, nguyện vọng 1, 2 sẽ dành cho những ngành học mình yêu thích nhất, dù điểm chuẩn hằng năm có thể sẽ cao. Từ nguyện vọng 3-5 là những ngành phù hợp với năng lực, có điểm chuẩn dao động quanh mức điểm dự kiến của bản thân - đây là nhóm nguyện vọng mang tính an toàn. Những nguyện vọng cuối cùng sẽ gần với sở thích hoặc có khả năng cao trúng tuyển. Việc đăng ký quá nhiều dễ dẫn đến việc thiếu tập trung về tính khả thi của từng nguyện vọng, gây rối quá trình sắp xếp nguyện vọng ưu tiên.

Chú ý quy định riêng

Việc Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mang lại lợi thế lớn cho thí sinh. Tuy nhiên, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú cho rằng, lựa chọn phù hợp mới là yếu tố quyết định khả năng trúng tuyển. Thí sinh nên theo dõi sát thông tin từ các trường để có chiến lược cụ thể. Bao gồm: điểm chuẩn các năm trước; chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của từng ngành, từng trường; kết quả tuyển sinh của các ngành, trường trong 1-2 năm gần đây.

Bà khuyên: “Thí sinh có thể hỏi thêm thông tin từ thầy cô tư vấn, cựu sinh viên, sinh viên đang học, hoặc chuyên gia hướng nghiệp, đơn vị tuyển dụng. Nhưng quan trọng nhất, các em nên dựa trên thông tin đã kiểm chứng từ website chính thức của các trường đại học, Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và tránh bị ảnh hưởng bởi tin đồn thiếu cơ sở”.

Ông Trần Lê Trọng Phúc - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Mở TPHCM - khuyến cáo, ngoài việc quan tâm đến các trường tốp đầu, thí sinh nên tìm hiểu kỹ chất lượng đào tạo, các hoạt động hỗ trợ sinh viên… và điều kiện, năng lực cá nhân để lựa chọn trường. Muốn tăng cơ hội ở các trường có mức cạnh tranh cao, thí sinh cần hiểu rõ các quy định, phương thức tuyển sinh, đặc biệt là các quy định về điểm thưởng, điểm cộng, ưu tiên trong xét tuyển. Cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, vì điểm của các thí sinh khớp với ngành nào thì sẽ trúng tuyển ngành đó, các nguyện vọng sau coi như bị “khóa”.

Trong quá trình đặt nguyện vọng, thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TPHCM - lưu ý, thí sinh cần đưa tất cả phương thức mình có, từ điểm học bạ, điểm các kỳ thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT… lên hệ thống. Kể cả những thí sinh đã được xét tuyển thẳng vẫn phải đăng ký. Bởi năm nay, thí sinh chỉ việc đưa ra các phương thức xét tuyển, hệ thống sẽ tự động “khớp” phương thức theo từng nguyện vọng. Nguyện vọng nào đủ điều kiện sẽ được “chốt”. Đối với phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp khác nhau.

“Ngoài xét tuyển chung trên hệ thống, mỗi ngành ở các trường đại học còn yêu cầu một số điều kiện khác. Thí sinh cần nộp minh chứng theo yêu cầu của từng trường. Do vậy, khi đăng ký vào trường nào, cần xem thêm điều kiện tuyển sinh của trường đó để bổ sung hồ sơ, nếu có. Nhiều trường cũng thực hiện xét tuyển ưu tiên, cộng điểm theo các quy định riêng. Ví dụ cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển ưu tiên dành cho học sinh của một số trường THPT. Các em chú ý để không bị thiệt thòi” - ông gợi ý thêm.

Tránh những lỗi sai thường gặp

Ông Trần Lê Trọng Phúc thông tin, một trong những lỗi thí sinh thường mắc phải ở các năm trước là đặt nguyện vọng có điểm chuẩn cao lên trước mà không suy xét đến các yếu tố khác, với suy nghĩ sẽ được lựa chọn nguyện vọng sau khi có kết quả. Trên thực tế, thí sinh chỉ có tên trúng tuyển ở 1 nguyện vọng duy nhất và là cao nhất mà mình đủ điều kiện. Sau khi có kết quả, các em không thể thay đổi nguyện vọng.

Một số bạn chỉ đăng ký vào ngành, trường có mức cạnh tranh cao, không có phương án dự phòng, dẫn đến rớt toàn bộ. Một số khác lại chạy theo trào lưu, chọn ngành “hot” mà không thật sự yêu thích. Dẫn đến trong quá trình học tập dễ nản, không theo được chương trình học lâu dài. Ngoài ra, những sai sót về mặt kỹ thuật như: nhập sai mã trường, tên ngành, hoặc quên nhấn nút “Xác nhận cuối cùng”… cũng là lý do khiến nhiều bạn không được ghi nhận nguyện vọng.

Ông Bùi Hoài Thắng cũng nhắc thí sinh rằng hệ thống tuyển sinh sẽ xét điểm thi từ trên xuống dưới. Điểm trúng tuyển vào cùng 1 ngành của 1 trường sẽ không phân biệt giữa các nguyện vọng. Tuy nhiên, trong trường hợp hy hữu, cùng 1 ngành của 1 trường, ở nhóm thí sinh cuối cùng có thể có một số em bằng điểm nhau, khi đó các trường có thể xét đến số thứ tự nguyện vọng hoặc có thêm các tiêu chí khác. Tỉ lệ này thường rất thấp, song thí sinh có thể cân nhắc thêm khi sắp xếp thứ tự nguyện vọng.

Nguyễn Loan - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI