Từ vụ bé gái 3 tháng tuổi bị người thân xâm hại: Làm sao giúp trẻ vượt qua nỗi đau?

02/07/2025 - 19:01

PNO - Khi một đứa trẻ bị xâm hại, nỗi đau sẽ kéo dài và âm ỉ, nằm ở một nơi sâu thẳm tận cùng: tâm hồn và tuổi thơ bị đánh cắp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những cuộc gặp gỡ với nhân vật của mình, tôi nhiều lần tiếp xúc với những đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Hoàn toàn không dễ để tiếp cận, vì các con có chung tâm lý là sợ hãi người lạ, không muốn nhắc đến câu chuyện đau lòng, tránh ánh mắt dò xét xung quanh... Thậm chí, nếu ta cố tiến lại gần, có bé sẽ bỏ chạy vào một góc an toàn và đóng sầm cửa lại.

Nhưng không phải tất cả những đứa trẻ bị xâm hại đều tuyệt vọng. Một cô bé 9 tuổi bị xâm hại tình dục mà tôi từng tiếp xúc, lại may mắn hơn ở chỗ: Trong khi con còn sợ hãi hoảng loạn, thì những người xung quanh con, từ gia đình, hàng xóm, bạn bè, thầy cô... đều thỏa thuận với nhau là sẽ không nhắc đến câu chuyện đau lòng đó nữa.

Không một ai bàn tán hay ném ánh mắt thương hại, tò mò vào con. Khi con vắng mặt, thầy cô nhắc cả lớp phải đối xử với bạn bình thường, không xem bạn là nạn nhân hay buộc bạn phải mạnh mẽ vượt qua. Tập thể đã lặng lẽ đưa bạn quay lại với cuộc sống, qua những phong trào trường lớp, những buổi văn nghệ, những cuộc thi nhỏ, những công việc chung của nhóm...

Lúc đầu, bé gái còn rụt rè, không tương tác với ai. Nhưng rồi thời gian, cộng đồng, và sự kiên nhẫn đã làm nên điều kỳ diệu: cô bé bị tổn thương từ thể xác tới tâm hồn năm nào giờ đây đã trở thành một tình nguyện viên năng nổ, một học sinh giỏi toàn diện, một gương mặt quen thuộc trong mọi hoạt động của xã.

Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - từng nói: “Trẻ em bị xâm hại cần một không gian an toàn để được là chính mình. Phản ứng quan trọng nhất từ người lớn là không phủ nhận cảm xúc của trẻ, không tỏ ra hoảng loạn hoặc trách móc”.

Ở nhà trường, điều đầu tiên cần làm không phải là xây dựng một hàng rào bảo vệ, mà là tạo một môi trường không định kiến, không thương hại, động viên sáo rỗng, hay tách rời con khỏi tập thể. Đứa trẻ cần được tham gia vào những hoạt động đời thường một cách tự nhiên nhất, để con thấy mình cũng là một phần của tập thể như bao bạn bè khác.

Để giáo dục giới tính ở trường học, đôi khi chỉ cần một bài học về ranh giới tiếp xúc, một góc thư viện có những đầu sách tâm lý nhẹ nhàng, một giáo viên chủ nhiệm đủ tinh tế để quan sát và tạo cơ hội... cũng là những cánh cửa mở ra cho đứa trẻ đi tiếp.

Xã hội thường chia sẻ rất nhanh những tin tức xâm hại như một cú sốc giật gân, rồi… quên đi ngay sau đó. Nhưng với một đứa trẻ, sự lan truyền ấy có thể trở thành cơn ác mộng lặp đi lặp lại đến suốt đời.

Nhiều chuyên gia quốc tế, như Tiến sĩ Karen Van Horn - cố vấn cấp cao của Trung tâm phục hồi chấn thương trẻ em Hoa Kỳ - từng khuyến nghị: “Cách cộng đồng phản ứng sau một vụ xâm hại sẽ quyết định khả năng hồi phục của đứa trẻ”.

Một ví dụ nổi bật thường được đưa ra là mô hình Child Advocacy Center (CAC) tại Mỹ - nơi trẻ em bị xâm hại được tiếp cận hỗ trợ theo cách nhân văn nhất (thay vì phải đi qua nhiều cơ quan như công an, viện kiểm sát, bác sĩ, nhân viên xã hội, chuyên gia tâm lý…, các em chỉ cần đến một trung tâm duy nhất).

Tại đó, mọi hỗ trợ được triển khai xoay quanh nhu cầu của đứa trẻ: có phòng phỏng vấn thân thiện, nơi lời khai được ghi lại đúng một lần để tránh khơi lại nỗi đau cũ; có bác sĩ nhi và bác sĩ tâm lý phối hợp song song; có nhân viên xã hội đồng hành cùng gia đình; và có cả người theo dõi pháp lý suốt tiến trình tố tụng. Đây là cách mà một xã hội văn minh bảo vệ những đứa trẻ không chỉ bằng luật, mà cả hệ thống được thiết kế để đặt sự chữa lành lên hàng đầu.

Ở Việt Nam, nhiều tổ chức xã hội và chuyên gia vẫn đang nỗ lực xây dựng những không gian tương tự, như phòng tư vấn học đường, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, mô hình “trường học hạnh phúc”... Đó là lúc mỗi người lớn phải tự hỏi mình: Tôi có đang nói những câu chuyện em không muốn nghe? Tôi có thật sự giúp em trở lại, hay vô tình giam giữ em trong nỗi tổn thương dai dẳng?

Những đứa trẻ từng bị xâm hại không cần phải trở thành anh hùng để vượt qua nỗi đau, như một cách chiến thắng số phận. Các con chỉ cần một nơi để được là chính mình, trong tình yêu vô điều kiện, và thời gian sẽ là liều thuốc chữa lành tốt nhất.

Nếu chúng ta làm được điều đó, thì mỗi đứa trẻ - dù từng bị tổn thương đến đâu - cũng có thể bước ra thế giới bằng đôi chân vững vàng. Bởi con biết một điều quan trọng nhất: con sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình trong tuyệt vọng.

Trà Nguyên An (TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI