Diễn đàn "Ý kiến GEN Z" - Không gian để sẻ chia

Gen Z không “khó hiểu” như mọi người nghĩ

09/07/2025 - 13:25

PNO - Tôi là một người trẻ thuộc gen Z, thế hệ mà nhiều người hay gọi là “sinh ra đã có internet”, “cầm điện thoại còn sớm hơn cầm bút”.

Chúng tôi lớn lên giữa hàng loạt những thay đổi chóng mặt của công nghệ, của mạng xã hội, và cả cách con người kết nối với nhau. Nhiều lúc tôi tự hỏi: có phải vì vậy mà người lớn thấy chúng tôi “khó hiểu”?

Cha mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn thường bảo nhau: “Tụi nhỏ giờ sống khép kín, chẳng chịu tâm sự gì với ai”. Có lẽ vì họ ít khi thấy tôi ngồi trò chuyện cùng gia đình, cũng không gọi điện thoại trò chuyện FaceTime như người lớn vẫn làm. Đi học về nếu không ở lì trong phòng học bài, dùng máy tính... thì sẽ ra ngoài đi học thêm, học năng khiếu... Thời gian chạm mặt nhau trong một ngày chỉ có tại bàn ăn, nhưng rồi cũng chẳng ai nói vói ai được gì nhiều. Nhưng thật ra, tôi vẫn đang sẻ chia mỗi ngày. Chỉ là, cách tôi chia sẻ khác với thế hệ của cha mẹ, của những người lớn, thế hệ trước chúng tôi.

đôi khi, một biểu tượng emoji mặt cười trong tin nhắn cũng là  mọt  cách thể  hiện  cảm xúc của Gen Z. Ảnh  minh  hoạ
Một biểu tượng emoji cũng là cách thể hiện cảm xúc của gen Z - Ảnh minh hoạ

Với tôi, một story trên Instagram, một tấm ảnh trên Locket với dòng chữ vỏn vẹn “Hôm nay mệt quá…” là đủ để vài người bạn thân hiểu rằng tôi đang cần một vòng tay, hay ít nhất là một lời hỏi han động viên vỗ về. Một bài viết dài tôi đăng ẩn danh trong một hội nhóm kín trên mạng có thể là nơi tôi trút hết mọi lo lắng về tương lai, về những bấp bênh mà ngoài đời mà bản thân mình chẳng biết giãi bày với ai. Và đôi khi, một biểu tượng emoji mặt cười trong tin nhắn cũng có thể là lớp vỏ nhẹ tênh che đi những ngày tôi đang thấy mình nhỏ bé và lạc lõng.

Cách chúng tôi thể hiện cảm xúc nhanh, gọn, trực tiếp, đôi khi là bằng hình ảnh hay video thay vì ngôn từ truyền thống. Điều này có thể khiến nhiều người đặc biệt là thế hệ đi trước, cảm thấy lạ lẫm, cảm thấy không tìm được điểm chung... Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi vô tâm hay sống hời hợt. Chúng tôi chỉ đang chọn cách phù hợp nhất với mình, trong một thế giới mà thông tin và cảm xúc được tính bằng giây bằng phút.

Thật lòng, tôi không mong mọi người phải hiểu hết “ngôn ngữ” của gen Z. Chỉ mong rằng, sự khác biệt ấy không bị coi là dị biệt hay lệch chuẩn. Chúng tôi không muốn tách biệt khỏi thế giới. Ngược lại, chúng tôi rất cần một nơi để sẻ chia, nơi có thể nói mà không sợ bị đánh giá, nơi được lắng nghe chứ không bị đánh đồng là “bốc đồng” hay “thiếu trải nghiệm”.

Tôi tin rằng, khi người lớn chịu bước chậm lại một chút, chịu đọc kỹ hơn những điều chúng tôi viết, hoặc kiên nhẫn nghe hết một đoạn vlog hay podcast do chúng tôi tự thiết kế, tự làm, họ sẽ thấy rằng: Gen Z có nhiều điều muốn nói, có nhiều cảm xúc muốn thổ lộ. Chúng tôi có cảm xúc, có suy nghĩ, có ước mơ, chỉ là chúng tôi đang chọn một cách mới để diễn đạt về nó với những người xung quanh, với thế giới bên ngoài.

Vì vậy, nếu có thể, xin hãy đừng nhìn vào cách chúng tôi im lặng ngoài đời để cho rằng chúng tôi đang sống khép kín, hoặc tiêu cực hơn là “lầm lì”. Có khi, chính trong sự “im lặng”, “lầm lì” đó, chúng tôi đang nói nhiều hơn bao giờ hết, chỉ là theo một cách diễn đạt, một cách kể chuyện khác “kiệm lời” hơn mà thôi.

Tôi không mong “thế giới” - cụ thể là những thế hệ trước bao gồm cha mẹ, thầy cô, đồng nghiệp... thay đổi vì chúng tôi, chỉ mong “thế giới” có thể mở lòng một chút để hiểu rằng: khác biệt không có nghĩa là biệt lập. Và dù sẻ chia theo cách nào, điều chúng tôi cần hơn bao giờ hết vẫn là một nơi sẵn sàng để được lắng nghe.

Diễn đàn "Ý kiến Gen Z - Không gian để sẻ chia"

Mỗi thế hệ đều có tiếng nói riêng. Gen Z - người trẻ giữa thế giới nhiều chuyển động - cũng có những suy nghĩ, cảm xúc, trăn trở về các vấn đề trong cuộc sống.
Diễn đàn “Ý kiến gen Z - không gian để sẻ chia” là nơi lắng nghe những góc nhìn ấy - một không gian để nói điều mình nghĩ, viết điều mình cảm nhận. Đây còn là nhịp cầu đối thoại giữa gen Z với các thế hệ đi trước để hiểu nhau hơn, đồng hành cùng nhau tốt hơn.
Nếu có điều muốn sẻ chia, bạn có thể gửi bài từ 600-800 từ đến: ykiengenz@baophunu.org.vn.

Bùi Thị Lan Anh - Trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh

Ý kiến GEN Z
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI