Bữa ăn đáng nhớ

02/07/2025 - 13:30

PNO - Ba không bao giờ nói nhiều về tình yêu thương nhưng mỗi hành động của ông đều là minh chứng.

Buổi trưa, chúng tôi hẹn nhau ở một nhà hàng chay. Bàn bên cạnh, một gia đình đang quây quần. Cuối bữa ăn, người ba tóc đã điểm bạc, dáng người hơi khòm, lấy ví giành trả tiền với các con. Tiếng ông cười vang pha chút bướng bỉnh: “Để ba trả, tụi con lo gì!” Các con ông cũng không chịu thua, giành lấy hóa đơn với những câu đùa vui.

Ảnh mang tính minh họa - Beo-GEM.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo-GEM.AI

Tôi khẽ ra hiệu cho các bạn mình nhìn sang gia đình ấy. Thậm chí tôi còn không giấu được ánh mắt hạnh phúc khi nhìn họ. Khoảnh khắc ấy giản dị mà ấm áp khiến tôi và nhóm bạn bỗng lặng đi, lòng dâng lên một nỗi niềm khó tả.

Nhìn người cha lớn tuổi ấy, tôi thấy bóng dáng của những ngày xưa, khi ba tôi còn sống. Phần lớn cuộc đời ông nghèo khó nên khi đi chơi với con cái, ông thường biểu thị niềm vui và tự hào khi các con tiêu xài rộng rãi. Mẹ tôi hay nói: “Ông bày chi cho con tốn tiền” nhưng ba tôi lại gạt đi: “Con mình có tiền mà…”. Câu nói ấy không phải vì ba muốn chúng tôi tốn kém hay bản thân ông xài phí, mà vì ông cảm thấy vui và hãnh diện khi con cái thành đạt, dư dả - điều mà suốt đời ông nỗ lực nhưng chỉ đến cuối đời mới thoải mái hơn một chút.

Thế nên, vào quán, tôi hay gợi ý để ba gọi những món ông thích; ra tiệm giày, tôi đặt liền cho ông vài đôi dù ba nói ông ít đi đâu; mua quần áo tôi cũng hay mua luôn vài bộ; ông thích có cái máy tính bảng để coi phim trên mạng, tôi mua không ngần ngại… Đôi lúc tôi thoáng nghĩ, thực ra mình cũng không được mấy lần làm thế cho ba, nên dù biết ba ít dùng, tôi vẫn mua tặng để ba có thêm niềm vui…

Nhìn bàn bên, gia đình người ta cười nói rộn ràng, tôi nghĩ đến ba mà cay mắt. Mắt một người bạn cũng ánh lên nỗi buồn, cậu ấy nói khẽ: “Anh em mình giờ có ước được như thế cũng chẳng còn cơ hội…”. Câu nói ấy như nhát dao cứa vào lòng bởi chúng tôi đều hiểu điều ước ấy giờ đã thành xa xỉ… Chúng tôi đều đã mồ côi ba đúng nghĩa, dù cách diễn đạt đó dường như không dành cho những người ở tuổi trung niên.

Tôi nghĩ về ba mình, về những lần ông dạy tôi tập bơi, về những buổi tối ông ngồi kể chuyện xưa với giọng đầy hào hứng, về những câu chuyện gia đình đầy cảm xúc… Ba không bao giờ nói nhiều về tình yêu thương nhưng mỗi hành động của ông đều là minh chứng. Có khi một cái sờ trán, một cái xoa lưng bằng bàn tay thô ráp cũng đầy đủ ấm áp, dịu dàng. Khi ông qua đời, tôi mới nhận ra mình chưa từng nói lời cảm ơn đủ nhiều, chưa kịp đưa ông đi những nơi ông muốn… Nỗi tiếc nuối ấy như một vết thương không bao giờ lành, cứ nhói lên mỗi khi có điều gì đó gợi lại.

Tôi tự hỏi nếu ba còn sống, liệu tôi có dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện và hiểu ba. Câu hỏi ấy không có lời đáp nhưng khiến tôi muốn sống tốt hơn, trân trọng hơn những người thân còn lại bên mình.

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI