Cha mẹ thông thái không "gài nợ" con

06/07/2025 - 12:42

PNO - Tình yêu thương cũng có khi biến thành xiềng xích. Để con cái không sống một cuộc đời trĩu nặng những món nợ từ đấng sinh thành, cha mẹ thông thái cần hành xử thế nào?

(Tác giả và mẹ của mình - người bạn đồng hành của tác giả qua chặng đường trưởng thành của anh)
Tác giả và mẹ - người anh coi như bạn đồng hành qua các chặng đường trưởng thành (ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi từng nghe một người bạn kể rằng hồi nhỏ, mỗi lần từ chối ăn cơm mẹ nấu để ra ngoài ăn với bạn, mẹ cậu ấy lại nói: “Sau này mẹ chết rồi con sẽ hối hận vì không ăn bữa cơm mẹ nấu hôm nay”.

Câu nói tưởng chừng vô hại, thậm chí chan chứa yêu thương, nhưng thật ra lại là một áp lực ẩn giấu. Bữa cơm bình thường bị biến thành gánh nặng tinh thần. Tình thương không còn là một nơi để trở về mà trở thành một nghĩa vụ phải thực hiện, một nỗi sợ phải gánh, một mặc cảm nếu lỡ làm trái ý...

Đứa con không ăn bữa cơm hôm ấy không có nghĩa là cậu ta vô tâm. Chỉ đơn giản là cậu đang học cách sống đời của riêng mình, đang cần một chút tự do, một không gian để lớn, để thử và để sai. Nhưng nếu mỗi lần con lựa chọn khác đi lại bị buộc tội bằng những câu như: “Mẹ đã làm tất cả vì con”, “Con sẽ tiếc khi ba mẹ không còn”, “Ba mẹ lo cho con thôi mà”… thì tình thương vô tình bị bóp méo thành một cái bẫy cảm xúc.

Tôi từng chứng kiến một người mẹ khác, mỗi lần tranh luận với con trai là lại bật ra câu: “Má bỏ cả giang san sự nghiệp ở quê, bỏ hết anh em bạn bè, gom hết tiền bạc để dắt con lên Sài Gòn lo cho con học, rồi giờ con nói kiểu đó với má hả?”

Thoạt nghe, câu trên tưởng như chỉ nhắc con về lòng mẹ, tình mẹ, nhưng thật ra là một đòn tâm lý cực mạnh đánh thẳng vào chỗ yếu của đứa con - lòng biết ơn. Làm sao mà cậu ta có thể trả lời cho đúng, làm sao mà phản biện lại được khi chỉ cần một câu nói ra là đã mặc nhiên trở thành đứa con bất hiếu.

Những lời như vậy khiến con cái lớn lên trong cảm giác mang một món nợ không có kỳ hạn, không có hóa đơn, không có cách nào trả đủ. Mỗi hành động, mỗi lựa chọn của con đều bị so sánh với “sự hy sinh” mà cha mẹ đã bỏ ra. Tình thân thay vì là nơi để con người ta thấy nhẹ lòng lại trở thành nơi khiến con nghẹn lời và đầy giằng xé.

Theo tôi, cha mẹ thông thái không phải là những người hi sinh tất cả rồi âm thầm chờ con cái ghi nhận. Họ không lặng lẽ chịu đựng để rồi một ngày buông câu trách móc: “Ba mẹ đã vì con mà…”. Họ cũng không đem tuổi già, bệnh tật hay cái chết để đè lên lựa chọn của con như một lời răn đe ngọt ngào nhưng nguy hiểm.

Cha mẹ thông thái hiểu rằng tình thương không thể trở thành công cụ để điều khiển. Thương là cho con quyền từ chối mà không thấy có lỗi. Là để con được nói không mà không sợ làm tổn thương ai. Là để con sống đời của mình một cách chủ động chứ không phải vì nghĩa vụ báo đáp hay cảm giác mang nợ.

Tôi từng nghĩ làm cha mẹ là việc khó nhất trần gian. Nhưng rồi tôi nhận ra có một điều còn khó hơn. Đó là làm cha mẹ mà không coi con cái là tài sản riêng. Không lấy chúng làm niềm tự hào hay chỗ bấu víu tinh thần khi về già. Không xem con là phần mở rộng cho những ước mơ dang dở của mình. Không bắt con sống tiếp cuộc đời mà mình chưa kịp sống. Không khoác lên con những kỳ vọng, niềm tin và cả nỗi sợ đã lỗi thời.

Người ta hay nói “Làm cha mẹ rồi sẽ hiểu”, nhưng không phải ai làm cha mẹ cũng chạm tới được sự hiểu ấy. Có người dành cả đời thương con nhưng chưa từng hiểu con. Có người lo cho con từ miếng ăn đến giấc ngủ nhưng chưa từng cho con được thở một cách tự do.

Một người bạn khác của tôi kể rằng, mẹ cô ấy rất hiện đại. Mỗi lần cô đi ăn ngoài, bà chỉ nhắc: “Nhớ chụp hình cho mẹ coi nha, coi có gì ngon hơn mẹ nấu không để mẹ học”.

Một người mẹ như vậy, không gài mặc cảm, không gài nợ yêu thương. Bà bước xuống khỏi vị trí “mẹ thì phải đúng” để đồng hành cùng con với tâm thế học hỏi. Tình thương như thế không gây áp lực mà lại làm người ta nhớ mãi.

Tôi vẫn nghĩ thương con không khó, nhưng thương yêu mà không sở hữu mới là điều vĩ đại. Vì làm ba mẹ không phải là việc xây chuồng để nhốt con lại cho an toàn, mà là dạy con cách bay và tin tưởng rằng con sẽ biết đường trở về.

Không phải cứ thương là sẽ đúng. Không phải cứ lo hết cho con là con sẽ hạnh phúc. Không phải cứ dằn lòng vì con thì con sẽ biết ơn. Tình thương nếu không đủ tỉnh táo và minh triết thì dễ biến thành xiềng xích, nơi con cái gánh lấy trách nhiệm của một món nợ mang tên “báo hiếu”, còn ba mẹ thì đau lòng vì cảm thấy “đã cho đi mà không được nhận lại”.

Ba mẹ thông thái không phải là người luôn đúng mà là người đủ hiểu để lùi lại. Đủ yêu để buông tay. Và đủ bao dung để dõi theo con mà không làm con sợ. Họ biết chừa lại khoảng trống để con được là chính mình chứ không phải bản sao của ba mẹ.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI