Vợ chồng mâu thuẫn vì họ hàng

09/07/2025 - 18:00

PNO - Quyết định chia tay chỉ nên là phương án cuối cùng, khi em đã nỗ lực hết sức mà mọi thứ không thay đổi, đặc biệt là khi chồng em không đứng về phía em và không có ý chí cùng em xây dựng tương lai.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em quen chồng 3 năm mới cưới. Lúc cưới, em mới 24 tuổi, không tìm hiểu về họ hàng bên chồng. Lấy chồng xong, em mới vỡ lẽ nhiều vấn đề ngoài sức tưởng tượng. 3 năm qua, em làm dâu nhà người ta trong hoàn cảnh ở nhờ, nhìn vào tưởng là nhà của cha mẹ chồng nhưng thực ra là nhà chú chồng cho mượn. Cha mẹ chồng nghèo, chồng chạy xe tải cho công ty chú, tiền bạc chú trả vừa đủ để anh mang về cho cha mẹ. Bao năm qua, chồng em làm bao nhiêu thì gia đình xài hết bấy nhiêu, không để dành được đồng nào.

Em thử bàn với chồng ra riêng, tự lập. Chỉ vậy thôi mà chú sang tận nhà chửi em là đồ mất dạy, bất hiếu. Cha mẹ chồng bảo em phải xin lỗi chú kẻo có ngày chẳng còn chỗ nương thân. Em ước đã tìm hiểu kỹ hơn để giờ không phải chịu nhục như vậy. Hiện giờ em trong trạng thái ghét chồng và gia đình chồng, bế tắc, chán nản.

Em cũng có công việc nhưng lương thấp. Hôm nào em lãnh lương, mẹ chồng cũng bảo phải đóng góp. Em thực sự xấu hổ với bản thân bởi chưa lo cho cha mẹ ruột được chút gì để tỏ lòng hiếu thảo. Em nghĩ chỉ còn cách chia tay, nhưng em biết chồng em cũng rất khổ tâm và em vẫn yêu anh ấy. Em phải làm sao?

Thu Mai (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Em Thu Mai thân mến,

Trước khi nghĩ đến chuyện chia tay, em hãy thử cân nhắc. Em vẫn còn yêu thương chồng, đó là điều quan trọng nhất. Đồng vợ đồng chồng là nền tảng của mọi giải pháp. Đây là bước quan trọng, phải được thực hiện đầu tiên.
Em cần một cuộc nói chuyện thẳng thắn, chân thành, riêng tư với chồng. Hãy chọn không gian bên ngoài, tránh mọi sự đàm tiếu, xuyên tạc. Có buồn nản, tủi cực, em cứ tâm sự với chồng rồi bày tỏ sự lo lắng cho tương lai khi vợ chồng không có khoản tiết kiệm nào.

Em hãy lắng nghe chồng. Chắc chắn anh ấy cũng rất áp lực và khổ tâm. Khi cảm nhận được sự đồng cảm từ vợ, anh ấy sẽ dễ mở lòng hơn. Cuộc nói chuyện này là để 2 em tìm mục tiêu chung rồi cùng nhau cố gắng. Nếu chồng em đồng lòng, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Nếu anh ấy do dự hoặc sợ hãi, em cần kiên nhẫn giải thích rằng việc ra riêng không phải bất hiếu mà là cần thiết để xây dựng tương lai cho gia đình riêng, cho các con; để sau này có điều kiện tốt hơn mà báo hiếu cha mẹ 2 bên.

Sự phụ thuộc tài chính vào người chú là gốc rễ của mọi sự. Để thoát ra, vợ chồng em phải độc lập về tài chính. Em nên ghi lại tất cả các khoản thu chi hằng tháng để thấy rõ tiền đang đi về đâu. Hãy bắt đầu để dành một khoản riêng, chỉ của vợ chồng em, càng sớm càng tốt. Dù chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, đây sẽ là viên gạch đầu tiên cho nền móng tự lập. Về phía em, nếu được, hãy chủ động tìm công việc khác có mức lương tốt hơn. Nâng cao giá trị bản thân cũng là cách để em lấy lại sự tự tin.

Với mẹ chồng, vợ chồng em có thể bàn bạc để đưa một khoản tiền cố định, hợp lý hằng tháng thay vì tháng nào cũng bị hỏi tiền. Sự rõ ràng cũng sẽ giúp em giữ lại một phần thu nhập để tiết kiệm.

Em không cần đối đầu trực tiếp với chú chồng. Trường hợp bị thúc ép, em có thể nói chú cho vợ chồng em bàn rồi thưa lại sau. Đừng vì xấu hổ mà né tránh cha mẹ ruột. Hãy gọi điện, về thăm thường xuyên. Kể cả khi chưa có quà cáp, sự quan tâm của em cũng là món quà. Sự ủng hộ từ gia đình sẽ là điểm tựa tinh thần vững chắc cho em.
Quyết định chia tay chỉ nên là phương án cuối cùng, khi em đã nỗ lực hết sức mà mọi thứ không thay đổi, đặc biệt là khi chồng em không đứng về phía em và không có ý chí cùng em xây dựng tương lai. Chúc em vững tâm và sáng suốt.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI