"Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!"

09/07/2025 - 12:21

PNO - Trân không tin mẹ chưa từng thích những món “đồ giả” ấy, nhưng cả một đời, mẹ luôn dùng lý trí để giữ cho bản thân tỉnh táo trước mọi “cám dỗ” để sống vì chồng, vì con, vì một trách nhiệm vô hình mẹ tự khoác lên mình.

Trân bày la liệt trên bàn những món trang sức bằng bạc, titan, đá thiên nhiên, đá nhân tạo đủ loại mà một thời cô từng mê đắm. Nếu hồi đó Trân không mua mấy thứ này mà mua vàng (theo thời giá mấy chục năm về trước), có lẽ bây giờ Trân đã có cả một gia tài.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày đó, hễ thấy con gái hí hửng khoe chiếc nhẫn, đôi bông, chiếc lắc thời trang, mẹ Trân lại mắng: “Đúng là trẻ người non dạ, có tiền không để mua vàng, mua ba cái đồ giả (mẹ Trân vẫn gọi tất cả trang sức không phải vàng là “đồ giả”) vớ vẩn rồi sau này cũng bỏ”. Mỗi lần như thế, Trân lại ôm mẹ mà xoa dịu: “Nó đẹp mà mẹ, nó làm con vui!”.

Mà đúng là những thứ nhỏ xinh lấp lánh luôn làm Trân vui. Như chiếc lắc bạc vầng trăng khuyết này, Trân phải kỳ công đi bộ vào mấy con ngõ ngoằn ngoèo ở phố cổ Hà Nội mới tìm được nhà bà bán bạc gia truyền. Thứ bạc bà làm có màu trắng ngà, hơi mềm nhưng vô cùng tinh xảo. Tiền mua bạc thì ít, tiền công thợ thì nhiều. Lần đó, Trân mê đắm cả bộ lắc, vòng, kiềng, nhẫn, dây chuyền… lạ mắt được chạm trổ công phu mà vét hết tiền để dành ra mua. Cụ thể bao nhiêu cô không nhớ, chỉ nhớ với số tiền đó, cô có thể mua được cả cây vàng theo thời giá lúc bấy giờ.

Không chỉ mê bạc, Trân còn mê nhiều thứ trang sức bằng chất liệu độc đáo. Trân đặt tên cho chúng là những món đồ vui vẻ. Mỗi món gắn với một lần xoa dịu, chữa lành tâm hồn: thi rớt, thất tình, bị sếp la, bị đồng nghiệp chơi xấu hay đơn giản là một ngày tụt cảm hứng…

Nhiều khi nhớ lại lời mẹ, Trân bật cười vì mình không có sở thích mua vàng mà cứ mãi “dại khờ” với những thú vui phù phiếm như lời mẹ nói. Mẹ Trân, ngoài đôi bông nụ gia truyền bà ngoại cho làm của hồi môn, chưa từng có thêm món trang sức nào. Sính lễ cưới của nhà chồng, mẹ cũng xin quy thành vàng 24k để làm của. Cả đời vất vả, hễ dư được đồng nào, mẹ ki cóp mua từng phân vàng, để dành mua đất, cất nhà, lo cho chị em Trân. Chị em Trân thành đạt rồi, mẹ lại tích vàng để dành cho cháu.

Có bao giờ Trân thấy mẹ làm điệu trong bộ đồ đẹp, sợi dây chuyền hay chiếc nhẫn nào đâu. Mẹ lam lũ, cực khổ vậy nhưng rồi ba Trân cũng theo người khác. Chuyện của người lớn chắc có nhiều lý do nhưng Trân thầm nghĩ, không biết trong đó có lý do vì mẹ cả đời chưa từng chăm chút cho vẻ ngoài, chưa từng quan tâm tới niềm vui của chính mẹ hay không.

Trân không tin mẹ chưa từng thích những món “đồ giả” ấy nhưng cả một đời, mẹ luôn dùng lý trí để giữ cho bản thân tỉnh táo trước mọi “cám dỗ” để sống vì chồng, vì con, vì một trách nhiệm vô hình mẹ tự khoác lên mình. Để rồi, buồn thay, sự hy sinh ấy chưa chắc đã mang lại cho mẹ niềm vui mẹ trông đợi.

Trân âu yếm đeo lên cổ mẹ sợi dây chuyền ngọc trai. Mẹ bối rối, ngượng ngùng, đôi mắt ánh lên niềm vui. “Dây chuyền này đẹp quá, hồi mười mấy tuổi, nhìn cô Duyên hàng xóm đeo, mẹ thích lắm. Nhưng mua rồi, lúc cần bán lại có được không con, có lỗ nhiều không?” - mẹ hỏi. Trân lại ôm lấy mẹ: “Mẹ thấy đẹp, thấy vui, thấy thích là được rồi, con gái mẹ đi làm có tiền đủ lo cho mẹ, không cần mẹ phải bán trang sức đâu”.

Trân sắm cho mẹ một chiếc hộp đựng trang sức thật đẹp. Cô sẽ dần sắm cho mẹ những thứ đẹp đẽ mà mẹ thích. Mẹ đã vất vả cả đời, giờ đây, Trân mong mẹ được sống thật với cảm xúc, vui với những niềm vui bé nhỏ. Làm đàn bà, hãy cứ vui, hãy cứ dại khờ, bên cạnh những lúc căng mình với tình thương và trách nhiệm.

Thu Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI