Những tổn thương theo suốt cuộc đời

29/06/2025 - 06:00

PNO - Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, thay vì cố gắng tìm kiếm niềm vui, những trải nghiệm mới mẻ làm lẽ sống, vẫn có nhiều phụ nữ chọn già đi cùng sự tổn thương khi duy trì cuộc hôn nhân bên cạnh người bạn đời mà họ xem thường hoặc ghét cay ghét đắng.

Quá khứ ngoại tình thành xiềng xích hiện tại

Chị Trần Ngọc Hương - nhân viên ngân hàng - không khỏi ngạc nhiên khi cô cháu gái nhắn tin ngăn cản công khai bệnh ung thư máu của chị gái - là mẹ của cháu - với họ hàng: “Dì Năm đừng công bố bệnh của mẹ con để chồng con và nhà chồng con suy diễn nhà mình ở ác nên bị trừng phạt. Họ xấu bụng, nhiều chuyện, xoi mói, ác độc. Con không muốn để họ biết chuyện rồi suy diễn, hả hê”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lời nhắn ấy khiến chị Hương sững sờ. Chị Hương nhắn lại: “Con sống mà ghét chồng, không tin chồng vậy thì sống kiểu gì?”. Phía bên kia, cô cháu gái im lặng một lúc rồi nhắn lại: “Con không thể quên và tha thứ khi trong lúc con bầu sắp sinh mà ảnh đi theo gái. Ảnh sai rành rành vậy mà cha mẹ ảnh còn bênh vực”. Khoảnh khắc đó, chị Hương nhận ra một sự thật: có những phụ nữ dù bên cạnh bạn đời nhưng luôn sống trong một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Họ tự nguyện sống trong sự nghi ngờ và thù ghét, biến cuộc sống thành một gánh nặng tâm lý mà chính họ là người gánh chịu.

Chị Phạm Kim Hoàng (54 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) kết hôn 34 năm và cũng đang sống trong mối quan hệ đầy thù hận với chồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chồng chị từng ngoại tình trong quá khứ, hứa từ bỏ rồi tái phạm. Từ đó, trong mắt chị, chồng là “thứ bỏ đi”. Câu cửa miệng của chị Hoàng là “Tôi không còn chút tình cảm nào với ổng. Nhìn người ăn xin tôi còn thấy tội, chớ ổng đi nhậu về nằm muỗi bu đen tôi cũng mặc kệ”.

Dù ghét bỏ chồng nhưng chị Hoàng kiên quyết không ly hôn. 2 con của chị ngày ngày phải nghe mẹ kể khổ, tố cha tồi tệ, bạc bẽo đã nhiều lần khuyên mẹ buông bỏ. Vậy nhưng chị vẫn chọn tiếp tục duy trì hôn nhân và luôn than thở đời mình bất hạnh.

Giải thoát khỏi “nhà tù tâm lý”

Giữa cuộc đời vốn nhiều sự lựa chọn, không ít phụ nữ chọn cách mang theo định kiến và sự thù ghét ấy suốt hành trình hôn nhân. Không phải vì họ không có lối thoát mà nỗi đau, sự tổn thương từ những lầm lỗi trong quá khứ do bạn đời gây ra, đặc biệt là nỗi đau ngoại tình, lớn đến mức không thể nguôi ngoai. Vết sẹo tâm lý sâu sắc ấy khiến họ không “cho qua” mà cũng không đủ dũng khí để buông bỏ.

Trong cái vòng luẩn quẩn của hận thù, mỗi lời nói, hành động của bạn đời đều bị bóp méo qua lăng kính tiêu cực. Nụ cười không còn trọn vẹn, ánh mắt không còn sự sẻ chia và trái tim thì đóng chặt. Người phụ nữ tự giam mình trong nỗi khổ đau do chính mình tạo ra, mất đi khả năng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc. Những bữa cơm gia đình trở nên nặng nề, những cuộc trò chuyện chỉ toàn những lời bóng gió và sự kết nối yêu thương dần lụi tàn.

Điều đáng mừng là, không phải ai cũng chọn cách tự giam mình trong “nhà tù” ấy, như bà Nguyễn Thị Hai (67 tuổi, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã chọn con đường khác để tìm thấy sự bình yên. Dù từng nguyện buông xuôi, chấp nhận sống chung với người chồng ngoại tình và cờ bạc suốt 40 năm nhưng một ngày bà chợt bừng tỉnh: “Khổ 40 năm còn hơn khổ suốt đời”. Bà buông bỏ hoàn toàn sự thù ghét chồng bằng cách ly hôn. Bà chia sẻ: “Sống buông bỏ nhẹ đầu lắm. Ngày xưa còn là vợ chồng, tôi ghét đến mức trông cho ổng… chết bờ chết bụi, chứ bây giờ thì có thể ngồi nói chuyện với nhau như bạn”.

Khi tình cảm đã cạn, lòng tin đã mất, sự chán ngán đã lên đến đỉnh điểm mà không còn cơ hội cứu vãn, việc buông bỏ để tìm kiếm một cuộc sống bình yên dù khó khăn đến mấy cũng là một sự lựa chọn dũng cảm, nhân văn và công bằng với chính mình và con cái. Bởi lẽ sống mà oán ghét, nghi ngờ không chỉ hủy hoại cuộc sống của cả vợ lẫn chồng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến những đứa con.

Hãy thử mở lòng như lời gợi mở của một người trong cuộc: “Khi mình bao dung thật sự thì hận thù cũng không còn, tự dưng thấy nhiều điều tốt đẹp ở chồng mà trước đây sự tổn thương, lòng thù hận đã che phủ. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống; đừng để mình già đi cùng sự tổn thương, hận thù. Hãy dũng cảm phá vỡ “nhà tù tâm lý” mình đã tự xây để tìm lại sự bình yên vì chúng ta xứng đáng được hạnh phúc”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI