Mẹ trẻ chia sẻ kinh nghiệm "vượt cạn" dễ dàng, sinh thường bé 4kg trong 10 phút

16/07/2016 - 06:35

PNO - Tầm 4h hơn, cơn co liên tiếp và chỉ sau đúng 3 lần rặn, 4h15p, con mình ra đời.

Chị Đỗ Hồng Linh, trú tại Hà Nội chia sẻ, chị sinh thường, con trai nặng 4 kg. Chị tin ngoài sự cố gắng và hiểu biết về cách rặn đẻ (mặc dù mới đẻ lần đầu nhưng nghiên cứu khá kỹ về cách thở), thêm một yếu tố tâm linh quan trọng không kém là niệm phật trong thời gian đau đẻ thì uống lá tía tô khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ chính là liều thuốc quý giúp chị vượt cạn thành công.

Me tre chia se kinh nghiem
Chị Đỗ Hồng Linh chia sẻ cuộc vượt cạn thành công

"Có người nói nên uống nước lá tía tô từ tuần thứ 37, uống thay nước lọc hàng ngày, nhưng theo mình tìm đọc nhiều tài liệu thì nếu uống quá nhiều nước tía tô trong thời gian dài như vậy là không tốt, khiến huyết áp của mẹ tăng cao, dùng vị thuốc này lâu ngày có thể khiến người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ...

Vì vậy, chỉ khi lên bàn đẻ mình mới uống 1 lầ duy nhất. Tối hôm đó là 38 tuần 10 ngày thì mình có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc đó, mình vẫn bình tĩnh bảo chồng và mẹ chở lên bệnh viện cho bác sỹ khám xem là cổ tử cung có dấu hiệu mở chưa. Tử cung bắt đầu mở, mình thay váy bầu, thử máu rồi nhờ mẹ chạy về nhà, đun lá tía tô cho. Càng đặc càng tốt. Cùng lúc ấy, mình phải lên phòng chờ, khi mẹ mang nước qua, còn nóng hổi, vừa thổi vừa uống ngon lành nguyên 1 chai to tướng. Nằm chờ đẻ thôi. Lúc ý là tầm hơn 1h sáng.

Tầm 4h hơn, cơn co liên tiếp và chỉ sau đúng 3 lần rặn, 4h15p, con mình ra đời. Nghĩ lại vẫn thấy may mắn. Không biết có phải do nước tía tô không nhưng tớ khuyên các mẹ sắp sinh nên thử làm theo cách này giống mình. Ngoài ra, tầm tuần thứ 37, mẹ mình cũng nấu cho mình ăn cực kỳ nhiều vừng đen. Ăn kiểu nguyên hạt, nấu như nấu chè cơ mà cho cực ít đường", chị Hồng Linh chia sẻ.

Trước kinh nghiệm coi nước tía tô là "nước thần" giúp dễ đẻ như chị Đỗ Hồng Linh, PV có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội.

Me tre chia se kinh nghiem
BS Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội

"Chúc mừng chị Linh đã vượt cạn thành công. Về việc chị tìm hiểu kĩ cách thở khi sinh, tôi rất khuyến khích ủng hộ. Tôi cũng đồng ý yếu tố tâm linh rất quan trọng nhưng việc coi nước tía tô càng đặc càng tốt là "nước thần" giúp sinh con dễ hơn thì chưa có cơ sở khoa học. Trong đông y hiện đại, thậm chí trong những bài thuốc cổ cũng không nói đến việc này. Tía tô chỉ có tác dụng giải cảm, giải dị ứng chứ không có tác dụng giúp sản phụ đẻ dễ. Nhiều người họ không uống nước tía tô vẫn dễ đẻ như thường.

Me tre chia se kinh nghiem
Nước lá tía tô không có tác dụng giúp dễ đẻ

Cũng trong thời gian này, sản phụ ăn chế độ ăn uống khoa học, theo lời khuyên của bác sĩ, không nên áp dụng kinh nghiệm chỉ được truyền miệng, không có cơ sở khoa học. Tóm lại, bản thân lá tía tô là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì khi sử dụng để chữa bệnh phải có chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là với thai phụ. Mọi người không nên tự ý dùng bừa bãi", bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm nói.

Bác sĩ nói thêm: "Bây giờ khoa học tiến bộ, tôi cũng khuyên thai phụ kiểm tra thai theo đúng định kì, nhất là 3 tháng cuối, cần kiểm tra liên tục tại bệnh viện, đúng chuyên khoa sản. Việc kiểm tra liên tục sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình hình thai nhi và sản phụ, xem thai nhi ngôi đầu hay ngược, có bị rau tiền đạo, rau quấn cổ, bong non,…dễ dẫn đến tai biến, thậm chí tử vong hay không. Việc kiểm tra thường xuyên sẽ giúp xử lý kịp thời nhưng vấn đề nguy hiểm có thể gặp phải".

NGUYÊN PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI