Xoay xở cùng con trong mùa dịch COVID-19

02/03/2020 - 12:49

PNO - “Bé không đi học, làm gì để bé khỏi xem ti vi đây các mẹ ơi?" có lẽ là đề bài khó giải của mọi cha mẹ mùa nghỉ học vì COVID-19.

Làm đồ chơi và chơi cùng con 

"Bạn có cam kết làm đồ chơi ít nhất một món/tuần và đọc sách cho con hằng ngày không?". Xin gia nhập một nhóm Facebook mang tên "Tự làm đồ chơi công nghệ cho con", chị Liên (phụ huynh hai bé tiểu học ở Q.3, TP.HCM) choáng ngay với câu hỏi của admin. 

Mẹ hướng dẫn bé thiết kế  đồ chơi vừa giúp trẻ xa rời  màn hình ti vi, vừa giúp trẻ  học hiểu kiến thức, rèn kỹ năng
Mẹ hướng dẫn bé thiết kế đồ chơi vừa giúp trẻ xa rời màn hình ti vi, vừa giúp trẻ học hiểu kiến thức, rèn kỹ năng

Quả là khó để cam kết như người quản trị muốn. Cha mẹ nào chẳng biết đọc sách và làm đồ chơi cho con là cách dạy con tốt, nhưng chị Liên là điển hình kiểu mẹ bận rộn vì vừa phải làm việc qua mạng, vừa phải chợ búa cơm nước. Quay cuồng giữa ba bữa ăn của trẻ và công việc, thỉnh thoảng phải ra ngoài giao hàng, sức đâu chứ!

Vào nhóm, chị Liên đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Hình ảnh đồ chơi, trò chơi cho con trẻ được các mẹ giới thiệu khá sinh động. Và đây, một dòng tâm trạng hệt như chạy ra từ cái đầu đang rối tung của chị Liên: “Bé bốn tuổi không đi học chỉ ở nhà thì làm gì để bé khỏi xem ti vi đây các mẹ ơi?". Dưới đó là hàng loạt giải pháp, hàng loạt đường link giới thiệu các trang mẹ dạy bé học, mẹ cùng bé chơi.

Từ một cuộn băng keo, đôi ống hút và bìa giấy, một bà mẹ thiết kế đôi bàn chân đang bước đi thật ngộ cho bé đuổi theo mê mải. Ngửa bốn chân ghế lên trời, bà mẹ khác thiết kế dụng cụ ném vòng giống tại các hội chợ… Vô số trò thiết kế nhà cửa, dụng cụ đựng sách, hộp bút… từ hộp các-tông, lon, chai lọ, đồ dùng bỏ đi khiến trẻ say mê thích thú.

Dò tiếp chỉ mách của các mẹ, chị vào trang "Cái gì đây ạ" và lại hứng thú với dòng tiêu chí trang: “Xin giới thiệu đến ba mẹ và các bé những thí nghiệm khoa học sáng tạo giúp trẻ vận động và chơi tại nhà”. Thông tin trong  nhóm này đều nhằm mục đích để mẹ hướng dẫn bé vui chơi lành mạnh, tăng cường các giác quan, tập luyện kỹ năng vận động, tập luyện tư duy logic…

Liếc qua bên gợi ý các nhóm tương tự, chị Liên tìm ra nhiều nhóm nội dung giáo trí như nhóm ”Cho trẻ ra ngoài chơi”, ”Dạy con tự học”, các nhóm rèn chữ, làm giáo cụ mầm non, cùng vô số trang nước ngoài dạng ”Do it your self”, ”5 Minutes Craft”… dạy các bí quyết, các sáng tạo trong mọi tình huống cuộc sống thường ngày. 

Hình ảnh sinh động, tình huống dễ thương, nguyên liệu và cách làm dễ xử lý, mẹ con chị Liên xem hoài không chán. Chị quyết định bỏ bớt việc để tập trung chơi cùng con. Mùa nghỉ dịch bên nhau thế là có lối ra đầy hứng khởi.

Ngốn thời gian bằng sách

Nghỉ học kéo dài, trẻ uể oải dậy trễ ngủ trễ, suốt ngày ôm ti vi hoặc điện thoại, nhiều bà mẹ xoay xở đủ cách vẫn thấy không ổn. Làm sao mà lũ trẻ không buồn chán cho được. Suốt ngày trong bốn bức tường, cha mẹ chưa từng có nghiệp vụ sư phạm theo cấp học, độ tuổi, nói gì chúng cũng phản đối, đưa ý kiến nào chúng cũng không làm theo.

Rất nhiều clip trên mạng hướng dẫn mẹ thiết kế trang phục vui nhộn, dựng lều cho bé chơi
Rất nhiều clip trên mạng hướng dẫn mẹ thiết kế trang phục vui nhộn, dựng lều cho bé chơi

Lúc này phụ huynh mới hiểu nỗi khổ phải cạnh tranh với môi trường sinh động đông đủ bạn bè cùng vô số tương tác qua lại ở nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường tiểu học... Thậm chí là cạnh tranh với... cái ti vi cũng hụt hơi. 

Nghỉ tránh dịch không hề giống nghỉ hè hay cuối tuần. Đi một vòng các nhà sách, đường sách, khu vui chơi trẻ em mùa này có thể thấy sự im ắng bao trùm các khu tô màu tượng, tô tranh cát, đua xe… vốn 
nhộn nhịp. 

Anh Huỳnh - một phụ huynh ở khu P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho hay, trong lúc vợ chồng anh đi làm, đứa con lớn học lớp Mười của anh vẫn lén ra khỏi nhà đi xem phim với bạn vì đám trẻ tuổi ăn tuổi lớn khi cuồng chân thì bất chấp nguy cơ dịch bệnh. Anh lên Facebook, kêu gọi bạn bè “ai có trò gì giữ chân bọn trẻ” thì gỡ rối giùm. Kết quả, bạn học của anh ship cho bộ 50 cuốn truyện tranh Lucky Luke mà anh ta lưu trữ từ thuở thanh xuân. 

Anh Huỳnh cho biết con anh trước kia chỉ đọc truyện tranh Nhật Bản, lần này làm quen truyện tranh comic vừa trí tuệ vừa hóm hỉnh, cậu đọc đi đọc lại và cười rinh rích cả ngày, thuộc từng lời thoại. 
Đủ kiểu cha mẹ xoay xở và sáng tạo trong mùa nghỉ học kéo dài. Đặc biệt khó hơn với những ai vẫn phải đi làm, để trẻ ở nhà trông nhau hay ở cùng ông bà, người giúp việc. Có nhóm các bà mẹ thay phiên nhau xin nghỉ để trông một nhóm con mình, con bạn. Thôi thì, cùng nhau vượt khó vậy! 

Kênh Youtube an toàn dành cho trẻ em Việt Nam 

Kênh POPS Kids
Kênh giải trí, giáo dục cung cấp hàng ngàn video ca nhạc thiếu nhi như Mầm Chồi Lá, các clip hướng dẫn vẽ tranh trong Siêu Nhân Bút Chì, hàng loạt series hoạt hình nổi tiếng thế giới được Việt hóa.

Kênh Bé Bảo An, kênh Bé Bào Ngư

Bé Bảo An và bé Bào Ngư nổi tiếng với các bài hát thiếu nhi được trẻ từ mầm mon tới tiểu học rất yêu thích. 

Kênh Boomerang Việt Nam

Đây là kênh phim hoạt hình với các nhân vật nổi tiếng như Scooby Doo, Tom & Jerry, Chowder, Ben 10, Powerpuff Girls và nhiều phim hoạt hình được Việt hóa.

Kênh POPS Anime

Là kênh hoạt hình trực tuyến phát sóng các bộ phim hoạt hình có bản quyền dành cho thiếu nhi với những Sen Vàng Kids

Sen Vàng Kids là kênh video thực tế kể chuyện, nhạc thiếu nhi, review đồ chơi, game show truyền hình dành riêng cho trẻ em.

Kênh PA Channel

PA Channel là một kênh tổng hợp gồm rất nhiều video sinh động và hấp dẫn nhằm chỉ dẫn cho các em học các môn học ở cấp tiểu học như kỹ thuật lớp Bốn, kỹ thuật lớp năm… PA Channel còn có nhiều video hay các clip trò chơi mang tính giáo dục nhưng lại rất hấp dẫn đối với trẻ mẫu giáo, thông qua các trò chơi để trẻ học mà không cảm thấy nhàm chán… 

Kênh POPS Up

POPS Up là kênh giải trí hàng đầu dành cho thiếu nhi từ độ tuổi 6 - 12, với nhiều chương trình giáo dục, giải trí cao, giúp bé phát triển khả năng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

20 kênh Youtube vừa chơi vừa học “được lòng” trẻ em khắp thế giới:
1. Little Baby Bum: tập hợp các video bài hát cho trẻ em với hình ảnh động vật 3D sống động. 
2. Chuchu TV: tập hợp nhiều bài hát hay cho trẻ, hình ảnh hoạt hình 
dễ thương. 
3. Baby Big Mouth: kênh liên quan đến đồ chơi, trẻ có thể học hát hoặc nhảy, học về màu sắc, số đếm... 
4. Simple Kids Crafts: rèn luyện cho con một số kỹ năng cơ bản, xây dựng nơi trẻ ý thức, tận dụng và tái chế vật dụng đã qua sử dụng. 
5. HooplaKidz: cung cấp kiến thức văn hóa của nhiều quốc gia, đồng thời dạy trẻ những từ vựng tiếng Anh đơn giản. 
6. Kids TV: mỗi video có thể là một bài hát đơn giản giúp bé tập đếm, nhận biết mặt chữ.
7. KidsTV123: dạy trẻ cách ghép thành những chữ đơn giản với hình ảnh sống động, nhiều màu sắc.
8. Mother Goose Club: tập hợp những bài hát dễ nghe. 
9. Super Simple Songs: sử dụng những bài hát đơn giản làm nhạc đệm và lồng ghép vào những bài học khác nhau. 
10. Kids Channel: dành cho các bé năng động và yêu thích ô tô. 
11. Peppa Pig: mỗi tập phim, bé sẽ được tìm hiểu và học các từ vựng tiếng Anh mới.
12. Masha and The Bear: tập hợp các tập phim về cuộc phiêu lưu thú vị và hài hước của cô bé Masha với chú gấu khổng lồ.
13. Disney Shorts: nội dung xoay quanh hành trình của chú chuột Mickey cùng những người bạn.
14. Mighty Toys: hướng dẫn trẻ nặn đất sét, cha mẹ cũng có thể chơi cùng trẻ.
15. Art for Kids Hub: dành cho trẻ em khéo tay và mê hội họa.
16. Shemaroo - Kids: chia sẻ kiến thức về tiếng Anh với những bộ phim từng đoạt giải.
17. Animated Stories: BookBox Inc: dạy tiếng Anh qua sách. 
18. APPU Series: dành cho trẻ em và các bậc phụ huynh mê phim ảnh.
19. Magic English: dạy tiếng Anh cho bé từ các video, phim của Walt Disney. 
20. Dream English Kids Songs: qua kênh này, bé sẽ được học tiếng Anh với anh Matt vui tính.
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI