Vợ tôi - một giáo viên... rộn ràng

20/11/2022 - 19:49

PNO - Vợ tôi nói, giáo viên THPT được sống với thanh xuân vui vẻ của nhiều thế hệ học trò. Đấy là một vinh dự.

Vợ tôi là một cô giáo. Hồi chưa về một nhà, thú thực tôi từng nghĩ đó là một nghề nhàn hạ, nếu kết hôn với cô ấy, vợ tôi sẽ nhiều thời gian cho gia đình. Sau này, bằng cuộc hôn nhân hơn 10 năm, tôi mới hiểu ra, điều đó hoàn toàn không phải.

Tôi đi làm xa, hai đứa con của chúng tôi từ nhỏ tới lớn cứ theo một bánh răng ăn khớp với thời gian biểu của mẹ. Nếu nói rằng vợ tôi nhàn thì hoàn toàn không phải. Cô ấy khá bận rộn với bài vở, những việc không tên mà người ngoài ngành giáo dục không thể hiểu. Thậm chí có một khoảng thời gian cô ấy đã nghĩ tới chuyện dừng bước.

Nhưng rồi có lẽ là duyên, cho đến giờ vợ tôi vẫn là một cô giáo dạy trung học. Hình như sau khoảng thời gian stress, cô ấy nghiêm túc bắt bản thân mình chỉ lựa chọn những điều tích cực.

Những bàn luận, bình phẩm về nghề giáo trên mạng xã hội, cô ấy không đọc nữa. “Nhắm một mắt lại thì mọi thứ sẽ tươi mới hơn”, câu nói đùa của vợ vậy mà hiệu nghiệm.

Hình minh họa
Hình minh họa

Vợ tôi nói được là một cô giáo THPT là một vinh dự vì được sống với thanh xuân vui vẻ của nhiều thế hệ học trò. Những hoạt động tập thể, những phong trào thể dục thể thao, những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời học trò, vợ tôi luôn có mặt. “Giống như mình được sống thêm tuổi trẻ vậy”, vợ nói, và quả thực, vợ tôi luôn “bắt trend”, rộn ràng, vui vẻ với tụi nhỏ.

Cô ấy hay hào hứng nói về những tích cực của tuổi trẻ, về đứa nhỏ này đang rất cố gắng, về đứa kia đang nhờ cô gỡ giùm một mớ tơ lòng, về những bức tranh ngộ nghĩnh bọn nhỏ vẽ dành cho cô, về một câu nói ấm áp của một học trò tình cảm…

Những muộn phiền, chắc có, nhưng vợ tôi không mang về nhà. Qua vài lần nghe vợ  điện thoại với phụ huynh, tôi biết vợ cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng cô ấy biết tìm cách giải quyết để bớt đi những cằn nhằn.

Những năm gần đây, vợ tôi chọn dành cho bản thân trọn vẹn sự nghỉ ngơi trong Ngày nhà giáo 20/11. Cô ấy thường nói với học trò, rằng trong những ngày lễ trọng đại, cô sẽ không ở nhà.

Mà đúng là vợ tôi không ở nhà để tiếp khách ngày lễ tết. Cả nhà tôi sẽ đưa con đi trải nghiệm, đi nghỉ ngơi, hoặc cho hai đứa nhỏ về quê câu cá. Những cuộc điện thoại… cô ấy cũng lặng lẽ tắt đi.

Hình minh họa
Hình minh họa

Năm nay cũng vậy, vợ tôi từ chối gặp mặt học trò ngày lễ. “Biết ơn cô, các em hãy để trong lòng và thể hiện bằng thái độ học tập”. Cô ấy nói với học trò như vậy và lại từ chối các cuộc hẹn ngày 20/11.

Tôi thắc với vợ khi cô ấy hẹn cả với học trò cũ vào dịp khác. Câu trả lời của vợ gọn ghẽ: "Em muốn dùng chính ngày đó để nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng cho chính mình".

Tôi biết, vợ tôi đã học được cách tìm sự tích cực của nghề, khi mà vẫn có những ì xèo ở đâu đó. Cô ấy lẳng lặng tránh đi những ồn ào, để sống thực sự với những bài giảng cùng đám học trò dáng hình lộc ngộc.

Mỗi người chọn một niềm vui để sống, mỗi người có một cách nhìn một quan điểm riêng về từng vấn đề. Riêng tôi, cách vợ không than vãn kêu ca về nghề mà tìm ra những điều vui vẻ để hòa nhập thực sự đáng trân trọng.

Đỗ Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trần Hoa 23-11-2022 19:26:10

    Tôi cũng là một GV THPT, thật hiếm hoi đọc được một bài viết về nghề giáo và tâm sự với nghề có cùng góc nhìn với tôi như thế. Tôi cũng rất hi vọng mình có thể làm được như cô giáo trong bài đã làm. Cảm ơn tác giả!

  • TrầnHyVan 22-11-2022 07:21:24

    Tôi thích suy nghĩ của cô giáo trong bài viết, vì..tôi cũng giống cô ấy, ngày lễ là không tiếp khách. Tình cảm của học trò thể hiện qua thái độ học tập. Dành ngày lễ để nạp lại năng lượng cho bản thân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI