Về già một mình

10/12/2019 - 18:00

PNO - Bà Năm ở trong căn nhà có vườn rộng, trị giá bạc tỷ. Nhưng tận mắt thấy bà Năm cô độc trong lúc đau yếu, tôi mới thật sự hiểu giá trị của một gia đình.

Buổi chiều tắt nắng, như mọi ngày, tôi đẩy xe đưa đứa cháu gần hai tuổi đi dạo. Con đường trước nhà rợp bóng cây xanh, mát mẻ và sạch thoáng. Mấy đứa trẻ lớn hơn thấy em bé liền xúm lại làm quen rồi đi theo chơi cùng. Bỗng một cô bé khựng lại: “Bà Năm kìa! Ba con nói bà bệnh nằm liệt giường sắp chết, sao bây giờ bà đi ra đường được vậy cô?”. Tôi chỉ biết trả lời bằng cách đoán, có lẽ bà đã khỏe lại.

Ve gia mot minh
Ảnh minh họa

Bà Năm vừa bước ra khỏi cửa tiệm tạp hóa. Bà mua mấy cuộn giấy vệ sinh, mì gói và vài thứ lặt vặt. Trông bà chỉ còn da bọc xương, đầu tóc rối bù, đôi mắt vô hồn. Tay chống gậy, bà nhích được vài bước lại dừng. Đưa mắt về phía chúng tôi, bà có vẻ tìm kiếm sự giúp đỡ. Tôi nói với cô bé lớn nhất trong bọn trẻ: “Cô phải ở đây giữ em bé, con chạy lại xách đồ về nhà giúp bà đi”. 

Nhanh như cắt, cô bé đến bên bà cụ, đón lấy túi hàng mang về nhà. Khi quay trở lại, thấy bà Năm vẫn nhích dần từng bước, cô bé choàng tay bà lên vai mình rồi dìu đến tận cửa. “Con thấy bà phải bò vào nhà đó cô. Bà mệt như thế làm sao nấu ăn? Lỡ bà chết trong nhà cũng không ai biết”. 

Bà Năm không chồng con, sống một mình, ít giao tiếp với ai. Mấy tháng trước, hàng xóm thấy bà ngất trong vườn, họ vội chở đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ bảo bà phải nhập viện một thời gian để chữa trị, nhưng bà Năm không có thân nhân chăm sóc, đành xin về nhà uống thuốc cầm cự qua ngày. Từ đó, sức khỏe của bà càng tệ hơn.

Thỉnh thoảng họ hàng từ nơi xa cũng đến thăm nom bà Năm, nhưng cũng không thể ở lâu. Nghe nói mọi người bàn với nhau chọn một đứa cháu về lo cho bà trong những ngày cuối đời. Khi bà nằm xuống, nhà cửa vườn tược của bà sẽ được giao cho đứa cháu ấy.

Ve gia mot minh
Ảnh minh họa

Tuy căn nhà đơn sơ nhưng đất vườn khá rộng, trị giá bạc tỷ. Không ai muốn giao tài sản lớn như vậy cho riêng một người. Chẳng nói ra nhưng họ đều muốn mỗi người được hưởng một phần nào đó. Bà Năm không tham gia tính toán việc này. Bà cũng không biết anh chị em họ của bà đã bàn bạc những gì. Mọi ý kiến hướng đến chuyện chăm sóc bà Năm đều không khả thi. Cuối cùng, bà vẫn cô độc một mình.

Chị hàng xóm nói cả tuần không thấy nhà bà Năm mở cửa, đèn bật sáng cả đêm lẫn ngày. Chị lo lắng, bế con sang thăm mới biết bà nằm vùi, không ngồi dậy nổi. Thuốc men, thức ăn, nước uống được bà đặt sẵn trên một chiếc bàn kê sát giường. Không thể vào bếp nên bà ăn mì gói khô. Chị giúp mua tô cháo nóng rồi gọi điện báo tin cho người em họ thường lui tới thăm bà.

Mỗi lần tôi kể tình hình của bà Năm cho mẹ tôi nghe, mẹ đều liên tưởng đến đứa con gái ở tuổi bốn mươi vẫn chưa chịu lấy chồng. “Nhìn người ta mà liệu lo thân. Một mình về già khổ vậy đó. Phải có chồng con, có một gia đình. Mẹ đâu thể sống hoài với con…”.

Thường thì tôi sẽ cãi chày cãi cối hoặc pha trò chọc cười để lái suy nghĩ của mẹ sang hướng khác. Nhưng gần đây tôi im lặng. Tôi biết mẹ lo lắng nhiều và nỗi lo ấy là thực tế.

Ai cũng cần những người thân chung một mái nhà để yêu thương, đùm bọc và nâng đỡ. Khi tận tai nghe, tận mắt thấy bà Năm cô độc trong lúc đau yếu, tôi mới thật sự hiểu giá trị của một gia đình. 

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI