Tuyên vợ hoặc chồng mất tích để ly hôn: Không dễ!

02/03/2021 - 05:59

PNO - Một trong những mất mát lớn nhất của đời người là mất niềm tin, mất mái ấm.

Một tình huống thực tế trong hôn nhân

Cả tuần nay, tại quán cà phê ở khu phố tôi, giới bình dân vừa uống cà phê vừa “lướt Phây” rồi xôn xao “bình loạn” vụ án ly hôn của một đại gia TP.HCM.

Thực tế cuộc sống cho thấy, có rất nhiều cặp vợ chồng không còn chung sống, một hoặc cả hai đã rời nơi cư trú từ lâu, nhưng trên giấy tờ, họ vẫn là vợ chồng hợp lệ. Nếu một bên có nguyện vọng ly hôn, để làm thủ tục ly hôn, tòa án sẽ phải ra các thông báo tìm người còn lại để trở về làm thủ tục ly hôn. 

Toà án có các quy trình chặt chẽ trong việc tuyên bố một người mất tích - Ảnh minh họa
Toà án có các quy trình chặt chẽ trong việc tuyên bố một người mất tích - Ảnh minh họa

Đọc các bài báo có hàng chữ “đề nghị tòa án tuyên bố vợ mất tích”, có anh tếu táo “nổ”: “Chắc tui noi gương ông kia nhờ tòa án tuyên “gấu nhà” mất tích để tuyển gấu khác”.

Anh khác cười giòn, đốp lại: “Chắc không ông bạn? Coi chừng thừa lúc ông đi làm ăn xa, ở nhà vợ cho ông “mất tích” thì khốn khổ; không khéo vợ ông thành vợ người khác, con ông bị gã khác sai, còn tài sản ông thì bị kẻ khác xài”. 

Hết bình luận này tới bình luận khác liên tục tuôn ra cho cái đề tài mà giới bình dân nhận định là có nhiều chi tiết lắt léo và chưa đối mặt thì không thể biết. Họ kháo nhau: để xem tòa xử vụ ly hôn của đại gia thế nào? Một anh nói: “Chờ kết quả lâu lắm, ly hôn là việc của họ, tôi chỉ quan tâm hai từ “mất tích” và hậu quả đi kèm, bởi tôi đi làm ăn xa, ít về nhà”. 

Việc “hô biến” một người còn sống không đơn giản

Chúng tôi đã gửi tình huống này cho luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM) và được giải đáp như sau:

Theo quy định tại điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 về tuyên bố mất tích thì: khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Trường hợp tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản (điều 69 Bộ luật Dân sự 2015).

Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.

Một trong những mất mát lớn nhất của đời người là mất niềm tin, mất mái ấm. Ảnh minh họa
Một trong những mất mát lớn nhất của đời người là mất niềm tin, mất mái ấm. Ảnh minh họa

Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.

Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, các cặp vợ chồng ngoài đồng thuận ly hôn, đơn phương ly hôn còn có thể yêu cầu tòa án tuyên bố đối tác mất tích để làm căn cứ ly hôn. Nếu trong thời gian tòa thụ lý đơn mà người mất tích trở về, thì tòa ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu mất tích.

Về thủ tục, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (điều 387-389), khi nộp đơn yêu cầu đối tác mất tích, đương sự cần chứng minh cho việc đã dùng mọi cách liên lạc mà người kia vẫn biệt tích. 

Nếu thấy có căn cứ, tòa án sẽ ra thông báo tìm kiếm người mất tích để đăng trên ba số báo trung ương, rồi mới cân nhắc ra quyết định một người mất tích. Nói chung, quy trình khá chặt chẽ và đương sự không dễ qua mặt tòa án để thỏa mãn yêu cầu tuyên một người mất tích, trừ khi họ mất tích thật sự.

Một trong những mất mát lớn nhất của đời người là mất niềm tin, mất mái ấm. Ngày mà vợ/chồng nhận quyết định của tòa án tuyên bố đối tác của mình mất tích cũng là ngày chúng ta mất mái ấm về mặt pháp lý. Và liệu rằng khi ta toàn quyền quản lý tài sản của gia đình mình do đối tác bị tuyên mất tích thì bạn cảm thấy mình nhẹ nhõm hay nặng nề; vui sướng hay đau khổ? 

Vì vậy, bạn hãy cân nhắc trước khi đưa ra quyết định, bởi quyết định nào cũng có cái giá của nó. 

Hoàng Sâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI