Trẻ khốn khổ vì “bị khoe” thành tích học tập

19/07/2022 - 05:55

PNO - Cha mẹ không biết rằng hành động khoe con và thành tích học tập của con lên mạng xã hội vô tình tạo thêm áp lực cho con.

Sau mỗi kỳ thi, kết thúc năm học mạng xã hội lại rào rào câu chuyện khoe bảng điểm, thành tích học tập của con để “chia sẻ” với mọi người.

Chị Lê Thu H. (ngụ tại Phạm Ngũ Lão, TPHCM) cho biết chị rất thích khoe điểm của con. Từ ngày con gái học lớp 1 cho tới bây giờ con học lớp 11 mỗi năm chị đều khoe bảng điểm của con. Con gái chị cũng năng nổ đi thi các kỳ thi tiếng Anh, toán, cờ vua, mỹ thuật. Mỗi lần con đi thi là chị thích thú chia sẻ thành tích của bé để nhận được động viên của bạn bè, người thân.

Đợt cuối năm học này, chị đi họp phụ huynh cho con và phấn khởi với tổng kết, vì các môn đều trên 8.0. Chị định đưa lên mạng xã hội thì con gái năn nỉ: “Mẹ đừng cho bảng điểm của con lên Facebook đấy nhé”.

Nghe con nói vậy, chị H. chưa hiểu còn tưởng con nói đùa. Khi con gái nói rằng: “Con không thích bị người ta nhìn vào bảng điểm của mình”, chị H. mới nghĩ lại gần 12 năm qua chị vô tư khoe thành tích của con mà không hề để ý xem con có thích điều đó không?

Kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi, chị Nguyễn Thị Minh (ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng hăm hở khoe thành tích của con trai “heo vàng” đã vào lớp 10 với 40,5 điểm. Vợ chồng chị Minh chỉ nghĩ rằng khoe điểm con để chia sẻ niềm vui của cả nhà với mọi người. 

Tuy nhiên, một phụ huynh trong nhóm phụ huynh của lớp đã chia sẻ những “cảm xúc của gia đình” khi con thi chỉ đạt 27 điểm. Cả nhà đều rối bời vì không biết cho con học ở đâu. Trước, trượt trường công ra trường tư học nhưng hiện tại trường tư cũng xét điểm thi. Cả nhà cuống cuồng, con thì nước mắt lưng tròng.

Nghe tâm sự của vị phụ huynh đó, chị Minh buồn và thương các con về kỳ thi quá áp lực nên đã khoá bài viết trước đó.

A
Bạn hãy hỏi ý kiến con trước khi khoe thành tích của con lên mạng (Ảnh minh họa)

Theo thạc sĩ Lê Minh Huân - nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM, trước khi muốn khoe thành tích của con lên mạng xã hội, phụ huynh nên hỏi ý kiến con và hạn chế khoe. Thông thường, con có học giỏi, có điểm cao cha mẹ mới khoe, nhưng dù kết quả thế nào, đều có thể vấp phải những bình luận không hay từ phụ huynh khác.

Đôi khi, bạn khoe thành tích của con cũng khiến phụ huynh có con điểm thấp thấy chạnh lòng, tổn thương. Bất kỳ ai đều trải qua tuổi học sinh đều thấm thía câu nói bất hủ: "con nhà người ta". Nó thành một nỗi ám ảnh với rất nhiều người.

Thạc sĩ Huân cho rằng, về cơ bản, trẻ không thích thông tin cá nhân hoặc thành tích của mình bị nhiều người biết. Vì vậy, phụ huynh hãy quan tâm đến cảm xúc của trẻ và tinh tế khi "khoe con".

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD - Đại học quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng việc bố mẹ chia sẻ các thông tin của con trên mạng xã hội là không nên. Cha mẹ cần biết xem thông tin nào là thông tin mang tính chất riêng tư, thông tin nào nên khoe. 

Theo PGS Nam, việc chúng ta khoe con cũng tạo áp lực cho con. Nhiều bà mẹ thêm phần tự hào nói quá lên, nên đứa trẻ thấy áp lực vì cha mẹ kỳ vọng vào mình. Khi đứa trẻ không hoàn thành việc gì, trẻ sẽ tự trách mình thất bại, không hoàn hảo, không vừa lòng cha mẹ. 

“Con của bạn có thể thành công đợt này nhưng biết đâu trong tương lai con phải đối diện với nhiều thất bại trong cuộc đời” - PGS Nam nêu quan điểm.

Nhiều cha mẹ khoe thành tích của con lên mạng mà không biết rằng chính con mình “bị khen”, chứ không phải được khen. Vì vậy, khi con thành công, bạn chỉ nên chia sẻ nội bộ gia đình, để đứa trẻ cảm thấy những cố gắng của chúng được ghi nhận và cha mẹ tự hào về mình.  

Ngoài ra, PGS Nam cho rằng, việc khoe điểm của con lên mạng đôi khi cũng bộc lộ tâm thế của cha mẹ đang hoang mang chưa biết cách làm cha mẹ tốt. 

“Cha mẹ khoe thành tích của con để thể hiện với thế giới “Tôi biết làm cha mẹ, tôi làm cha mẹ tốt nên con tôi được như thế”. Nhưng thực tế, cha mẹ tự tin làm tốt cho con thì họ rất ít khoe thành tích của con lên mạng. Không chỉ vậy, nhiều cha mẹ lấy thành tích của con bù trừ cho thất bại của mình ở ngày trước. Cha mẹ không biết rằng con cái đang gánh ước mơ của cha mẹ không thực hiện được lúc bé” - PGS Nam nhìn nhận.

An Nhiên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI