"Tôi mù chữ nhưng con tôi là học sinh giỏi cấp tỉnh"

26/02/2024 - 14:32

PNO - Ông Tam bị tật nguyền từ nhỏ, phải “bước đi” bằng 2 tay. Nghèo khó và bệnh tật bủa vây gia đình ông, nhưng các thành viên vẫn nỗ lực hết sức.

Ông Trần Văn Tam (56 tuổi), ở thôn Hòa Thạnh, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, bị tật nguyền từ nhỏ nên luôn "đứng trong tư thế ngồi".

Dịp tết Giáp Thìn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Tuy An tổ chức chương trình Gala kết nối yêu thương gắn với phiên chợ 0 đồng, tại hội trường UBND xã An Cư. Nhiều người cảm động khi nhìn người đàn ông “bước đi” bằng 2 tay.

Chương trình Gala tặng quà cho 80 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật. Ông Trần Văn Tam (56 tuổi), từ ngoài sân “bước đi” bằng 2 tay vào hội trường UBND xã An Cư rồi lết lên sân khấu “đứng trong tư thế ngồi” xếp hàng nhận quà. 

Ông Tam “đứng trong tư thế ngồi” xếp hàng với dãy người đang đứng trên sân khấu nhận quà. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Ông Tam “đứng trong tư thế ngồi” xếp hàng với dãy người đang đứng trên sân khấu nhận quà. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Lúc ra sân ủy ban xã, ông Tam chia sẻ rằng ông bị tật từ nhỏ. Gần đây ông phải chạy thận 1 tuần 3 lần. Mỗi lần chạy thận, ông dùng xe ba bánh (xe máy dành cho người tật nguyền) chở vợ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Rồi vợ cõng ông từ hành lang bệnh viện vào phòng chạy thận. Đến nơi, ông ở đó chờ chạy thận, còn vợ đi lượm ve chai. Chiều, vợ ông ngồi sau xe, dựa lưng vào bao nhôm nhựa và ông lái xe chở vợ về.

Nhiều người dọn dẹp dành đường “ưu tiên” xe 3 bánh của Tam chạy về nhà
Nhiều người dọn dẹp dành đường “ưu tiên” xe 3 bánh của Tam chạy về nhà

Bà Hồ Thị Vân (65 tuổi), ở gần nhà ông Tam, cùng đi nhận quà cho biết: "Chồng tôi cũng đi chạy thận cùng với Tam. Hôm nay tôi nhận suất quà của chồng. Nhà ở gần nên tôi biết rõ, Tam về nhà là vợ cõng đi cắt cỏ cho bò. Ráng làm nuôi con".

Ông Tam bằm rau nấu cháo nuôi heo. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Ông Tam bằm rau nấu cháo nuôi heo. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Chương trình Gala kết nối yêu thương gắn với phiên chợ 0 đồng phục vụ gần 300 hộ nghèo, gia đình khó khăn, người già neo đơn, trên sân UBND xã chỉ có “một mình” ông Tam bước đi khác lạ. Và cũng trên sân UBND xã, bà Hồ Thị Vân dắt xe dọn dẹp đường “ưu tiên” xe 3 bánh của Tam chạy về nhà. Ngồi lên xe, ông Tam nói: "Tranh thủ về lo đứa con bị bệnh tâm thần".

Từ chợ Gành, cạnh quốc lộ 1A thuộc thôn Phú Tân 2, xã An Cư, theo đường bê tông “bắt dốc” chúng tôi tìm đến nhà ông Tam. Ngôi nhà cấp 4 nằm trên đỉnh đồi, phía sau là dòng suối. Hỏi vợ đâu, ông Tam “giới thiệu” vợ đi cuốc cỏ mướn ở dưới suối.

Vợ ông tên Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1971), 2 người đến với nhau đã 21 năm. Duyên nợ xui khiến họ gặp nhau ở Sài Gòn, ngày đó ông Tam bán vé số, còn bà Hoa nấu cơm, rửa chén mướn.

Ông Tam đổ rau vào nồi nấu cháo nuôi bò. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Ông Tam đổ rau vào nồi nấu cháo nuôi bò. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Ông Tam quê ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Cha ông mất trong chiến tranh, mẹ mất lúc chừng 17 tuổi, khi ấy em gái ông 13 tuổi.

Không còn ai thân thiết, 2 anh em đùm lên Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai) vì có ông chú trên đó. Sau đó ông Tam vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán bé số. Sau những tháng ngày bán vé số, ông gặp bà Hoa, họ đưa nhau về quê vợ thôn Hòa Thạnh, xã An Cư.

“Ngôi nhà lúc đó tranh không ra tranh rạ không ra rạ, lọt dưới hố. Vợ có đứa con riêng Nguyễn Thị Phượng năm nay 29 tuổi, bị tâm thần lúc nhỏ. Từ An Cư, tôi ngược vào Sài Gòn bán vế số kiếm tiền chạy chữa cho Phượng. Bao nhiêu năm chạy chữa nhiều nơi từ bệnh viện huyện đến tỉnh rồi bệnh viện Sài Gòn cũng không khỏi”, ông Tam nói.

Ông Tam nhớ lại, mưu sinh bán vé số, hôm nào bán chạy thì ăn hộp cơm đầy đủ 3. Ngày rằm, mùng 1 thì sống dựa vào nồi cháo và bánh mì từ thiện, dành tiền gửi về quê chữa bệnh cho con.

Vợ chồng ông Tam có 2 con chung, con gái đầu Trần Thị Mỹ Sinh (21 tuổi, sinh viên năm 3 Đại học Huế) và Trần Thị  Quyên, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An, Phú Yên)

Cầm xấp giấy khen của con, ông Tam tự hào: "Vợ chồng tôi mù chữ, nhưng con của tôi có đứa học sinh giỏi cấp tỉnh. Thời gian trước tôi ráng bán vé số kiếm tiền nuôi con ăn học. Cách đây 5 năm tôi bị bệnh thận, chạy thận tuần 3 lần, cũng từ đó bỏ nghề bán vé số".

Đi chạy thận về ông Tam được vợ cõng xuống suối sau nhà cắt cỏ, rau muống về ngồi bằm rau heo, nấu cháo bò. Nhà ông nuôi rẽ bò (chủ bò cung cấp bò giống, nuôi lớn bán chia đôi), và nuôi 2 con heo để lo chi phí cho con ăn học.

Giấy khen của 2 đứa con. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Giấy khen của 2 đứa con ông Tam. Ảnh: Mạnh Hoài Nam 

Nhiều người trong xóm nghẹn ngào nói: "Tam tật nguyền nhưng nghị lực, chịu khó không mở miệng than khổ nửa lời. Vợ thì cuốc cỏ mướn, lượm nhôm nhựa..."

Bà Phạm Thị Hồng Nhựt, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Tuy An cho biết: "Chương trình Gala kết nối yêu thương gắn với phiên chợ 0 đồng lan tỏa tinh thần nhân ái, thể hiện tinh thần sẻ chia với các hoàn cảnh hoạn nạn, nạn nhân chất độc da cam điôxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người dễ bị tổn thương, giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện".

Mạnh Hoài Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI