Tình… non

13/05/2022 - 11:56

PNO - Khi phụ huynh Việt luôn lo lắng với chuyện yêu sớm của trẻ con, thì giới mê phim lại “mục sở thị” vấn đề này trong bộ phim truyền hình đang chiếu "Our Blues". Bộ phim gây bão với nội dung: Một cặp học sinh trung học yêu nhau, có thai ngoài ý muốn và đôi trẻ khổ sở giải quyết hậu quả. Sự đau khổ đã lan sang hai gia đình khi chuyện động trời vỡ lở. Rõ ràng là chuyện thật hay tình tiết trên phim, thì việc “hươu non” yêu luôn là mối bận tâm lớn của phần lớn cha mẹ.

 

Không cho yêu là con bỏ nhà đi bụi 

P. - học sinh lớp Chín một trường THCS ở Q.8, TP.HCM - công khai có bạn trai tặng thú bông, son môi, dẫn đi uống trà sữa, xem phim… Khi một bạn cùng lớp mượn vở của P. đã phát hiện mẩu giấy kẹp trong quyển tập có dòng chữ “phá thai chưa?”. Chuyện P. mang thai xì xào khắp trường và sau đó, P. thấy khó sống nên phải chuyển trường. 

Bé Nguyễn T.H. năm lớp Bảy hay bị bạn bè chọc là “màn hình phẳng”. H. vừa mặc cảm với thân hình chưa phát triển, vừa quê vì không được bạn nam nào để ý. Do vậy, năm lớp Tám, khi K. (một học sinh cùng khối ở Trường THCS Lê Lợi, Q.Tân Phú, TP.HCM) “tán” là H. “đổ” ngay. 

Gần cuối năm học, mẹ H. bắt quả tang những tin nhắn mùi mẫn của H., nên mắng: “Mới nứt mắt đã yêu đương, cha mẹ còng lưng lo cho con ăn học, con có biết suy nghĩ không? Có lương tâm không?”. 

Và người mẹ càng sốc hơn, khi biết “lý lịch” người yêu của con gái là cậu học sinh quậy, học kém, luôn chống đối người lớn. Mẹ H. ra tối hậu thư: “Chia tay ngay. Nếu không, ra khỏi nhà”. 

Mẹ H. tịch thu điện thoại, giám sát máy vi tính, tìm mọi cách để H. không liên lạc với bạn trai. Trước sự phản ứng quyết liệt của mẹ, H. về nhà là vào phòng đóng chặt cửa, không trò chuyện và ăn cơm cùng gia đình. H. cũng ra tối hậu thư: “Con sẽ bỏ nhà đi bụi nếu mẹ can thiệp sâu vào cuộc sống của con”. 

Nữ sinh H.T., học lớp Tám một trường dân lập, “cờ rết” bạn cùng lớp là N.S. vì thấy S. đẹp trai và ngầu như ca sĩ Hàn Quốc. T. bật đèn xanh và “thả thính” khi vào “còm” trên Facebook của S. Sau đó, cả hai nhắn tin qua lại, và thế là yêu. 

Tình yêu của đôi bạn này làm “ngứa mắt” nhiều bạn cùng lớp vì cả hai hay thể hiện tình thương mến thương trong lớp học. Lâu lâu, bạn bè lại phải “méc” cô giáo để cô nhắc nhở, chấn chỉnh đôi tình nhân. Chuyện cũng đến tai phụ huynh của cả hai. Mẹ của T. và S. ngay lập tức cấm và bắt chia tay. T. khóc lóc, giận mẹ và đòi nghỉ học. Còn S. biểu tình, bỏ ăn, không chịu học. Hai bà mẹ đành nhân nhượng với điều kiện “không được chểnh mảng học tập”.

Thế nhưng, sau khi dừng học online, quay lại trường học thì S. nói lời chia tay, T. sốc, đau khổ. Sau khi chuyển lớp, T. đối diện với những lời xì xào của bạn bè “con T. bị bồ đá” nên đòi chuyển trường. 

Thấy con gái ủ ê, chẳng thiết tha ăn uống, học hành, mẹ của T. lên gặp giáo viên chủ nhiệm xin chuyển trường. Cô giáo tường tận chuyện tình cảm của hai bạn nhỏ nên khuyên mẹ đối diện với chuyện này và tìm cách vượt qua. 

Mỗi ngày cô trò đều tỉ tê tâm sự, hướng cho T. thấy còn nhiều điều đẹp đẽ khác ngoài tình yêu tuổi học trò. Cô gửi cho T. nhiều quyển sách như Bơ đi mà sống, Dám thất bại, Ngày xưa có một con bò

Sau một thời gian làm bạn với sách, T. đã vực dậy được tinh thần và hoàn toàn hồi phục sau hai tháng vật vã vì “hậu thất tình”, T. nhận ra “tình yêu là những rung động đẹp của tuổi học trò” và bây giờ khi cả hai sắp trưởng thành, T. thấy nhẹ lòng và trở lại là cô học trò vui vẻ, hồn nhiên, chăm học và hạnh phúc với tình yêu sách. 

Nhiều cha mẹ mua sách tâm lý lứa tuổi cho con đọc để tránh bỡ ngỡ (Ảnh minh họa)
Nhiều cha mẹ mua sách tâm lý lứa tuổi cho con đọc để tránh bỡ ngỡ (Ảnh minh họa)

Trái tim biết yêu khi nào? 

Hầu hết phụ huynh quan niệm “yêu trước khi vào đại học là yêu sớm”. Vậy, bao nhiêu tuổi yêu là vừa? Người viết làm khảo sát bỏ túi 30 phụ huynh thì 100% đều cho rằng “ít nhất phải học xong bậc THPT”. Có nhiều phụ huynh còn thường xuyên đe con “phải tập trung học, không được yêu đương nhăng nhít”. 

Anh Nguyễn M. - có con gái vừa xinh đẹp, vừa học giỏi, học lớp 11 Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Anh hay vừa răn, vừa đùa: “Phải tập trung học, yêu đương là ba chặt đứt chân”. Anh M. sợ con gái yêu sẽ xao nhãng học hành và không vào được trường y, trở thành bác sĩ như khát vọng của cả nhà nội. 

Cha mẹ luôn tìm cách ngăn chuyện tình cảm của con, trong khi ngày nay tâm sinh lý trẻ phát triển sớm, trẻ dậy thì sớm, nên trái tim bọn trẻ không ngủ yên. Ở tuổi 12 - 13, thậm chí sớm hơn, chúng đã có nhu cầu được yêu đương và cảm xúc giới tính. Đây là một thực tế mà dù không muốn phụ huynh cũng phải đối diện. 
Nhu cầu yêu, thích người khác giới là những cảm xúc bình thường của tuổi học trò. Sự “thích ứng trong điều kiện bình thường mới” của phụ huynh với những rung động của con là điều mang đến giá trị tích cực hơn. 

Như câu chuyện của H. và K., người mẹ thấy biện pháp cứng rắn không có tác dụng, nên đã thay đổi chiến thuật. Chị bình tĩnh xem lại quá trình học của con, thấy con vẫn giữ vững phong độ là học sinh giỏi và qua hỏi thăm cô giáo, chị cũng được biết cậu bé K. từ khi quen con gái chị cũng thay đổi, ngoan hơn và chăm học hơn. Vì vậy, mẹ của H. tạm yên tâm, quan sát và lắng nghe con. 

Hướng con tới các hoạt động thể thao, sinh hoạt cộng đồng cũng là cách giúp trẻ có lối sống lành mạnh (Ảnh minh họa)
Hướng con tới các hoạt động thể thao, sinh hoạt cộng đồng cũng là cách giúp trẻ có lối sống lành mạnh, không sa đà quá sâu vào yêu đương (Ảnh minh họa)

Đến năm lớp Chín, H. đã mở lòng với mẹ hơn về chuyện tình cảm. Mẹ H. cũng tiếp nhận bạn của con. Thỉnh thoảng, chị bảo H. rủ K. đến nhà ăn cơm, vợ chồng chị trò chuyện với K., động viên cả hai cùng cố gắng học để lớp 10 đậu được vào ngôi trường yêu thích. Kết quả, cả hai đều vào học ở Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú và vẫn là đôi bạn cùng tiến. 

Thuỳ Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI