Muốn chỉ đường cho hươu phải hiểu... ngôn ngữ hươu

12/05/2022 - 21:12

PNO - Crush là gì? Tại sao tụi nhỏ hay crush nhau? Chưa chắc phụ huynh nào cũng tỏ tường ngôn ngữ của đám trẻ bây giờ.

Làm cha một nữ sinh 13 tuổi thật khó. Mới ngày nào bé còn là cái đuôi của ba, cái gì cũng “Ba ơi”, “Ba hỡi”… nay đã tách ra thành một “quốc gia độc lập”, có màu cờ sắc áo và ngôn ngữ riêng.

Gần đây, nữ sinh 13 tuổi còn liên tục nhắc đến “cờ-rớt” (crush), tôi đoán là nói đến chuyện yêu đương. Tôi cũng ráng tìm kiếm để hiểu con nhưng mông lung lắm. Người làm sao hiểu được tiếng… hươu!

Vũ T.H. (TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Khi muốn ám chỉ một hoặc nhiều đối tượng đặc biệt nào đó, các cô cậu hươu thường dùng từ “cờ-rớt” rất linh hoạt, vui nhộn, phóng khoáng. Thậm chí, họ còn chỉ cho nhau bí kíp crush sao cho độc đáo, ấn tượng.

“Crush” đã xuất hiện từ thế kỷ XIV, từ tiếng Pháp cổ croissir. Những năm 1870, giới trẻ đã sử dụng từ này như tiếng lóng chỉ sự đắm đuối. Ở Việt Nam, từ khi ca sĩ David Archuleta ra mắt bài Crush (năm 2008) và khi bản hit Crush (năm 2018) của Tessa Violet trình làng, càng ngày giới trẻ càng thích sử dụng từ “crush” trong các đoạn hội thoại hay trong các bài đăng trên mạng xã hội. Từ này thường được giữ nguyên chứ không dịch sang tiếng Việt.

Crush là một từ tiếng Anh có nhiều nghĩa. Danh từ là sự ép, vắt, nghiến, sự đông đúc nói chung; động từ chỉ hành động nghiền, nhào, vò nát; tính từ có nghĩa cưng chiều, hâm mộ, mến mộ… nhưng ý nghĩa và ngữ cảnh được các hươu biến thành trào lưu là cụm từ: have a crush on somebody/someone (thích người nào đó/phải lòng ai đó).

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Hiểu như vậy thì “cờ-rớt” chẳng xa lạ gì với phụ huynh. Cha mẹ nào cũng từng crush mà chưa chắc crush của mình có thích lại không hay chỉ “cảm nắng”, “thương thầm nhớ trộm” người ta mà thôi. Các cô cậu thời nay thoáng hơn, chỉ cần hơi thích một ai đó đã được tính là đang crush rồi.

Crush khác love, like. Nó được dùng để nhấn mạnh mức độ tình cảm chủ động, bất chấp từ phía con của bạn với người có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bé. Tình cảm ấy có thể được đáp lại hoặc không và thường là… không được đáp lại. Bởi thế, nhiều người gán cho từ crush là “yêu đơn phương”, tình cảm một chiều. Trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, TikTok), bọn trẻ dùng “my crush” với nghĩa nôm na là người thương của tôi hay người trong lòng tôi. “Crush” được dùng cho ba đối tượng:

- Phổ biến nhất là tình cảm với bạn thân khác giới, gi gỉ gì gi, cái gì cũng biết về nó. Từ ăn gì, uống gì, thích xem phim gì, mê ca sĩ nào đến cỡ quần số bao nhiêu, cả những thói xấu nết tốt của nó. Biết quá nhiều sinh ra tâm lý quan tâm và từ đó gắn bó, tin tưởng lúc nào không hay. 

- Hâm mộ, ngưỡng mộ, tôn sùng, thán phục một người mà hươu xem là thần tượng. Có thể là một trai xinh gái đẹp trong trường hoặc người có tài năng. Có thể con chưa hề tiếp xúc hoặc có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu tính cách và cuộc sống thật của người ấy như thế nào nhưng… cứ “thích là nhích”. Chẳng hạn các nhóm nhạc nữ thu hút một lượng lớn người hâm mộ nữ, khiến các fan định hình cả hình ảnh cũng như phong cách của mình theo một xu hướng mạnh mẽ, cá tính và rất thời thượng. Tình cảm này qua đi theo trào lưu, như thời tiết, không nhất thiết có liên quan đến yêu đương: hôm nay crush người này, mai đã lại crush người khác. Có khi tụi nhỏ còn đặt hẳn danh hiệu “crush quốc dân” cho ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nào đó.

- Người khiến hươu mất ăn mất ngủ, muốn ghi điểm, thậm chí rang thính, thả thính thơm lừng. Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói của đối tượng đều ảnh hưởng đến tâm trạng của hươu, kiểu như “trên tình bạn, dưới tình yêu”. Nếu người đó không đáp lại, hươu có thể buồn rất nhiều, bị tổn thương và gục ngã.

Làm cha của một cô bé tuổi teen không dễ dàng nhưng làm bạn thì thú vị lắm, phụ huynh ạ!

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI