Tìm đâu lối thoát?

22/07/2013 - 16:39

PNO - PN - Xem là việc riêng, nghĩ rằng Hội Phụ nữ hay cơ quan công an cũng chỉ tham gia hòa giải, nên dù phải sống trong cảnh địa ngục khi bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” như cơm bữa, nhiều phụ nữ chỉ biết oằn mình chịu đựng,...

* Bà Từ Thu M. (đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM) bức xúc khi L., em gái mình không chịu tố cáo người chồng đầy thú tính. Bà M. cho biết: "Đ. - em rể tôi ngày càng lộ rõ bộ mặt vũ phu, chẳng những hành hạ vợ mà còn đày đọa con gái mình. Bị sẩy thai lần đầu, không lâu sau, thấy vợ có biểu hiện mang thai, lại nghe người ta nói nếu đứa trẻ ra đời sẽ không hạp tuổi, làm ăn thất bại nên Đ. bắt vợ bỏ đứa con. L. kiên quyết không chịu, Đ. liền đánh đập, hăm dọa đánh đến khi nào sẩy thai mới thôi. May thay, khi đi khám mới biết L. không có thai. Hai năm sau, L. sinh được đứa con gái, Đ. cho rằng đứa trẻ không điểm gì giống mình nên không chịu nhận, thường xuyên đánh đập cả hai mẹ con.

Tim dau loi thoat?

Khi còn sống, cha mẹ tôi bán nhà, đất chia cho các con, cho L. hai cây vàng. Chưa kịp tính toán làm ăn thì em gái tôi bị chồng hăm dọa, chiếm lấy. Tôi hỏi, L. nói: “Em sống với ổng mà không đưa hết vàng cho ổng, liệu sống có nổi không?”. Cả nhà tôi không ai dám can thiệp vì y như rằng, sau đó, L. bị chồng đánh nhiều hơn. Thời gian đầu, L. hay về ôm anh chị khóc kể. Có lần không chịu nổi, L. bỏ đi, quyết định sẽ chia tay, nhưng sau đó nghe con bệnh nặng, nghĩ thương con chịu khổ nên quay về. Còn bây giờ, chồng không muốn cho L. về với gia đình nữa nên hễ bị đánh, L. chỉ biết điện thoại cho anh chị khóc.

Đ. còn hành hạ con bằng cách bắt con học một buổi, thời gian còn lại phải đi gánh, xúc lúa (nhà có ruộng ở Bình Chánh). Nhiều hôm, làm đến 12 giờ đêm, đói bụng, con bé run bần bật mà Đ. vẫn bắt làm, nếu không sẽ bị đánh. Trên người cháu tôi chưa bao giờ lành lặn, nếu không là vết sẹo thì cũng vết ngắt nhéo bầm tím của Đ. Con bé rất hiền, học giỏi nhưng không chịu nổi sự đày đọa của cha, mới đây đã bỏ nhà đi. Ban đầu L. còn hốt hoảng báo với chúng tôi nhưng sau đó, cả vợ chồng L. đều khẳng định “con bé theo trai, con hư thì không cần nữa”. Tôi biết, do L. quá sợ đòn roi, nắm đấm của chồng mà trở nên nhu nhược, không dám trái ý chồng, không muốn tìm con vì sợ chứ lòng L. rất đau đớn.

Trước sự im lặng của L., chúng tôi rất bức xúc, lo lắng. Nghĩ đến sự an nguy của cháu, tôi không thể làm ngơ nên viết đơn gửi công an, Hội Phụ nữ, ủy ban phường nhưng không ai chịu giải quyết. Tất cả cho rằng: “Phải chính L. đứng ra gửi đơn, đến cơ quan chức năng trình báo mới được”. Tôi an ủi, động viên L. dũng cảm nói lên sự thật, tố cáo hành vi bạo hành, ngược đãi chồng con của Đ. nhưng L. đáp: “Ai đâu mà lo chuyện nhà mình? Em đã mệt mỏi lắm rồi, không muốn làm gì hết”. L. cũng không còn coi chúng tôi là chỗ dựa, bảo đây là việc riêng, không muốn ai “xía vô” khiến tôi đành bất lực".

* Chị Lê Thị Quý (P.6, Q.8, TP. HCM) lấy chồng hơn 20 năm, thì cũng từng ấy năm bị chồng bạo hành. Chị kể trong nước mắt: “Năm nay, con gái lớn của tôi đã 22 tuổi. Nhớ ngày mang thai cháu được một tháng, tôi bị chồng đánh thẳng vào bụng. Con gái ra đời được một tháng, tôi lại bị chồng đánh tím mặt. Những năm sau đó, hễ tranh cãi với nhau là chồng lại đấm thẳng vào mặt tôi”. Hơn 20 năm bạo hành vợ, ông Võ Văn Vân (chồng chị Quý) chưa một lần xin lỗi vợ, bởi ông cho rằng mình được phép “dạy” vợ bằng vũ lực, vợ mình… đáng bị đánh!

Một ngày giữa tháng 5/2010, bị đánh bầm cả hai mắt, chị Quý ra công an phường trình báo. Đại diện công an phường bảo “về nhà và chờ công an đến xác minh”. Vài ngày sau, công an chưa kịp đến xác minh thì chị lại bị chồng đánh. Chị chạy ra báo cáo công an phường, đại diện công an trả lời “bây giờ là 12 giờ, đang là giờ nghỉ trưa, chưa đến giờ làm việc, chị cứ về chờ xác minh”, chị lắc đầu ngao ngán. Sau đó, công an có đến nhà chị để xác minh, và kết quả là… chẳng xử phạt gì cả!

Chị Quý kể: “Bên công an bảo phải có giấy chứng thương thì mới có cơ sở để xử lý. Nhưng thử hỏi, một phụ nữ là thợ may, không rành các thủ tục ở cơ quan công quyền như tôi, làm sao có thể đưa bộ mặt sưng tím, đau đớn như thế đến chỗ này chỗ nọ để xin giấy chứng thương? Việc tôi bị đánh, cả xóm biết, chứ cần giấy tờ gì nữa?”. Không thể cậy nhờ công an, chị tự tìm cách cứu mình. Ngày 20/5/2010, chị tự thuê xe tải để chuyển một số đồ dùng cần thiết cùng một chiếc máy may - phương tiện kiếm sống của chị - xuống nhà một người bạn ở Bến Tre để tá túc.

Không còn "cơ hội" để bạo hành vợ, ông Vân quay sang chửi mắng nhà vợ, các chị em vợ. Đứa con gái đầu cũng bị ông nắm đầu đập vào tường, đập xuống nền nhà nhưng không ai dám vào can. Chị nói: “Chồng đánh tôi, sờ sờ ra đó mà còn không phạt nổi, nói chi đến việc phạt tội chửi mắng, xúc phạm người trong gia đình”. Hai năm nay, chị ly thân với chồng. Chị cũng đã nộp đơn xin ly hôn đến TAND Q.8. Thế nhưng, theo lời chị Quý, tòa bác đơn ly hôn với lý do “chưa đến mức trầm trọng để ly hôn”(?). Chị chua chát: “Bị chồng bạo hành liên tục, vợ chồng đã ly thân hai năm mà tòa còn bảo là chưa nghiêm trọng. Tôi đã nộp đơn lên TAND TP.HCM và hy vọng sớm được ly hôn để có chỗ ở, bởi chồng tôi vẫn ở trong căn nhà chung của chúng tôi, còn tôi và các con thì phải đi ở nhờ một cách khổ sở bên ngoài. Mấy mẹ con không dám về ở chung vì sợ tiếp tục bị bạo hành”.

Chị Quý cho biết, lý do ông Vân bạo hành vợ, chủ yếu là do mâu thuẫn về tiền bạc. “Ông ấy có thể thường xuyên ăn một tô phở vài chục ngàn đồng, nhưng khi thấy tôi cho các con ăn sáng là ông ấy chửi, bảo mấy mẹ con tiêu hoang. Là đàn ông, nhưng ông ấy tính từng cắc, không hài lòng về chuyện tiền nong lại gây sự và đánh vợ, đánh con. Tôi đã ở trong “địa ngục” này hơn 20 năm, bây giờ, bằng mọi cách, tôi phải thoát khỏi nơi ấy” - chị Quý nghẹn ngào nói.

 Tuyết Dân - Trần Triều

Bao giờ hết bạo hành?

Đã có sự hỗ trợ pháp lý của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có đường dây nóng, nhà tạm lánh, Hội Phụ nữ, công an, chính quyền địa phương và bà con lối xóm... nhưng vấn đề là rất nhiều phụ nữ không làm được vì không dám làm, vì sĩ diện gia đình, vì sợ bị hành hung nhiều hơn do hình phạt dành cho người bạo hành không đủ để ngăn chặn họ tái phạm.

Để có đủ chứng cứ về bạo hành là không đơn giản vì phải mất thời gian, tiền bạc đến bệnh viện giám định, phải có người làm chứng về hành vi bạo hành, nếu người đàn ông phải nộp phạt thì cũng là thu nhập của gia đình, nên đa số phụ nữ không dám tố cáo hành vi bạo lực của chồng...

Vấn đề đặt ra là tại sao người phụ nữ phải trói buộc cuộc đời mình với người đàn ông bạo hành? Sẽ có hàng trăm lý do khác nhau. Vì vậy vấn đề bạo lực gia đình cần nhiều biện pháp từ nhiều hướng: luật pháp, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đoàn thể, dư luận xã hội...

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trung tâm Tư vấn tâm lý TY-HNGĐ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI