Tình cha

15/02/2014 - 12:18

PNO - PN - Từ nhỏ đến lớn, tôi chẳng mấy khi gần gũi cha. Trong ký ức tuổi thơ của anh em tôi, hình ảnh cha luôn hiện ra dữ tợn. Mỗi lần anh em tôi làm sai điều gì, chỉ sau một tiếng quát chói tai, cha tôi vớ được...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tuổi thơ thấm thía những trận đòn tứa máu của cha nên con cái đứa nào cũng sợ cha. Những ngày lễ tết, ba anh em tôi về nhà thường chỉ chuyện trò với mẹ. Chỉ khi nào cha hỏi chuyện thì chúng tôi mới trả lời. Nhưng đó chỉ là những câu chuyện đứt quãng, chẳng mấy khi tự nhiên.

Trong nhà, người hứng chịu những trận đòn của cha nhiều nhất là anh Hai. Vốn tính ngỗ ngược, ưa nổi loạn, ngay từ nhỏ, anh Hai đã làm hàng xóm bao phen điêu đứng. Khi thì thó mó củ khoai, buồng chuối, khi thì đánh lộn với đám trẻ trong xóm. Tính khí của cha nóng nảy nên trước những lỗi lầm của anh Hai, cha tôi giận phừng phừng. Có khi cha đánh anh Hai gãy cả bó cây râm bụt. Mẹ luôn là người ôm anh Hai khóc. Mẹ thương con nhưng mẹ cũng sợ chồng.

Tình cha

Năm 15 tuổi, anh Hai bỏ nhà đi bụi. Mẹ vừa khóc vừa đi tìm. Cha vẫn giữ thái độ thản nhiên. Cha lạnh lùng: “Coi như tôi không có đứa con như nó”. Nói vậy nhưng sau đó ít ngày, cha tức tốc lên thành phố. Một tháng ròng rã đảo quanh các công viên, cuối cùng cha cũng lần ra chỗ ở của anh Hai. Cha quyết định gửi anh Hai cho người bác nuôi ở thành phố. Anh Hai chính thức cắt hộ khẩu ở quê, nhập vào gia đình bác với danh phận “con nuôi”. Anh Hai học được nghề sửa xe gắn máy của bác. Nhưng “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Một lần gây lộn với ông khách khó tính, không kiềm chế được cơn giận, sẵn trong tay có cái cưa, anh tôi đã vung cưa tới tấp. Sau đó anh Hai rất hối hận, thuốc thang, thăm hỏi người khách nhưng họ nhất quyết không bỏ qua. Ba tháng sau, anh Hai bị bắt tạm giam vì tội cố ý gây thương tích. Tôi điện về cho cha. Tôi cứ ngỡ, cha sẽ hét toáng lên hay chửi ầm ĩ trong điện thoại. Nhưng thật ngạc nhiên, ông lặng đi vài giây. Giọng cha nghẹn lại khi hỏi: “Nó bị giam ở đâu?”. Sau đó, cha không nói thêm lời nào, lẳng lặng cúp máy.

Để giảm nhẹ tội cho anh Hai, cha tôi ngoài 70 tuổi phải một mình đạp xe hơn chục cây số lên xã để xin cái giấy xác nhận mối quan hệ cha con và thành tích của cha. Nghe cha điện lên, trong điện thoại vẫn còn thở hổn hển, tôi thấy lòng buồn nao nao. Lần nào gọi điện về, cha cũng hỏi tôi: “Nó ở trong sao rồi? Mập hay ốm? Có khỏe không…”. Những lần đến hạn thăm nuôi, cha lại lục tục hành lý. Khi thì cha xách theo mớ cá khô, khi nải chuối, quả ổi trong vườn. Cha nói tôi phải gửi hết vào cho anh Hai. Qua tấm lưới sắt cách xa cả mét, cả anh Hai và cha, đôi mắt đều đỏ hoe.

Ngày anh Hai ra tòa, cha ở quê lên xách theo hai con gà. Cha bảo tôi: “Nếu nó được thả, làm hai con gà này nấu cháo cho nó ăn tẩm bổ”. Bốn tháng anh tôi bị tạm giam, cha xuống cả chục ký. Hai hốc mắt cha trũng sâu, gò má nhô cao, mái tóc bạc phơ, hai chị em tôi không khỏi xót xa. Cha vẫn hy vọng anh Hai sẽ được xử án treo. Nhìn cái lưng còng của cha chầm chậm đi vào phòng xét xử, nước mắt tôi rưng rưng. Anh Hai phải thụ án cải tạo một năm. Nghe tòa tuyên án, tôi quay lại thấy cha đang chậm khăn lau nước mắt. Cha nói tôi đem hai con gà về nấu cháo ăn. Ngay chiều hôm ấy, ông đón xe đò về quê, không nói thêm lời nào.

Hình ảnh cha xách hai con gà và tấm lưng còng rạp đi qua đi lại trước phòng xử án đã xóa hết những ký ức không đẹp về cha. Hóa ra tình thương của cha như một dòng suối âm thầm chảy trong lòng đất mà từ nhỏ đến giờ chúng tôi không nhận ra.

 Cỏ ba lá

Từ khóa Tình cha
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI