Tết sao cho vui ?

09/01/2023 - 20:18

PNO - Tết vui hay buồn, nặng nề hay nhẹ nhàng hệt như cuộc đời và hạnh phúc. Nó mang hình dáng gì do chính tay ta vẽ ra.

ẢNH: huỳnh mỹ thuận
Ảnh: Trần Thế Phong

Chỉ cần qua ngày đưa ông Táo về trời là tự khắc, không ai bảo ai, như quên ngay ngày dương lịch, chỉ còn í ới gọi nhau bằng lịch “ta”. Ngày 24 về quê, 25 quét mộ, 26 lau bàn thờ, 27 đi chợ hoa… - ai nấy nghe lòng rộn ràng, dạ nôn nao, có cảm giác điều gì đó trào dâng ăm ắp không diễn tả được.

Hình như cái tết đã nằm sâu trong từng mạch máu thớ thịt người Việt mình; cứ đúng ngày giờ là hiển hiện rõ hình hài, dẫu dư dả đủ đầy hay còn thiếu trước hụt sau.

Tôi không biết nếu ngày tết phải một mình dưới bếp nấu nướng, dọn dẹp thì sẽ có cảm giác gì. Tôi chỉ biết, nếu nấu nướng dọn rửa cho người trong tim mình chắc sẽ chỉ có nụ cười. Tôi nhìn vào mẹ mình mà tin như vậy. Gần trọn một đời, có bao giờ mẹ tôi nấu nướng dọn dẹp cho chị em chúng tôi mà than khổ sở. Trí nhớ không còn được như xưa nhưng đứa con, đứa cháu nào thích ăn món gì nhất, mẹ tôi chưa bao giờ quên.

Hơn một lần, tôi ngồi thừ sau bếp nhìn dáng mẹ tất tả những ngày tết mà soi rọi bản thân, suy nghĩ về lẽ đời. Cũng hơn một lần, tôi thấy trái tim mình hạn hẹp và ít nhiều hổ thẹn.

Anh họ tôi kể, mấy ngày trước về quê có đám tiệc, anh nói với mẹ anh là sẵn tiện ghé nghĩa trang gia đình thắp nhang cho ông ngoại, ngày quét mộ khỏi về vì sợ cảnh kẹt xe đông đúc. Mẹ anh buông mấy tiếng ngắn gọn, lạnh lùng: “Không sẵn!” rồi bà im lặng suốt chuyến đi dài. Anh biết mẹ giận, biết mình lỡ lời. 

Với người xứ mình, ngày quét mộ, thắp nén nhang cho ông bà thiêng liêng lắm, đâu có “sẵn tiện”, đâu thể quấy quá cho qua. Cây có cội, sông có nguồn, nuôi giữ ý thức nguồn cội, nhen nhúm và thổi bùng ngọn lửa của lòng biết ơn là giữ gìn cái nền tảng cội nguồn sâu vững của con người. Sao lại qua loa “sẵn tiện”? Tôi chào anh ra về, còn nhớ vẻ mặt anh buồn buồn khi nói: “Chắc mẹ nghĩ rồi mai kia bà trăm tuổi, mộ phần ông bà anh cũng “sẵn tiện” mà tạt qua, không sẵn không tiện thì thôi. Anh dở ghê!”.

Đâu đó tôi từng nghe, có những tình cảm vợ chồng rạn nứt, thậm chí tan vỡ, không hàn gắn được vì tết, khi ai cũng đều muốn đón giao thừa tại nhà mình. Có nhiều cô con dâu ngày tết ở nhà chồng mà lòng ở nhà mẹ ruột rồi sinh ra ấm ức tủi thân. Cái tết lẽ ra là những ngày vui vẻ thì vợ chồng lại cãi nhau rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, không kiểm soát được cảm xúc, làm tổn thương nhau không ít. Tình yêu theo năm tháng vơi dần lúc nào không hay.

Suy tận cùng, ai cũng vậy, nhà mình - nơi mình sinh ra lớn lên, nơi có ông bà, cha mẹ anh chị em - là đặc biệt và duy nhất trên đời này. Ngôi nhà ấy có thể nhỏ bé đơn sơ, có thể ở tận vùng quê hẻo lánh xa xôi; ông bà, ba mẹ, anh chị em mình có thể chỉ là những người bình thường nhưng vĩnh viễn không ai sánh hay thay thế được. Lẽ tất yếu, ai cũng muốn được về nhà mình.

Vậy giải quyết sao đây trong những ngày tết? Quan trọng nhất là yêu thương nhau và vui vẻ. Bởi từng tuổi ấy, nếu được sở hữu một điều ước, có cha mẹ nào không mong con cháu hạnh phúc bình an. 

Tôi còn nhớ mãi cảnh nhân vật cô gái nhỏ trong một bộ phim tôi rất yêu thích hỏi cô tiên: “Hạnh phúc là gì vậy cô?”. Cô tiên không trả lời mà bảo cô bé ấy lấy một tờ giấy và vẽ lên đó bất cứ thứ gì mình muốn. Cô bé vẽ bông hoa. Cô tiên vẽ thêm vào một hình vuông, rồi nói: “Hạnh phúc chính là cái tự con vẽ nên. Con vẽ bông hoa, hạnh phúc sẽ là bông hoa. Con vẽ hình vuông, hạnh phúc sẽ là hình vuông…”.

Tết vui hay buồn, nặng nề hay nhẹ nhàng hệt như cuộc đời và hạnh phúc. Nó mang hình dáng gì do chính tay ta vẽ ra. Tết sao cho vui còn là sự lựa chọn của mỗi người trong cái hài hòa nhất. 

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI