Tết này, cho con về thăm nội...

01/02/2024 - 06:10

PNO - Người cha cũng dần nhận ra, nếu mình ngăn cản thăm nom hay cố tình ngăn cấm bé vun đắp mối quan hệ với họ ngoại thì dần dà, vợ cũ cũng sẽ nộp đơn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.

Đâu chỉ những phụ huynh khó khăn về kinh tế mới phải ưu tư, băn khoăn những ngày cận tết vì bài toán áo mới cho các con, tiền biếu xén lì xì, vé tàu xe về nội ngoại. Với những cặp vợ chồng ra tòa ly hôn và tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con, tết này con có được gặp ba/mẹ không, giờ đây vẫn còn là ẩn số, nói gì đến chuyện có được về nội, ngoại, thăm thú họ hàng.

Dù các bé ấy có thể sở hữu cả tủ quần áo, giày mới hàng hiệu; chất đống những bộ đồ chơi trẻ em; đi du lịch nước ngoài vào dịp tết, nhưng không khí sum vầy, đoàn viên trong ngày đầu xuân vẫn mãi là khát khao. Thậm chí, bé còn không biết để mà khát khao, bởi khung cảnh quây quần, đoàn tụ chưa bao giờ hiện hữu.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa

Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (Tòa án nhân dân TPHCM) vừa xử phiên phúc thẩm gay go về tranh chấp quyền nuôi con trai. 2 người đều có trình độ và địa vị khá cao trong xã hội. Thu nhập hằng tháng của họ cộng lại cũng tới con số hàng trăm triệu đồng. Người cha tự hào mình làm trong ngành y, có đầy đủ kiến thức để chăm sóc, nuôi dạy con và đã sắp xếp làm việc tại nhà để thường trực bên con. 

Khi trình bày tần suất người mẹ được đến thăm con nếu tòa giao cho ba trực tiếp nuôi, ông ta cho phép mẹ cứ 2 tuần được đến thăm bé 1 buổi với địa điểm cố định, duy nhất: tại nhà ông ở. Cho rằng người kia từng bất tín, phá vỡ cam kết ba/mẹ nuôi con luân phiên 3 ngày, 1 tuần… cả 2 phụ huynh đều không an tâm khi giao cho người kia. 

Với thái độ đối phó, dè chừng của đương sự, 1 đại diện hội đồng xét xử tuyên bố mạnh mẽ rằng, các anh chị đừng cứ vin vào những gì 2 người đã đối xử với nhau trong quá khứ mà hãy thực sự thiện chí, ngồi với nhau, tìm ra giải pháp tích cực nhất để cùng nuôi dạy con từ giây phút này. Nếu cứ tính toán hơn thua với nhau thì không tránh khỏi việc tranh giành qua lại, tương lai của con sẽ như thế nào trong cuộc quyết chiến này của người lớn? 

Cuối phiên xử, chủ tọa đã tuyên “quyền trực tiếp nuôi con thuộc về người mẹ”. Hy vọng quá trình thi hành án sẽ diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, trên tinh thần tự nguyện của người cha (người đang trông giữ bé trong quá trình tòa xử). Hy vọng 2 người bắt tay, tôn trọng nhau, để dù con không được sống trong mái ấm đủ đầy ba mẹ, con vẫn sẽ nhận được tình thương của đại gia đình. Cụ thể, trước mắt là tết này, bé có thể được tung tăng chơi đùa với mẹ/với ba, đi tảo mộ, thắp hương mừng tuổi ông bà nội/ngoại.

Báo Phụ nữ TPHCM từng nhận thư của 1 người mẹ nhờ hỗ trợ, can thiệp, thuyết phục sao cho chồng cũ chịu “nhả con”, để con được về thăm ngoại ở Bắc vào dịp nghỉ tết. Ngoại đã già yếu, mang nhiều bệnh, thiết tha mong được gặp lại con cháu, nhưng ba bé vẫn chiếm giữ bé. Mẹ “xin”, ba chưa “cho”, nên không biết sao để mà đặt vé. Với sự kết nối của phóng viên, đứa cháu miền Nam đã kịp gặp bà, cho bà thỏa nguyện trước lúc về thế giới bên kia.

Những tấm hình đoàn viên duy nhất của đứa bé với dòng họ ngoại là bảo vật của bé và là minh chứng cho sự mở lòng, bắt tay, đồng hành của ba mẹ để con có cội có nguồn. Người cha cũng dần nhận ra, nếu mình ngăn cản thăm nom hay cố tình ngăn cấm bé vun đắp mối quan hệ với họ ngoại thì dần dà, vợ cũ cũng sẽ nộp đơn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con và mình có nguy cơ nhận lại chiếc rào chắn mà bấy lâu nay chính mình đã gia cố. 

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

2 chữ “trực tiếp” trong “quyền trực tiếp nuôi con” khẳng định rằng, cả ba lẫn mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Không bên nào bị phủ định vai trò, chỉ là bên này trực tiếp và thường xuyên hơn bên kia một chút, xuất phát từ lợi ích toàn diện của con.

Nếu thực sự vì con, vì hòa khí với “người xưa” thì những cam kết chỉ có tính tương đối và hoàn toàn có thể linh hoạt được. Ví dụ, khi ba được tòa giao trực tiếp nuôi con, có cam kết tối Chủ nhật mẹ được đến thăm con, nhưng một lần bà ngoại, cậu, dì… từ nước ngoài về, chỉ có thể cùng mẹ đến thăm cháu vào các tối đầu tuần đến thứ Bảy thì sao? Khi con bệnh, bị tai nạn, cần hơi ấm của mẹ/ba thì bất kể giờ giấc nào, đều có thể liên lạc. Sinh nhật, nghỉ hè… các anh chị em họ quy tụ, con có thể ngủ lại nhà bà nội dù mẹ mới là người được quyền trực tiếp nuôi con.

Mọi sự cứng nhắc sẽ trở thành ích kỷ, cố chấp, nhẫn tâm, và là ngòi nổ của xung đột và người bị tổn thương chính là những người từng sống chung tổ ấm. Thử ngẫm lại, con lớn khôn, trưởng thành, hạnh phúc từ những dòng mực khô cứng, vô hồn của bảng nội dung cam kết thăm nom hay từ trái tim ấm áp, từ dòng máu tình thâm thiêng liêng của dòng tộc, tổ tiên? 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI